LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Tuyên Quang tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư
16/09/2017: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cảm nhận của nhà đầu tư, doanh nghiệp về môi trường đầu tư cấp huyện, sở, ban ngành (DCI) tiến bộ rõ rệt. Một số nhà đầu tư lớn đã đầu tư vào Tuyên Quang, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.

     Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ trọng tâm số 1 là cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
     Để thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), công tác triển khai thực hiện được cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Ban Chỉ đạo thực hiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển, đó là:
     Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh cũng chỉ đạo tiến hành rà soát, loại bỏ những văn bản chồng chéo, hết hiệu lực. Các thủ tục hành chính được công khai minh bạch, cập nhật và được hướng dẫn rõ ràng trên trang thông tin điện tử của tỉnh, các ngành. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thành lập Trung tâm hành chính công tại thành phố Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương và tới đây sẽ triển khai mô hình này tại tất cả các huyện còn lại trong tỉnh để để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính khi tiến hành đầu tư trên địa bàn tỉnh. Với nỗ lực trên, đến nay thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm tối thiểu 30% so với năm trước.

Toàn cảnh thành phố Tuyên Quang


      Với quan điểm luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành có liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, tọa đàm thông qua “chương trình cà phê doanh nhân” để lắng nghe ý kiến, đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cũng là tạo cơ hội thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ, đối thoại, kiến nghị với lãnh đạo các cấp của tỉnh; là dịp để nhà đầu tư, doanh nghiệp trao đổi thông tin, tìm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh...
     Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ liên quan trực tiếp đến hoạt đông đầu tư, cán bộ làm công tác “một cửa”, đồng thời giao cho Hiệp Hội doanh nghiệp của tỉnh chủ trì tiến hành khảo sát, đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh cấp huyện và các sở, ban, ngành trong tỉnh (DCI). Việc tiến hành khảo sát, đánh giá DCI là cơ sở giúp các cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền nỗ lực hơn nữa trong giải quyết các thủ hành chính, chất lượng phục vụ.
     UBND tỉnh cũng chỉ đạo kịp thời giải quyết các vướng mắc, nhất là về giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án khi đầu tư trên địa bàn tỉnh; cùng với đó từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn trao quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư.
Ảnh: Thanh Phúc


     Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nêu trên, đã tạo lập được môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Tuyên Quang, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Năm 2014, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã tăng lên thứ 50 trong toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm trước, điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố với 6,22 điểm). Năm 2015, chỉ số PCI của Tuyên Quang xếp thứ 48 (tăng 1,61 điểm) và đến năm 2016, vươn lên xếp thứ 45/63 tỉnh thành (tăng 0,62 điểm), trong nhóm các tỉnh thành xếp thứ hạng khá.
     Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: “Tuyên Quang là tỉnh nghèo nhưng sáng kiến cải cách thì nhiều tỉnh cần học hỏi, cũng nhấn mạnh đến tính tiên phong và hiệu quả của mô hình "cà phê doanh nhân" ở Tuyên Quang”.
       Để khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, tỉnh đã lựa chọn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào 3 khâu đột phá là: Lĩnh vực nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông, lâm sản; công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực dịch vụ du lịch. Tỉnh cũng đổi mới cách thức thực hiện xúc tiến đầu tư từ mời gọi chung chung sang mời gọi trực tiếp các nhà đầu tư lớn theo từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, đảm bảo cho dự án phát triển sản xuất kinh doanh bền vững tại địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và
các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến ký kết cam kết đầu tư giữa UBND tỉnh với các nhà đầu tư.
Ảnh: Thành Công


