LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Một mùa Lễ hội thành công
02/01/2018: Mùa xuân sắp về trong mỗi góc phố, bản làng và từng gia đình. Nhìn lại những dấu ấn nổi bật năm 2017 của tỉnh, chúng ta không thể không tự hào nhắc đến sự thành công của mùa Lễ hội Thành Tuyên.

 

    Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị đến mùa Lễ hội Thành Tuyên, du khách trong Nam, ngoài Bắc lại nhộn nhịp chuẩn bị lịch trình lên với Tuyên Quang. Tuy là hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu của hàng vạn du khách, nhưng ai nấy cũng rất vui vẻ, thích thú ở dịch vụ homestay. Ông Trần Văn Nam, một du khách ở Đà Nẵng cho biết, lễ hội ở trong nước có hàng nghìn, nhưng không đâu có được như Lễ hội Thành Tuyên. Bởi đây là lễ hội do nhân dân làm chủ và người hưởng lợi cũng chính là nhân dân. Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Lễ hội Thành Tuyên ngày càng thể hiện quy mô hoành tráng và tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức. Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên còn được gắn với Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất đã tạo dấu ấn riêng, đặc sắc...

    Sự thành công của Lễ hội Thành Tuyên chính là bắt nguồn từ nhu cầu hưởng thụ, giao lưu văn hóa và nội lực của người dân. Những ngày đầu sơ khai xem mô hình còn giản đơn, song do quyết tâm của các tổ dân phố, xóm, thôn, sự xã hội hóa đồng tâm hiệp lực đóng góp tiền, ngày công của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng làm xe mô hình trung thu ngày càng hiện đại, mang tính nghệ thuật cao. Nhiều khu dân cư đã cử thợ cơ khí giỏi về Tề Lỗ (Vĩnh Phúc) tìm mua động cơ để lắp ráp cho xe mô hình đèn Trung thu.

Mô hình đèn Trung thu "Di sản 4.000 năm qua văn hóa trống đồng" của tổ 2,
phường Tân Quang (TP Tuyên Quang)

Các cháu thiếu nhi trong Lễ hội thành Tuyên năm 2017. Ảnh: Phan Anh

    Ngoài hiện đại hóa các xe mô hình để phục vụ Lễ hội Thành Tuyên một cách lâu dài, hiệu quả, các khu dân cư còn sáng tạo ra cách làm mô hình mới mẻ, sống động. Bà Nguyễn Thị Tuyên, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) nói, mấy mùa lễ hội trước các khu dân cư thường làm mô hình bằng giấy, hễ mưa là phải che bên trên xe mô hình, như vậy nhìn dáng dấp của xe mô hình rất xấu khi chụp ảnh. Để khắc phục điều đó, các “chuyên gia” của tổ đã họp bàn, phân tích, thống nhất chọn chất liệu bằng nhựa, mê ca, ni lông, khung sắt. Những chất liệu này vừa chịu lực, chịu mưa, khi thắp đèn phát sáng nhìn rất đẹp và lung linh, nhất là vào buổi tối. Đặc biệt, năm nay, có hơn 10 mô hình gà, nhưng không có mô hình nào giống nhau, mỗi mô hình có những nét riêng, diện mạo riêng, tạo ra đàn gà mùa lễ hội rất đẹp, lung linh.

    Độc đáo hơn, năm nay tỉnh đã mạnh dạn đưa mô hình đèn Trung thu “Gia đình nhà già cùng nhau đi trảy hội” và trình diễn trích đoạn nghi lễ cưới của người Dao đỏ Tuyên Quang diễn diễu ở phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Đây là cách quảng bá lễ hội một cách trực quan, khiến du khách thích thú, tò mò. Chị Lê Thị Vân, du khách Hà Nội chia sẻ, mô hình “Gia đình nhà gà cùng nhau đi trảy hội” thực sự ấn tượng, khiến chị cùng một số người bạn đã liên hệ để lên Tuyên Quang thưởng thức Lễ hội Thành Tuyên. Chắc chắn vào năm sau, chị sẽ rủ thêm nhiều người bạn nữa lên Tuyên Quang để được xem những mô hình đèn Trung thu khổng lồ, rực rỡ sắc màu.

Các diễn viên đoàn Thanh Hóa biểu diễn tiết mục "Múa bát" của dân tộc Dao Quần Chẹt tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quóc lần thứ nhất do tỉnh Tuyên Quang đăng cai tổ chức.

    Qua nhiều năm tổ chức, Tuyên Quang đã có kinh nghiệm trong việc phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng, chống cháy nổ. Vì vậy, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc suốt mùa lễ hội, vấn đề an toàn cho du khách được bảo đảm. Bà Bùi Thanh Hương, một du khách Hà Nội đã nhiều lần tham dự Lễ hội Thành Tuyên khẳng định, lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô, hoành tráng, không gian mở rộng. Tới lễ hội bà cảm thấy an toàn, không có chuyện móc túi, cướp giật hoành hành. Người dân luôn vui vẻ, nhiệt tình, thân thiện, khiến bà và du khách cảm thấy rất thoải mái.

    Sự thành công của Lễ hội Thành Tuyên sẽ là cú huých lớn cho du lịch của Tuyên Quang phát triển lên một tầm cao mới, trở thành 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2017, Tuyên Quang thu hút 1.569 nghìn lượt khách du lịch, đạt 105,3% kế hoạch, tăng 9,7% so với năm 2016; doanh thu xã hội từ du lịch 1.343 tỷ đồng, đạt 105,8% kế hoạch, tăng 9,5% so với năm 2016. Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong phát triển du lịch của tỉnh.

Theo TQĐT