LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

LUNG LINH ĐÊM HỘI THÀNH TUYÊN
12/09/2019: Trung thu ở Tuyên Quang luôn đến sớm hơn so với các vùng miền khác trong cả nước. Từ những ngày cuối tháng Bảy âm lịch, phố núi Đông Bắc đã rộn ràng với lân rồng, đèn lồng, những mô hình diễu hành khổng lồ trên khắp phố phường.

 Từ những ngày đầu tháng Tám âm lịch, khắp nơi trong thành phố được phủ đầy bằng không khí náo nức chơi Tết Trung thu, mỗi góc phố đều nắn nót hoàn thành công đoạn cuối cùng của những mô hình Trung thu khổng lồ đã được bắt đầu từ tháng trước. Cả thành phố rộn ràng cùng các mô hình khổng lồ đẹp lung linh. Mùa Trung thu của những năm trước, cả thành phố Tuyên Quang có đến hơn 100 mô hình tham gia diễn diễu, với 60 đến 70 mô hình dự thi. Từ hình ảnh những chú rồng hùng dũng oai nghiêm sáng lóng lánh với đủ các tư thế phun châu, nhả ngọc, phun mây, phun mưa, phun lửa; đủ bộ tứ linh tràn ngập đường phố đến những hình ảnh truyền thống gắn liền với dân tộc Việt Nam như hình ảnh chim hạc, đám cưới chuột, cô Tấm từ quả thị bước ra, thỏ ngọc đánh trống, cho đến hiện đại và đặc trưng như hình ảnh bác Hồ, chim bồ câu hòa bình, chim công, lán Nà Nưa, đình Tân Trào… và cũng không thiếu những nét hoạt hình vui nhộn rất Tây như vịt Donald, Tom & Jerry… đủ làm say lòng ngay cả những người khó tính nhất.

Các mô hình đèn trung thu năm 2019

Mỗi mô hình dài khoảng chục mét, được dựng trên khung thép, với bốn bánh xe máy, chạy bằng sức đẩy của những người tham gia diễn diễu. Bóng điện sáng trong mô hình được thắp bằng máy nổ được gắn kèm theo xe, trên đó, những cô bé, cậu bé nhi đồng ngồi vẫy chào suốt đoạn đường đoàn diễn diễu đi qua. Trước mỗi xe đều có đội lân, dàn trống đánh tưng bừng trong tiếng nhạc và thuyết minh phát ra từ dàn âm thanh gắn kèm.

Truyền thống xuất phát từ lòng dân

Tình cờ ghé vào tổ 12, phường Tân Quang, nơi nhiều năm liền đều nhận giải cao của cuộc thi mô hình Trung thu, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe được câu chuyện rất thú vị và bất ngờ về sự ra đời của lễ hội tưởng chừng như đã có từ rất lâu đời này.

Như mọi miền quê khác trên đất Việt, Trung thu ở Tuyên Quang được tổ chức chủ yếu cho thiếu nhi với những hoạt động múa lân, rước đèn đi quanh phố. Năm 2004, để góp thêm niềm vui cho các cháu, tổ dân cư 12 cùng nhau đưa ra một quyết định rất độc đáo và bất ngờ: làm một mô hình đèn lồng khổng lồ để diễu hành quanh phố. Sau gần một tháng với sự đóng góp công sức của cả tổ, chiếc đèn lồng hình máy bay với chiều dài gần chục mét ra đời. Từ ngạc nhiên, bất ngờ, thích thú với niềm vui mới lạ của trẻ thơ Trung thu năm ấy, những năm tiếp sau, các tổ khác trong thành phố nhanh chóng nhập cuộc.

Đã tròn mười lăm năm kể từ ngày một Lễ hội truyền thống ra đời. Đến bây giờ, Trung thu không còn là lễ hội của riêng thiếu nhi, mà đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây. Có tận mắt chứng kiến những đoàn diễn diễu với những nam thanh niên múa lân đi trước, các thiếu nữ cùng các mẹ, các chị thướt tha trong trang phục dân tộc, hoặc hóa trang đủ mọi sắc mầu đi dọc hai bên đoàn rước, thiếu nhi reo hò vẫy chào trên xe, những dàn trống ba thế hệ ông-cha-con, hay cụ bà tròm trèm 80 tuổi nhịp nhàng gõ nhịp, mới thấy được cái sự đi vào lòng người của Trung thu nơi đây.

