LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Nghề làm đèn trung thu truyền thống
25/08/2019: Nghề làm đèn trung thu lắm công phu, đòi hỏi mỗi người thợ làm đèn không chỉ khéo léo, tài năng mà còn phải thổi vào tác phẩm của mình tình yêu con trẻ.

 Nghề thủ công vang bóng một thời


Đã thành nghề thì bao giờ cũng có những thăng trầm, lúc thịnh lúc suy. Nghề làm đèn trung thu truyền thống cũng vậy. Chỉ 15, 20 năm về trước, nhiều nhà theo nghề làm đèn, trẻ con thời ấy mong ngóng nhất mỗi dịp trung thu để được bố mẹ đưa đi mua đèn ông sao về rước cùng chúng bạn. Ngày nay, những chiếc đèn ông sao phải cạnh tranh với đèn làm bằng nhựa với nhiều mẫu mã đa dạng, chạy bằng pin và phát ra những bản nhạc vui tai. Ở thành phố, những mô hình đèn trung thu khổng lồ cũng làm những đứa trẻ dần quên đi những chiếc đèn thủ công. Dù vậy, với sức sống bền bỉ và ý nghĩa riêng có, những chiếc đèn trung thu truyền thống vẫn tỏa sáng mỗi dịp thu sang, cùng trẻ em rong ruổi trên những nẻo đường soi lối cho “chị Hằng, chú Cuội’.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Cược, tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) khi ông đang hoàn thiện những chiếc đèn trung thu của mình. Ở tuổi 80, đôi tay ông vẫn thoăn thoắt chẻ những nan đèn, khoan cán, dán giấy, còn bà vợ ông thì khéo léo cắt những hình hoa, hình thú nhỏ xinh trang trí cho đèn.

Ông Cược chia sẻ: “Tôi đã làm đèn trung thu truyền thống được 40 năm. Ngày xưa, đèn trung thu là một món quà quý mà trẻ em vô cùng yêu thích. Có những buổi mang đèn ra bán, chỉ độ nửa ngày là bán được khoảng 50 đến 70 cái. Bây giờ vợ chồng tôi đã có tuổi những vẫn muốn gắn bó với nghề, bởi nó cũng là niềm vui khi về già, giúp thế hệ con cháu thêm hiểu, thêm yêu truyền thống dân tộc. Dù bây giờ không còn nhiều nhà làm đèn trung thu như trước, nhưng chắc chắn nghề này sẽ không bao giờ tàn lụi bởi những đứa trẻ vẫn dành rất nhiều niềm yêu thích cho chiếc đèn ông sao. Hơn nữa, bây giờ du lịch phát triển, nhiều du khách đến xem ông làm đèn, có cả những người nước ngoài, họ đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và thích thú khi được cầm chiếc đèn trung thu trong tay”.

Không thể phủ nhận, dù giờ đây đèn trung thu truyền thống không còn nhiều như trước, nhưng nó vẫn làm một nghề thủ công được nhiều nghệ nhân gìn giữ, trân trọng.

Người "hái sao trời”


Chúng tôi gọi vui những nghệ nhân làm đèn là người "hái sao trời”, bởi hàng trăm nghìn chiếc đèn ông sao ra đời đã thắp sáng đường phố như những dải ngân hà di động. Những chiếc đèn trông thì đơn giản, nhưng để làm ra nó là sự kỳ công, tỷ mỉ suốt cả một năm của những người làm đèn.

Ông Cược cho biết, làm đèn trung thu truyền thống trải qua rất nhiều công đoạn, từ tháng 3, tháng 4 âm lịch đã phải bắt đầu chuẩn bị nguyên vật liệu rồi. Theo ông, công đoạn tốn thời gian nhất khi làm đèn là trang trí. Việc dán giấy nếu làm không quen tay sẽ dẫn đến giấy dán bị nhăn, bị thừa, trông đèn rất xấu. Trong các loại đèn thì đèn ông sao làm nhanh nhất, còn đèn con vật, xe tăng, máy bay thì lâu hơn. Nhất là những chiếc đèn máy bay ông mô phỏng từ chiếc phi cơ chiến đấu, từ lên khung cho đến trang trí hoàn thiện phải mất đến 3 ngày, bù lại khi sản phẩm ra đời được trẻ em và du khách đón nhận nồng nhiệt.

Tại nhà ông Nguyễn Xuân Liễu, tổ 11, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang), số lượng đèn trung thu khiến chúng tôi choáng ngợp, trong nhà ông có đến hàng nghìn chiếc đèn đã được hoàn thiện, sẵn sàng cho mùa trung thu sắp tới.