     Với thế mạnh diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn, được quy hoạch và triển khai thực hiện thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng chè nguyên liệu 9.000 ha, vùng mía nguyên liệu trên 15.150 ha, vùng cam 8.500 ha, vùng nguyên liệu giấy 130.000 ha, vùng lạc 4.200 ha, vùng trồng rau 8.000 ha. Đặc biệt, tỉnh có nhiều nông sản ngon, nổi tiếng, tiêu biểu như: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà (Yên Sơn), các sản phẩm chè, mía đường có thương hiệu và được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, Tuyên Quang có nhiều sông, hồ, suối lớn là nguồn nuôi trồng thủy sản, nhất là các loài cá đặc sản như dầm xanh, chiên, bỗng, lăng... tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản.
      Xác định được thế mạnh để tạo thành thế chân kiềng, đó là: Nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp hỗ trợ và du lịch … Căn cứ vào lợi thế vùng nguyên liệu, giao thông và lao động, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tuyên Quang đến năm 2020, tỉnh đã qui hoạch, xây dựng 7 khu, cụm công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Long Bình An, Khu công nghiệp Sơn Nam; Cụm công nghiệp: An Thịnh huyện Chiêm Hóa, Khuôn Phươn huyện Na Hang, Thắng Quân huyện Yên Sơn, Thổ Bình huyện Lâm Bình, Tân Thành huyện Hàm Yên.
     Tuyên Quang đã mời gọi được các nhà đầu tư lớn thực hiện dự án tại tỉnh theo đúng định hướng phát triển kinh tế của tỉnh như: Về nông nghiệp, Tập đoàn Dabaco đầu tư thực hiện dự án tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm; về công nghiệp chế biến, Công ty Cổ phần Woodsland đầu tư thực hiện Dự án cụm công nghiệp chế biến gỗ Tuyên Quang; về du lịch dịch vụ, Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, nhà phố thương mại (Shop-house) Vincom Tuyên Quang và Dự án Vinpearl Tuyên Quang; Tập đoàn khách sạn Mường Thanh xây dựng Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang với tiêu chuẩn 4 sao… Ngoài ra, Tập đoàn FLC đến khảo sát môi trường đầu tư để đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh...
      Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, trong đó các trục giao thông đến các khu kinh tế, du lịch trọng điểm được chú trọng đầu tư. Là “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến” Tuyên Quang có nhiều địa danh lịch sử cách mạng nổi tiếng. Thiên nhiên cũng ban phú cho Tuyên Quang nhiều cảnh quan đẹp và đa dạng với 546 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, đền, chùa… đã được xếp hạng, qui hoạch, trong đó có những địa danh được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và danh thắng quốc gia như Khu di tích lịch sử quốc gia đăc biệt Tân Trào, Kim Bình; Thác Bản Ba (Chiêm Hóa), Thác Mơ (Na Hang)… Các Khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình đang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nhiều hang động, khu rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ và muông thú quý hiếm được ghi trong sách Đỏ của thế giới. Nguồn suối khoáng nóng Mỹ Lâm nổi tiếng về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng với nhiệt độ 690 C… Tuyên Quang là nơi hội tụ và giao thoa sắc thái văn hóa của 22 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh với những lễ hội, làn điệu dân ca mang đậm bản sắc văn hóa và những lễ hội đặc sắc, riêng có. Chính các yếu tố trên đã tạo cho Tuyên Quang nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, nhiều sức hấp dẫn du khách với nhiều loại hình du lịch: Du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh - lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng.
Núi rừng hùng vĩ, tài nguyên phong phú, thiên nhiên tươi đẹp, con người nhân hậu và mến khách, Tuyên Quang tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nhà đầu tư trong và nước ngoài đến đầu tư phát triển; kính mời du khách tới tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội và khám phá, thưởng ngoạn cảnh quan tươi đẹp của Tuyên Quang, “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”.
     Đầu tư phát triển làm giàu cho doanh nghiệp; sự thành công, thịnh vượng của các doanh nghiệp trên mảnh đất Tuyên Quang cũng là đầu tư, phát triển và thịnh vượng của Tuyên Quang. Tuyên Quang luôn đồng hành và cam kết dành cho các nhà đầu tư những điều kiện thuận lợi, cơ chế ưu đãi nhất có thể trong quá trình đầu tư.
 

                   Trịnh Thị Hiền Lan,

 Phòng Xúc tiến  đầu tư, thương mại và du lịch

    Website:www.ipc.tuyenquang.gov.vn