Những thác nước tuyệt đẹp trên cung đường du lịch Na Hang - Lâm Bình

Khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang) nằm giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, nhiều hang động kỳ thú đặc biệt là những thác nước tự nhiên thơ mộng. Những ngày hè nóng nắng còn gì tuyệt hơn khi thả mình giữa những thác nước hùng vĩ.

Thác Nặm Me


Thắng cảnh thác Nặm Me (thác Nước Mẹ) thuộc xã Khuôn Hà, phía trước là hồ Tuyên Quang mênh mang sóng nước. Đây là dòng thác lớn dài khoảng 4000m và cao trên 200m so với mặt nước biển, được đổ xuống từ con suối Nặm Me bắt nguồn từ rừng đại ngàn Sinh Long. Dòng suối Hát Nghiền được tạo thành từ nhiều khe nước nhỏ chảy ngầm, qua những dãy núi trong Khu bảo tồn Tát Kẻ – Bản Bung đến dãy núi Hát Nghiền, dòng nước lộ ra thành một dòng thác lớn.

Từ xa, có thể thấy dòng thác Nặm Me như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa không gian của núi rừng đại ngàn. Đến Nặm Me, dừng thuyền ở chân thác du khách có thể tắm mình trong những vực nước trong xanh có độ sâu 2m, rộng 25m trước khi khám phá sự hùng vỹ, bí ẩn của các tầng thác. Thác Nặm Me được phân cấp nhiều tầng với 15 tầng thác lớn, xen giữa với nhiều tầng thác nhỏ có lưu lượng nước khá đều, có tác dụng điều hoà, phân phối nước.

Quanh năm dòng thác đổ ầm vang từ trên cao xuống, như tiếng khóc than của chàng trai Tài Ngào hiếu thảo nức nở khóc thương mẹ. Dưới các chân tầng thác có các vực nước trong xanh có thể nhìn thấy cả những phiến đá, cá, cua dưới nước. Du khách có thể tắm mình dưới vùng nước trong xanh và mát mẻ, sảng khoái, quên đi những mệt nhọc ưu tư của ngày thường. Những phiến đá ven bờ thác trông như hình con rồng uốn mình nằm phục trên bờ được bao phủ bởi những khóm cỏ dại màu xanh cùng hàng cây cổ thụ ngả bóng xuống dòng nước tạo nên không gian êm dịu thanh bình. Trên những thân cây cổ thụ hoặc trên vách đá dựng đứng như bức tường thành được điểm tô bởi những giò phong lan rừng đang toả hương, khoe sắc hứa hẹn những điều thú vị bất ngờ dành cho du khách khi đến thưởng ngoạn, khám phá thắng cảnh nơi núi cao, rừng sâu.

Thác Khuổi Súng

Thác Khuổi Súng bắt nguồn từ dãy núi Sinh Long, gồm nhiều mạch ngầm, khe nhỏ chảy đến núi Trung Phìn thuộc xã Thượng Lâm thì lộ ra thành dòng thác lớn. Thác Khuổi Súng gồm 15 tầng thác lớn nhỏ khác nhau, mỗi tầng rộng từ 30m-50m, trải dài khoảng 5 km, thác có độ dốc trung bình hơn 450, cao trung bình hơn 700m so với mặt nước biển, lưu lượng nước lớn khá đều quanh năm.

Để chinh phục được tầng thác thật sự là một thử thách, vách đá dựng đứng, cây cối rậm rạp hoang vu. Các tầng thác này có độ cao từ 20m đến 120m, được chia thành nhiều tầng thác nhỏ khác nhau, những dòng nước tuôn chảy tạo nên những vũng nước nhỏ ở dưới chân thác. Càng lên cao khí hậu càng mát mẻ tạo cảm giác thoải mái, thanh thản.

Tầng thác thứ mười lăm cao nhất khoảng 120m, rộng khoảng 50m. Đây là tầng thác đẹp và hùng vĩ nhất, dòng nước với lưu lượng lớn từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa, tạo nên bức tranh hoàn mỹ và sống động của núi rừng nơi đây.

Với cảnh quan hấp dẫn, vẻ đẹp thần tiên, không khí trong lành mát mẻ, thác Khuổi Súng đã trở thành danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng trong vùng, địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong hành trình du lịch mạo hiểm Na Hang - Lâm Bình....