Chia sẻ về quy trình làm một chiếc đèn trung thu, ông Liễu cho biết tốn thời nhất là khi chuẩn bị nguyên liệu. Tre, nứa được mua về từ tháng 3 âm lịch, những cây nứa làm cán đèn thì ngâm luôn; tre thì đo kích cỡ các nan rồi chẻ ra, xếp lại từng bó, sau đó cũng đem ngâm nước. Việc ngâm nước giúp tre, nứa dẻo dai, bền chắc, không bị mối mọt, khi tạo hình đèn mới chắc chắn. Một số nan đèn nhỏ thì phải hun khói để không bị mối mọt.

 Những công đoạn làm đèn.

Đồ trang trí dán vào đèn cũng được cắt trước 3, 4 tháng, bởi số lượng cần trang trí rất nhiều. Ông cũng không sử dụng các loại hình dán có sẵn mà chỉ dùng giấy màu cắt hoa văn, một số họa tiết còn do chính tay vợ ông vẽ rồi cắt, tạo nên những họa tiết độc đáo, không nơi nào có. (Ảnh 11,12,13,14)

Sau giai đoạn chuẩn bị, ông bắt tay vào làm đèn. Nứa làm cán được bó lại rồi cưa, động tác nhanh, dứt khoát để không làm vỡ. Kế đến ông khoan lỗ vào cán để sau này gắn đèn vào. Đối với các nan tre, ông đan và tạo hình đèn ông sao, dùng dây thép cố định các đầu cánh cho thật chắc chắc. Khi chiếc đèn đã thành hình thì chuyển cho vợ và các con, cháu dán giấy trang trí. Mùa trung thu nào cả nhà cũng rộn rã, dậy từ 5 giờ sáng và chỉ đi ngủ khi đã 11 giờ khuya. Vất vả là vậy nhưng cái nghề đã ngấm. Ông bảo nếu có ngày không làm đèn nữa có lẽ ông sẽ thấy rất trống trải. Bà nhà ông cũng thường hay nói, ngồi trang trí đèn là công đoạn lâu nhất, phải cặm cụi gột hồ, dán từng chi tiết nhỏ. Ngồi lâu đau lưng, nhưng cứ thấy trẻ nhỏ nào cầm đèn rước trên đường phố thì bao nhiêu mệt nhọc lại tan biến. Cứ vậy, đều đặn hàng năm ông bà lại làm ra từ 3.000 đến 5.000 chiếc đèn trung thu, “hái sao trời” xuống cho thiếu nhi trông trăng, phá cỗ.

 Nét đẹp cho trung thu


Các trường mầm non, tiểu học, THCS, các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hàng năm đều tổ chức vui Tết Trung thu cho học sinh, các cháu thiếu niên, nhi đồng để động viên, khích lệ các cháu vươn lên trong học tập, rèn luyện. Nhiều nơi, chiếc đèn ông sao là món quà, là phần thưởng cho những cố gắng, nỗ lực của trẻ em. Dù giá trị vật chất không lớn, nhưng mang lại cho các em một ký ức tuổi thơ thật đẹp, thật ý nghĩa.

Ông Liễu cho chúng tôi biết, đèn ông làm ra đã đi tới nhiều địa phương trong tỉnh như Yên Sơn, Chiêm Hóa. Người dân các huyện Đồng Văn, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang cũng xuống tìm mua. Người lớn với tấm lòng yêu trẻ đã mang tới cho các em những chiếc đèn ông sao đủ sắc màu. Đó chính là động lực để ông gắn bó với nghề và cho thấy những chiếc đèn trung thu truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, là người bạn của tuổi thơ, một thức quà giúp mùa trung thu viên mãn.

 

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Cược, cháu của ông là Nguyễn Tấn Phát, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hồng Thái cũng đang giúp ông trang trí đèn. Phát cho biết, từ khi lên lớp 1 đã biết giúp ông làm đèn rồi, dù chỉ là những việc nhỏ như tô màu, dán giấy nhưng em rất vui vì giúp được ông bà. Ông Cược bảo, ông vui lắm, thằng bé rất thích đèn trung thu do ông làm và tự hào khi mang nó đến trường khoe cùng bè bạn. Còn Nguyễn Hoàng Nam, học sinh Trường Tiểu học Phan Thiết chia sẻ, Nam đã được bố mẹ mua cho một chiếc đèn xe tăng rồi bố giúp em lắp vào một chiếc bóng nhỏ chạy bằng pin để an toàn hơn khi dùng nến. Năm sau, Nam sẽ tìm hiểu và tự làm một chiếc đèn của riêng mình bởi Tết Trung thu được tự rước chiếc đèn của mình chắc chắn sẽ rất vui.

Giai điệu vui nhộn ngày rằm trung thu lại vang lên khắp mọi nẻo đường, khu phố, làng bản. Những chiếc đèn trung thu truyền thống lại được các em nhỏ cầm trên tay, hân hoan vui cùng bè bạn.

Theo baotuyenquang.com.vn