Cả thành phố tham gia diễu hành, với đủ các sắc màu trang phục, trong sự hân hoan theo dõi, đón chào và chiêm ngưỡng của hàng vạn du khách - còn nơi nào tính chất lễ hội đường phố được thể hiện rõ nét đặc trưng và say đắm lòng người như ở nơi đây? Từ ý tưởng và cách thực hiện của người dân, trong những năm vừa qua, chính quyền Tuyên Quang từng bước tham gia định hướng, hỗ trợ bằng cách tạo mọi điều kiện cho Lễ hội diễn ra cùng một loạt các hoạt động văn hóa khác tổ chức trong cùng thời điểm, tạo một bầu không khí sôi nổi trong toàn thành phố.

Cũng dựa vào đó, chính quyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa, vệ sinh và trang hoàng đường phố, giúp người dân bảo vệ và duy trì nếp sống văn minh, văn hóa, tạo nên một hình ảnh Tuyên Quang thật đẹp trong mắt du khách, tạo một điểm nhấn sáng cho du lịch nơi đây.

Mười lăm năm là khoảng thời gian quá ngắn để định hình và phát triển cho một truyền thống văn hóa. Nhưng với những gì đang diễn ra, người dân Tuyên Quang hôm nay đã thành công trong việc tự tạo dựng cho mình một lễ hội truyền thống sẽ ghi dấu mãi về sau này cho những thế hệ tiếp theo. Những thiếu nhi nơi đây, dù lớn lên có bôn ba miền xa, cũng sẽ không thể nào quên được không khí ngày hội của tuổi thơ gắn liền với những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Những du khách đến đây cũng sẽ tìm lại được cảm giác nguyên sơ với trọn vẹn ý nghĩa của Tết Trung thu.

Việc tổ chức lễ hội Trung thu của tỉnh Tuyên Quang bề ngoài du khách sẽ thấy càng ngày càng to, nhưng về sâu xa còn thể hiện được tính chuyên nghiệp, nghiêm túc trong khâu tổ chức cũng như quảng bá hình ảnh quê hương Tuyên Quang. Với phương châm xã hội hóa, việc làm đèn không sử dụng ngân sách nhà nước mà huy động hoàn toàn từ sự sáng tạo của người dân, từng làng, từng xóm và các doanh nghiệp tài trợ. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của họ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Các loại hình du lịch của Tuyên Quang hiện chưa phong phú, nên việc phát triển du lịch lễ hội, đặc biệt như Lễ hội Trung thu chính là cơ hội để thu hút du khách thập phương cũng như các nhà đầu tư lớn điển hình là Tập đoàn Mường Thanh, Vingroup, FLC... đang đầu tư bước đầu thành công ở Tuyên Quang. Chính nhờ có sự kiện Lễ hội Trung thu này mà hàng năm Tuyên Quang đã thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách và chắc chắn sẽ không ai phải hối tiếc khi lựa chọn điểm đến này bởi không chỉ sự phong phú, đa dạng về lồng đèn mà còn bởi sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây.

Lễ hội Thành Tuyên hàng năm được tổ chức thường niên gắn với các hoạt động văn hóa phong phú như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước; Cuộc thi người đẹp Thành Tuyên; Cuộc thi đường phố sạch đẹp, văn minh; Thi Mâm cỗ Trung thu đẹp; Trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc sắc của các địa phương trong tỉnh; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm du lịch và Lễ hội bia Hà Nội… giúp du khách biết thêm nhiều món ẩm thực của Tuyên Quang. Năm 2019, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với mục đích tôn vinh và phát huy kho tàng di sản phi vật thể quốc gia của các địa phương trong cả nước. Qua đó nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến; đồng thời khẳng định vai trò và ý nghĩa của Lễ hội Thành Tuyên trong công tác quảng bá, xúc tiến và thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại của tỉnh./.

Phạm Hương