Thác Khuổi Nhi

Thác Khuổi Nhi có 5 tầng lớn nhỏ khác nhau, mỗi tầng rộng từ 25-50m, trải dài khoảng 1,5 km, thác có độ dốc trung bình hơn 450, cao trung bình so với mặt nước biển hơn 500m, lưu lượng nước lớn khá đều quanh năm.
 


Tầng thác thứ nhất có độ cao khoảng 5m, rộng khoảng 30m. Lưu lượng nước ở tầng thác này khá lớn. Đây là nơi dòng thác hòa mình vào lòng hồ Tuyên Quang huyền ảo như bức tranh thiên nhiên ba chiều; Tầng thác thứ hai có độ cao khoảng 200m, chiều rộng khoảng 40m. Đây là tầng thác có độ dốc thấp, dòng nước chảy hiền hòa, êm dịu, nhẹ nhàng lách qua những phiến đá xanh rêu; Đến tầng thác thứ ba, dòng chảy đột ngột đổi hướng, những luồng nước ầm ầm lao qua những phiến đá khổng lồ bọt tung trắng xóa tạo thành màn sương lung linh. Tầng thác có độ dài khoảng 150m, chiều rộng 35m. Khám phá tầng thác này du khách sẽ thấy vô vàn điều kỳ thú.

Hai bên bờ là những gốc cây cổ thụ nhiều hình dáng xòe rộng tạo thành hàng ghế cho du khách nghỉ ngơi, nổi lên giữa dòng thác là những phiến đá vôi rộng và bằng phẳng làm chiếu nghỉ, những viên cuội trắng bóng được dòng nước mài nhắn tròn trịa dải khắp nơi, khi thả chân xuống dòng nước trong vắt, mát lạnh ngỡ như được nạp nguồn năng lượng tràn đầy sức sống mới. Đặc biệt được cảm nhận cảm giác buồn buồn, tê tê khi cho cá rỉa chân, du khách như tìm được sự đồng điệu giữa tâm hồn với thiên nhiên gần gũi và giao hòa.

Bám theo vách đá dựng đứng, cây cối rậm rạp hoang vu, du khách sẽ đến tầng thác thứ năm. Tầng thác thứ năm cao khoảng 70m, rộng khoảng 50m. Đây là tầng thác đẹp và thơ mộng nhất, dòng nước với lưu lượng lớn từ trên cao đổ xuống trông như một dải lụa mềm mại nổi bật trên nền trời xanh thẳm.

Thác Pác Ban

Thác Pác Ban hay còn gọi là thác Mơ là địa danh nổi tiếng của Na Hang nói riêng và Tuyên Quang nói chung. Thác Pác Ban là địa chỉ hấp dẫn du khách đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi. Nguồn nước thác Pác Ban được bắt nguồn từ Bó Măn (mỏ nước) giáp xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn, dồn từ nhiều khe nhỏ chảy ngầm qua 3 hang Nặm Pàn, Nậm Chang, đến Bản Chủ dòng nước lộ ra thành dòng thác lớn.

Thác Pác Ban có 3 tầng thác, bình quân độ dốc của thác hơn 450, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 700m, lưu lượng nước khá đều ở các mùa xuân, hạ, thu, đông. Vào mùa mưa, nước từ đỉnh thác chảy xối xả thành dòng trắng xoá. Nhìn từ xa, dòng thác như một đàn ngựa trắng đang tung bờm hăm hở lao xuống vực. Mùa khô dòng thác trở nên hiền hoà với nhiều tầng nước chảy mềm mại trên những phiến đá xanh rêu phủ m ượt như những tấm thảm.

 


Đến với dòng thác Pác Ban, du khách có thể tắm mình trong dòng thác bạc, lắng nghe âm thanh tiếng nước thác đổ và tiếng hót của chim rừng thánh thót ngân vang, mơ màng nghe kể chuyện về huyền thoại của dòng thác bạc, về mối tình thuỷ chung son sắt của đôi trai gái bị cách trở nơi trần gian và thuỷ cung, thong thả dạo mát dưới đại ngàn rừng xanh, ngắm nhìn những tán cây cao vút, toả bóng sum xuê như ôm trọn cả đất trời mà liên tưởng tới sự kiên cường vượt qua mọi thử thách của những chàng trai miền sơn cước đầy lòng quả cảm, hết mình khi yêu. Du khách cũng có thể thoả sức phóng tầm mắt bao quát cả vùng hồ nước mênh mông khi ngồi thả hồn trên chiếc thuyền nan. Hồ nước trong xanh được bao bọc bởi rừng già xanh thẳm mang đến cảm giác yên bình, giúp du khách bỏ lại vất vả đời thường, hoà mình vào thiên nhiên hoang sơ, vươn tới những điều thánh thiện trong cuộc đời, cảm nhận được những ý vị của cuộc sống bởi muôn vàn điều tuyệt đẹp vẫn đang ở phía trước.

