LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ thành hoàng làng
09/11/2017: Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của Nước ta, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người con đất Việt. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ra đời từ chính truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta với sự biết ơn, đề cao vai trò của người có công với dân, với nước. Chứa đựng một sắc thái đậm chất tín ngưỡng thờ Thành hoàng, đền Kiếp Bạc bên lưu vực sông Lô thuộc phường Tân Quang - thành phố Tuyên Quang là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân vùng sơn cước.

 

Đền Kiếp Bạc tên chữ là Kiếp bạc linh từ. Ảnh: internet



     Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng thường được thể hiện đậm nét nhất trong các lễ hội xuân hoặc dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Khi mùa xuân bắt đầu len lỏi trên khắp các góc phố, làng quê, khi những nụ đào, nụ mai chúm chím nở và những lộc biếc đâm chồi xanh non cũng là lúc mùa lễ hội diễn ra. Trong một quốc gia với sự phong phú, đa dạng của hoạt động lễ hội, thì lễ hội thờ Thành hoàng làng là một trong những lễ hội tiêu biểu đóng vai trò quan trọng là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự giao lưu văn hoá giữa các làng xóm với nhau, rộng hơn nữa là giữa các vùng miền trên khắp Tổ quốc.

     Thành hoàng chính là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất. Họ là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, tránh mọi hiểm hoạ thiên tai, dịch bệnh... Cho nên sự thờ phụng Thành hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng. Thành hoàng cũng được gọi là phúc thần, tức vị thần ban phúc cho dân làng, thường mỗi làng thờ một Thành hoàng, xong cũng có khi một làng thờ hai, ba hoặc hai ba làng thờ một vị. Thành hoàng có thể là nam thần hay nữ thần, tuỳ sự tích mỗi làng. Đó có thể là một vị thần như Phù đổng Thiên vương, thần núi như Tản Viên Sơn thần, thần có công với dân với nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Dã Tượng...

    Đền Kiếp Bạc, thuộc tổ 4 - phường Tân Quang, nằm ở trung tâm thành phố Tuyên Quang, sát bờ sông Lô. Đền tọa lạc trên một khu đất cao, được người xưa dựng ở thế đất lành tự nhiên theo thuyết phong thuỷ "Tiền minh đường hữu hậu chẩm" (theo quan niệm là nơi tụ thuỷ, tụ phúc, thể hiện ước vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp lúa nước mong được cuộc sống ấm no, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu) lại lấy ngọn La sơn làm hậu chẩm tạo thành một thế vững chắc để trường tồn qua thời gian. Cửa đền Kiếp Bạc quay theo hướng Đông Nam nhìn ra dòng Lô giang huyền sử, nơi có dãy núi Dùm làm bức bình phong bao bọc ở thế tay ngai. Theo quan niệm hướng Nam là hướng của các bậc đế vương ngự trị "Nam diện nhi thính thiên hạ" (nhìn về hướng Nam mà cai trị thiên hạ).

     Đền Kiếp Bạc (tên chữ là Kiếp Bạc linh từ, tức đền thiêng Kiếp Bạc) từ lâu đã được du khách thập phương xa gần biết đến không chỉ bởi vẻ cổ kính, trang nghiêm, thể hiện lối kiến trúc chùa đền từ xa xưa của dân tộc, mà còn nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh. Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX niên hiệu Gia Long triều Nguyễn (1802 - 1819) để thờ phụng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Nguyên - Mông vào nửa cuối thể kỷ XIII. Đền chính là nơi linh thiêng để người dân thành Tuyên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung bày tỏ niềm biết ơn đối với Đức Thánh Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn. Người được quân dân Đại Việt suy tôn là vị thánh, người cha tinh thần của dân tộc, lấy ngày 20 tháng 8 là ngày quốc giỗ:" Tháng Tám giỗ cha tháng ba giỗ mẹ" để người dân đời đời thờ phụng trải qua bao thế hệ.

     Từ khi khởi dựng tới nay, trải qua hơn một thế kỷ tồn tại với biết bao giai đoạn biến động của lịch sử dân tộc cũng như vùng đất thành Tuyên, đền Kiếp Bạc vẫn tồn tại vững chắc trong niềm tôn kính của người dân nơi đây. Hiện nay, đền vẫn còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như: 02 quả chuông đồng, 01 bộ đồ bát bửu, 02 đôi chân đèn, 02 bức hoành phi, 01 đôi câu đối, 01 hòm đựng sắc phong, 13 khám thờ, 13 pho tượng thờ...

    Đầu năm 2008, cùng với việc chính thức khôi phục lễ hội Đền Hạ và để đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá tâm linh của nhân dân, đền Kiếp Bạc đã được nhân dân thành Tuyên Quang cùng du khách thập phương công tâm, công đức, trùng tu, tôn tạo. Bức tranh tường thời Trần nằm trong khuôn viên đền, cao 02 m, rộng 24 m, mô tả sống động hào khí của quân dân nước Đại Việt ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

    Với ý nghĩa về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc, đền Kiếp Bạc được coi là một trong những công trình văn hoá tiêu biểu trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Đó là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân thành Tuyên trải qua bao thế hệ. Đền Kiếp Bạc đã đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân nơi miền sơn cước, thể hiện khát vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp lúa nước nhờ siêu lực của Đức Thánh Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn mà ban cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, có được vụ mùa bội thu phong đăng hòa cốc.

    Xuân Mậu Tuất, mời du khách đến với Thành Tuyên, ghé thăm đền Kiếp Bạc linh thiêng, cổ kính để chiêm ngưỡng, bái vọng, cầu phúc, cầu đức, cầu lộc, cầu thọ, cầu tài và thành kính nhớ tới công lao của Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn đã bảo vệ bờ cõi khỏi giặc ngoại xâm./.

Theo tuyenquang.gov.vn