LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Phát triển du lịch thông minh: Tăng kết nối thông tin, dữ liệu
22/02/2019: Xây dựng hệ thống du lịch thông minh phải lấy người dân, du khách làm trọng tâm, các ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông cũng vì mục đích đó mà hướng tới. Từ yêu cầu đó, tỉnh ta đang hướng tới phát triển du lịch thông minh với hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch, hệ sinh thái các dịch vụ và ứng dụng du lịch có thể mở rộng trong tương lai…

 

Công ty Du lịch Hương Việt (TP Tuyên Quang) ứng dụng công nghệ thông tin
hướng dẫn du khách lựa chọn các tua du lịch. Ảnh: Quốc Việt

Tỉnh ta hội tụ đủ các thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch như lịch sử, tâm linh, sinh thái, văn hóa. Với hơn 630 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, tỉnh được ví như một bảo tàng cách mạng của cả nước. Những năm qua, ngành du lịch tỉnh ta đã có những bước phát triển nhanh chóng, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh, hạ tầng du lịch từng bước được hoàn thiện, song ngành du lịch vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Để đưa ngành du lịch cập được với công nghệ thông tin, tỉnh đang xây dựng giải pháp trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá về hiện trạng công nghệ thông tin của sở nói riêng cũng như ngành du lịch tỉnh nói chung. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện tại chưa đủ đáp ứng các yêu cầu công việc. Sự góp mặt của các ứng dụng công nghệ thông tin đã có song hầu hết chỉ dừng lại ở các tính năng đơn giản hoặc chưa thực sự hiệu quả. Hiện tại, sở chưa có phần mềm quản lý dữ liệu chung, việc quản lý dữ liệu chung chưa chia theo cấp thẩm quyền, lĩnh vực, dữ liệu đa phần được quản lý dưới dạng Excel hoặc đưa lên Website. Ngành du lịch Tuyên Quang cũng chưa có cơ sở dữ liệu chung để mọi người có thể chia sẻ, tra cứu, trích xuất khi cần. Tỉnh cũng chưa có bản đồ số về du lịch. Các ứng dụng du lịch trên thiết bị di động, phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin về du lịch Tuyên Quang sử dụng trên nền hệ điều hành Android và IOS chưa có, các công nghệ thông tin tiên tiến như QR code trong trải nghiệm du lịch, AR, quản lý phản hồi của khách du lịch, phân tích du lịch thông minh chưa có.

Việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc khai thác và quản lý du lịch, cung cấp cho các cơ quan quản lý các số liệu chính xác, đầy đủ và đồng bộ để có thể kịp thời điều chỉnh các quyết định, chính sách nhằm cải thiện môi trường du lịch, từng bước nâng cao giá trị kinh tế mà ngành du lịch đem lại.

Trong Chương trình hành động số 15-CTr/TU, ngày 27-6-2017 của Tỉnh ủy Tuyên Quang chỉ rõ: “Chương trình hành động về phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 của các cấp, các ngành”. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viễn thông Tuyên Quang xây dựng Đề án “Phát triển du lịch thông minh giai đoạn 2019 - 2022, tầm nhìn đến năm 2025”, đây là một trong những giải pháp căn bản quan trọng để biến những ý tưởng phát triển du lịch của tỉnh thành hiện thực.

Để xác định được giải pháp phù hợp cho ngành du lịch Tuyên Quang, nhóm khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Viễn thông Tuyên Quang đã kết hợp các dữ liệu thu thập và tổng hợp được từ khảo sát để phân tích. Những yêu cầu cần giải quyết đều đứng trên quan điểm của ba đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước, người dân và du khách, doanh nghiệp. Từ đó các giải pháp phải đáp ứng được yêu cầu tương tác của các đối tượng trong hành trình du lịch. Điều đó khẳng định, chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, mới giúp ngành du lịch tỉnh chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với chủ thể liên quan.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng đại diện, Giám đốc VNPT Tuyên Quang khẳng định, ngay khi đề án được duyệt, VNPT sẽ triển khai hệ thống quản lý dữ liệu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cổng thông tin du lịch, Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch. Từ đó, giúp cho khách du lịch có kênh để trải nghiệm du lịch tại Tuyên Quang. Đồng thời, giúp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quản lý chuẩn xác các dữ liệu về du lịch, vừa thu thập được các phản hồi của du khách khi đến với các điểm đến của du lịch Tuyên Quang. Thời gian tới, Đề án tập trung vào các giải pháp như thẻ thanh toán thông minh; hệ thống wifi công cộng; hệ thống tham quan thực tế ảo…

Xây dựng du lịch thông minh là một lộ trình dài hạn, nhưng để ngành du lịch thực sự chuyển mình thì việc thay đổi để phù hợp với công nghệ số, thì đó là một xu thế tất yếu. Từ đó đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo TQĐT