LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Bún Tày - Ẩm thực đặc trưng của huyện Chiêm Hóa
14/06/2017: Ẩm thực của người Tày khá phong phú như món bánh lẳng, bánh gai, bánh trứng kiến, xôi ngũ sắc và đặc biệt là món bún chan canh thịt vịt. Chỉ cần ăn một lần thực khách sẽ nhớ mãi...

     Thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa có gần 80 hộ dân sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày. Bà Hà Thị Xuyến năm nay hơn 80 tuổi cho biết, tiếng Tày gọi “bún” là “Pún”. Trước đây, bún thường được làm trong các dịp lễ, Tết nhưng giờ đây món ăn này được sử dụng hàng ngày.

 

     Công đoạn làm bún Tày kỳ công hơn các loại bún khác. Để làm nên những mẻ bún thơm ngon, việc quan trọng đầu tiên là bí quyết từ khâu chọn gạo. Gạo làm bún phải là gạo Khang Dân, loại gạo làm cho sợi bún khô, không làm cho sợi bún nát, dính bết như các loại gạo khác. Theo bà Xuyến thì thời gian để làm được món bún này mất khoảng một tuần. Trước tiên là ngâm gạo vào chum cho đến khi nào hạt gạo hoai mềm và có mùi chua (càng chua thì càng ngon). Ngâm gạo đủ ngày thì chắt nước đi cho ráo, ủ một tối rồi cho vào cối xay thành bột mịn. Sau đó nhào bột rồi nặn thành từng quả bột nặng chừng một cân, đem quả bột luộc qua nước sôi. Quả bột sau khi được luộc thì vớt ra cho vào cối giã nhuyễn đưa vào khuôn rồi ép thành những sợi bún. Khuôn làm bún được làm bằng gỗ do các gia đình tự chế nên trông rất đơn giản. Những sợi bún tròn, mịn sẽ hình thành qua khuôn này, thả xuống nồi nước sôi, luộc khoảng 5 phút sẽ chín. Khi sợi bún nổi trên mặt nước thì vớt bún ra đem ngâm xuống chậu nước sạch cho đến khi sợi bún săn lại. Người ta để bún ra nia thành những con bún (để dài thành hàng) khi ăn thì lấy kéo cắt ngắn ra.

     Là một gia đình có truyền thống làm bún, chị Ma Thị Lượng, thôn Bó Củng, xã Kim Bình chia sẻ, điều độc đáo là sợi bún của người Tày thường to hơn sợi bún ở nơi khác từ hai đến ba lần, ăn dai và ngon hơn. Thông thường người Tày dùng thịt vịt để nấu canh chan bún. Thịt vịt thái miếng, rang lên rồi đổ nước nấu cho chín, cho thêm ít rau răm sẽ trở thành nước chan lý tưởng nhất của loại bún Tày. Ăn bát bún thấy vị hơi chua lại có mùi thơm ngầy ngậy, mát mịn và ngon.

     Ngày nay, nhiều hộ người Tày làm bún để bán kiếm thêm thu nhập. Hộ chị Lượng một ngày làm 20 kg bún để mang ra chợ bán. Trung bình 1 kg có giá 10 nghìn đồng. Chị cho biết, có hai loại bún, bún tươi và bún khô. Bún tươi là bún sau khi chế biến xong ăn ngay và có thời gian bảo quản trong ngày còn bún khô được phơi nắng và có khi để đến hàng tháng không bị ôi thiu. Tuy nhiên, muốn ăn bún khô, người làm khá kỳ công khi phải ngâm 2 - 3 tiếng cho mềm sợi bún mới bắt đầu chế biến được.

     Đây cũng là một trong những nét ẩm thực đặc trưng vùng quê miền núi, tạo thêm sự thú vị đối với du khách.

Theo: http://tuyenquang.tintuc.vn