LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Vẹn nguyên giá trị truyền thống
13/09/2019: Những chiếc đèn ông sao, đèn lồng truyền thống không chỉ là món quà ý nghĩa tặng trẻ nhỏ nhân dịp Trung thu, mà còn là kỷ niệm của người lớn gợi nhớ về một thời tuổi thơ.

 

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhung, tổ 11, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) có hơn 40 năm làm đèn Trung thu truyền thống.


Đèn Trung thu truyền thống được làm từ tre nứa, dán bằng giấy kính và phải trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Nhung, tổ 11 phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã có hơn 40 năm làm đèn Trung thu chia sẻ, để hoàn thiện 1 chiếc đèn có khi phải mất cả năm trời từ khâu chọn tre, nứa, phải ngâm 1 tháng để giữ được lâu không bị mọt rồi phơi mất mấy tháng trời mới đem ra chặt, vót nan rồi buộc khung. Giấy dán viền, hình con vật, hoa văn trang trí cũng được chuẩn bị từ trước. Đèn Trung thu truyền thống với nhiều kiểu dáng và ý nghĩa, trong đó đèn ông sao 5 cánh là dễ làm nhất, đèn thỏ biểu tượng cho mặt trăng, đèn con cóc hàm ý cầu mưa thuận gió hòa, đèn cá chép bắt nguồn từ tích cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng... Trung bình mỗi năm, ông bà làm và bán ra thị trường từ 3.000 đến 5.000 chiếc đèn, nhiều nhất là đèn ông sao.

Ông Lê Xuân Phú ở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nhớ lại, ngày xưa, đồ chơi của trẻ vào mỗi dịp Trung thu chỉ đơn giản là đèn ông sao, đèn kéo quân hay những chiếc đèn được làm từ lon sữa bò, coca nhưng cũng khiến cho trẻ háo hức, chờ đến đêm phá cỗ để được rước đèn đi khắp xóm. Ánh nến từ những chiếc đèn của bọn trẻ đủ khiến cả khu xóm sáng rực.

Thị trường đồ chơi Trung thu cho trẻ em ngày càng đa dạng với nhiều mẫu mã, chất liệu. Vì có nhiều sự lựa chọn, nên một số gia đình đã lãng quên những món quà Trung thu truyền thống. Vợ chồng chị Hoàng Linh Chi, ở phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho hay, chị có con trai 5 tuổi, cứ đến Trung thu chị lại mua cho con chiếc đèn ông sao nhỏ và chiếc đèn xe tăng để đi chơi với đám trẻ con trong xóm thay vì những món đồ chơi nhập khẩu. Chị thường nói với con về ý nghĩa những chiếc đèn, ý nghĩa của Trung thu và mong con có kỷ niệm đẹp với những món đồ chơi truyền thống của cha ông. Đây cũng là cách chị và mọi người giữ gìn nét đẹp truyền thống để trong tâm trí của trẻ không bị mai một về Trung thu cổ truyền dù cuộc sống có hối hả, tất bật tới đâu.

Trung thu nay khác xưa nhiều. Những món đồ chơi phát nhạc, đèn sáng đủ màu sắc mới mẻ, lạ lẫm song giá trị của những chiếc đèn ông sao 5 cánh, những chiếc đèn kéo quân, đèn cá chép, xe tăng... được làm ra bởi mồ hôi, công sức, lòng nhiệt huyết của những người “nghệ nhân” vẫn luôn giữ được những giá trị lâu bền. Mong sao những giá trị truyền thống ấy sẽ luôn được thắp sáng trong tâm hồn mỗi thế hệ trẻ thơ Việt Nam.

Theo TQĐT