Ngay dưới chân thác Pác Ban có bốn căn nhà sàn xinh xắn, mang nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao... là nơi nghỉ chân của du khách sau khi đã tham quan tất cả các tầng thác.

Thác Pác Hẩu

Thác Pác Hẩu (thác quả Bứa) nằm trên tuyến quốc lộ 279 từ thị trấn Na Hang lên xã Sơn Phú, cách trung tâm huyện Na Hang 14 km về hướng Bắc. Thác Pác Hẩu có 5 tầng thác, bình quân độ dốc của thác hơn 450, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 700m.

Các tầng thác có độ cao khoảng từ 25 đến 40m, chiều rộng khoảng từ 20m đến 25m. Những tầng thác có dòng chảy lớn, bọt nước tung trắng xóa như một khối mây khổng lồ. Hai bờ thác là những cây phay, ô rô cổ thụ và muôn loài hoa lá, bốn mùa xanh mát, ríu rít tiếng chim ca. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn những cánh rừng nguyên sinh trùng trùng điệp điệp mang đến cảm giác thật yên bình.

Dưới chân thác Pác Hẩu là bản Nà Lạ với những ngôi nhà xinh xắn của đồng bào Dao Đỏ. Đây là nơi nghỉ chân lý tưởng của du khách sau khi tận hưởng vẻ đẹp của danh thắng thác Pác Hẩu. Tại đây, du khách sẽ được được đón tiếp bởi những con người chất phác, giàu lòng mến khách; thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào như: Thịt chua, rượu đao men lá, nộm thịt lợn đen...

Thác Sinh Long

Thác Sinh Long nằm trên dãy núi đá vôi Bành Xì Bọ tại thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long, huyện Na Hang; đứng từ xa nhìn lên có thể hình dung dòng thác giống như con rồng uốn mình trên sườn núi, khi đến gần, cảnh đẹp đầu tiên hiện ra trước mắt du khách giống như đầu rồng đang phun nước. Thác Sinh Long có 5 tầng, mỗi tầng thác mang một vẻ đẹp khác nhau tựa như 5 bức tranh thần tiên tuyệt đẹp, có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với bất cứ ai khi đến thưởng ngoạn nơi đây.



Tầng thác thứ nhất có độ cao khoảng từ 25 đến 30m, chiều rộng khoảng 20m. Đây là tầng thác có dáng vẻ hùng vĩ nhất; Tầng thác thứ hai có độ cao khoảng 30m, chiều rộng khoảng 20m. Dưới chân tầng thác thứ hai có một vực nước trong xanh du khách có thể tắm mình dưới làn nước trong, mát; Qua vạt rừng nguyên sinh của dãy núi Bành Xi Bọ du khách sẽ đến tầng thác thứ ba, có độ cao khoảng 20m, chiều rộng khoảng 10m. Thác nước trắng xoá đổ từ trên cao xuống, được ánh mặt trời chiếu sáng, trở nên lung linh ánh bạc, sáng trong và long lanh.

Men theo lối mòn trải đầy hoa dại khoảng 50m, du khách sẽ đến tầng thác thứ tư. Tầng thác này có độ cao 40m, được chia thành nhiều tầng thác nhỏ khác nhau, những dòng nước tuôn chảy tạo nên những vũng nước nhỏ ở dưới chân thác; Tầng thác thứ năm được chia thành các nhánh nhỏ tạo nên những dòng chảy vô cùng duyên dáng. Đây là tầng thác đẹp nhất trong các tầng thác của thác Sinh Long.

Đến với thác Sinh Long du khách được tận hưởng không khí trong lành, thoáng mát, được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên trùng điệp với bạt ngàn rừng xanh, non cao. Với cảnh đẹp thiên tạo, hấp dẫn, nguyên sơ, thác Sinh Long hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch, trong tương lai là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách khi đến với Na Hang.

Theo https://dulichtuyenquang.gov.vn/


Bài viết liên quan