LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa
26/04/2019: Là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, di sản văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để khai thác phục vụ du lịch.

 

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm du lịch homestay tại ngôi nhà sàn của gia đình anh Nguyễn Thế Anh, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình.


Toàn tỉnh hiện có hơn 653 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 138 di tích lịch sử cấp quốc gia; 425 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhiều lễ hội trong năm được tổ chức gắn với di tích, khu di tích, di sản văn hóa như: Lễ hội rước mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (TP Tuyên Quang); Lễ hội Lồng tông dân tộc Tày ở Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa... Ngoài ra có một số lễ hội như: Lễ hội chùa Hương Nghiêm, xã An Khang (TP Tuyên Quang); Lễ hội đình Giếng Tanh, đình Song Lĩnh, xã Kim Phú (Yên Sơn)… Các lễ hội gắn liền với các khu di tích, danh lam thắng cảnh văn hóa, di sản văn hóa đã thu hút rất đông du khách thập phương đến tham quan. Đặc biệt, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình... lâu nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Tuyên Quang.

Nhiều địa phương đã và đang làm tốt công tác đưa di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng. Ở huyện Lâm Bình, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc được hội tụ từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca đã trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo nơi đây. Anh Phạm Văn Thắng, du khách đến từ thành phố Bắc Cạn (Bắc Cạn) cho biết, Tuyên Quang được thiên nhiên ban tặng tài sản vô giá đó là danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Đến đây anh không chỉ được ngắm cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ mà còn được trải nghiệm du lịch cộng đồng với ngôi nhà sàn cổ hàng trăm năm tuổi của dân tộc Tày. Anh còn được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, vui chơi, giải trí, thể thao, thư giãn..., hòa mình cùng làn điệu dân ca, điệu múa độc đáo và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Tày. Anh rất hài lòng với phong cách phục vụ, tình cảm chân thành, hiếu khách của người dân địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) cho biết, ông rất mừng bởi từ năm 2015, hát Sình ca của người Cao Lan đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó đến nay hát Sình ca ngày càng được quan tâm gìn giữ và phát huy, được biểu diễn ở nhiều lễ hội, các hoạt động văn nghệ, biểu diễn phục vụ du khách. Ở nơi ông sinh sống, số người tham gia học, hát Sình ca tại các câu lạc bộ ngày càng tăng, hoạt động của các câu lạc bộ ngày càng quy củ, chất lượng. Hát Sình ca làm cho các lễ hội cũng hấp dẫn hơn, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt của dân tộc và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân và du khách.

Từ thực tế trên, với quan điểm biến di sản thành tài sản, đồng thời giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với các di sản văn hóa, ngành sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và cộng đồng giữ vững giá trị bản sắc văn hóa. Ngành tăng cường hơn nữa việc xúc tiến quảng bá các hoạt động lễ hội truyền thống; tập trung bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch; chú trọng công tác tuyên truyền về di tích như sách cẩm nang về di tích. Đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực từ xã hội trong công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích… để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Theo http://baotuyenquang.com.vn