LỄ HỘI THÀNH TUYÊN  

Phát triển du lịch tâm linh bền vững
01/01/2020: Du lịch tâm linh là loại hình du lịch thường gắn với lịch sử dân tộc, gắn với đức tin, sự hướng thiện bao gồm phong tục tập quán tín ngưỡng của nhiều tôn giáo và là ngành du lịch hướng con người đến điều tốt lành nhất. Tuyên Quang không chỉ được biết đến là cái nôi của cách mạng mà còn được biết đến là vùng đất Mẫu thiêng, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố truyền thống văn hóa, lịch sử với những địa điểm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội đặc sắc, hấp dẫn.

Những năm qua, du lịch tâm linh Tuyên Quang ngày càng phát triển, có sức hấp dẫn đối với du khách gần xa. Vào mỗi dịp đầu năm các đền, chùa tại Tuyên Quang là điểm đến của đông đảo du khách thập phương. Toàn tỉnh có hàng chục ngôi đền lớn nhỏ với hàng trăm năm tuổi, nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đền, chùa nơi đây không chỉ nổi tiếng linh thiêng, có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa mà còn nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, lạ mắt như: Đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than, đền Pác Tạ, đền Bắc Mục, đền Thác Cái… Đặc biệt là cụm các đền thờ Mẫu gồm: Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La (thành phố Tuyên Quang), ba ngôi đền này được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII thờ Mẫu thần, nổi tiếng linh thiêng. Hệ thống chùa ở đây cũng nổi tiếng không kém với những nét riêng biệt không nơi nào có. Chùa An Vinh được tọa lạc trên quả đồi lớn, được dựng từ thế kỷ XVIII. Đặc biệt, chùa có hai văn bia đá được khắc vào năm Vĩnh Thịnh (1720) đời vua Lê Dụ Tông. Chùa có tháp thờ: Đức Tiền Sư, Thích Tâm Quang, Thích Thanh Tụng. Chùa Hương Nghiêm (xã An Khang), được xây dựng từ năm Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1537)...

Đền Hạ, thành phố Tuyên Quang

Đầu năm đi vãn cảnh chùa, du khách còn được tham gia các lễ hội lớn được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh, như: Lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Động Tiên, lễ hội đình Giếng Tanh... Tiêu biểu nhất và thu hút sự quan tâm của du khách là Lễ rước Mẫu từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Lễ hội rước kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Mẫu Ỷ La ra Đền Hạ, rồi tiếp đến lễ rước kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế, đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người dân thành phố Tuyên Quang được khôi phục từ năm 2007. Nghi thức uy nghi, có đầy đủ già trẻ gái trai và khách thập phương tham dự, tạo nên một không gian văn hóa độc đáo đặc trưng nơi đây. Ngoài ra, du khách còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa của nhiều dân tộc như ném còn, đánh pam, đánh yến, đánh đu, chọi trâu, hát then của đồng bào dân tộc Tày, hát sình ca của dân tộc Cao Lan...

Lễ hội Lồng Tông, huyện Lâm Bình

Hiện nay nhiều tour, tuyến du lịch của tỉnh đã và đang hình thành rõ nét. Loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng gắn kết được với nhau để tạo thành thế mạnh phát triển du lịch của địa phương.

Điều đáng ghi nhận là mặc dù những ngày đầu năm, lượng du khách thập phương đến các điểm du lịch tâm linh khá đông nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, siết chặt công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự nên việc tổ chức được đi vào nền nếp, tạo không khí trang nghiêm, môi trường sạch đẹp và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách du lịch.

Phát huy tiềm năng du lịch tâm linh góp phần tạo nên sự đa dạng cho du lịch Tuyên Quang, đồng thời, thúc đẩy hoạt động của các dịch vụ du lịch khác, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành Du lịch cũng như quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê, năm 2019, ngành Du lịch Tuyên Quang đón 1,9 triệu lượt khách, đạt 104% kế hoạch năm, tổng thu đạt 1.750 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm.

Những năm qua, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch tâm linh trên địa bàn, tỉnh ta đã chú trọng công tác quy hoạch, định hướng phát triển loại hình du lịch tâm linh theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh đã quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch tâm linh; kết hợp với các hoạt động xúc tiến để thu hút các nhà đầu tư; tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều kế hoạch, ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển du lịch. Đặc biệt từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Có thể nói, từ Chương trình hành động đến Kế hoạch thực hiện về phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2018- 2030 đã xác định mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ giải pháp, cách thức thực hiện một cách cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, có tính chiến lược về định hướng phát triển du lịch bền vững. Trong đó, tỉnh chú trọng đến phát triển loại hình du lịch tâm linh và xem đây là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang. Hơn nữa, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý tổ chức, hoạt động, phát huy giá trị, ý nghĩa của các điểm du lịch gắn với loại hình du lịch tâm linh. Đặc biệt là vai trò quản lý của địa phương nơi có các di tích, lễ hội. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tâm linh một cách sâu rộng và nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia vào loại hình du lịch này. Qua đó, giúp người dân có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về du lịch tâm linh, tránh các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng du lịch tâm linh để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, lãng phí tiền của, thời gian và làm biến tướng, mất đi những giá trị văn hóa của loại hình du lịch này.

Nhận thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của du lịch tâm linh trong sự phát triển du lịch Tuyên Quang, ngày 13/11/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu phát triển du lịch tâm linh tỉnh Tuyên Quang từng bước trở thành trung tâm của du lịch tâm linh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; gắn kết phát triển du lịch tâm linh với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử, văn hóa, lễ hội, sinh thái, cộng đồng; nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây sẽ là chỗ dựa vững chắc để phát triển du lịch tâm linh một cách có hiệu quả và loại hình du lịch này sẽ góp phần khẳng định vị thế của Tuyên Quang như một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đầy sức cuốn hút.

Với những tiềm năng, lợi thế cùng hướng đi đã mở, tin rằng du lịch tâm linh Tuyên Quang sẽ ngày càng phát triển, góp phần quảng bá văn hóa, con người Tuyên Quang đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.

Kim Linh