Lịch sử hình thành và phát triển Lễ hội thành Tuyên

LỄ HỘI THÀNH TUYÊN

 

Lễ hội thành Tuyên bắt nguồn từ năm 2004, khi ấy nhiều gia đình trang trí, cắt dán một hình các con thú rồi kéo đi dọc theo các tuyến phố có múa lân, ca hát. Hình thức mới mẻ này không những làm trẻ em thích thú mà còn lôi cuốn rất nhiều người lớn cùng góp vui. Người người, nhà nhà đua nhau làm mô hình con cá, thỏ, rồng trông rất ngộ nghĩnh. Đến nay, khi đã thành thông lệ thì các mô hình ngày càng đẹp và sinh động hơn, chẳng hạn làm cho con chim biết vẫy cánh, rồng biết nhả ngọc, phun khói…

Mô hình đèn trung thu khổng lồ do nhân dân tổ 12, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang tự làm để mang lại niềm vui cho con trẻ trong khu dân cư đã đặt nền móng cho hoạt động văn hoá, lễ hội đặc sắc không chỉ dành cho thiếu nhi vào mỗi dịp trung thu mà còn trở thành thương hiệu riêng có của Tuyên Quang, được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam. Cả thành phố Tuyên Quang khắp nơi là những chiếc đèn khổng lồ. Hàng ngàn người đổ ra các con phố. Họ náo nức "ồ" lên mỗi khi 1 chiếc đèn lạ đi qua. Và đó là trung thu không "đụng" với bất kỳ trung thu ở nơi nào khác trên cả đất nước Việt Nam. Năm nào cũng vậy, cứ trước trung thu khoảng 1 tháng, các khu phố ở thành phố Tuyên Quang lại nhộn nhịp chuẩn bị đèn cho các cháu thiếu nhi đón tết Trung thu. Từ trước trung thu khoảng nửa tháng, nhiều nơi đã bắt đầu rước thử. Cao điểm của lễ hội này là cách đêm rằm đúng 1 tuần, hàng đoàn xe đèn rồng, phượng, ô tô, máy bay... diễu hành khắp các phố. Càng sát đêm trung thu, lễ hội càng trở nên đông vui và hoành tráng hơn khi đèn của hầu hết các khu phố bắt đầu xuất hiện, tại thời điểm đó, mọi ngả đường ở trung tâm thành phố đều đông nghẹt người. Mỗi khi có những chiền lồng đèn lớn, lạ đi qua, khách du lịch và người dân vô cùng phấn khích. Có thể khẳng định đây là lễ hội không giống với bất cứ nơi nào khác tại Việt Nam và đang tạo thành một lễ hội riêng, vô cùng đặc sắc tại thành phố Tuyên Quang.

Sau mỗi năm, người xem lại thấy những lồng đèn trở nên đẹp hơn, cầu kỳ hơn. Thậm chí người làm lồng đèn còn rất sáng tạo khi chế ra nhiều kiểu mới, lạ mắt. Tất nhiên những lồng đèn truyền thống hoặc kể tích cũ, truyện cũ vẫn được chú ý nhất. Chính nhờ có sự kiện này, hàng năm Tuyên Quang thu hút về hàng trăm ngàn lượt khách đến chơi và du lịch. Và chắc chắn sẽ không ai phải hối tiếc khi lựa chọn điểm đến này bởi không chỉ sự phong phú, đa dạng về lồng đèn mà còn bởi con người nơi đây vốn đã nổi tiếng ở vẻ đẹp của tâm hồn nhân hậu, thuần khiết, đắm thắm và hiếu khách....

Từ đó đến nay, Lễ hội thành Tuyên đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là hoạt động được tổ chức vào dịp trung thu hàng năm với điểm nhấn chính là những mô hình trung thu khổng lồ được người dân các tổ dân phố tự tay làm và rước qua các tuyến phố trong thành phố. Quy mô của lễ hội ngày càng lớn hơn và cũng ngày càng có thêm nhiều hoạt động hơn. Sau 10 năm tổ chức bắt đầu từ tự phát đến có tổ chức, năm 2014, lần đầu tiên Lễ hội thành Tuyên được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh.

Vượt lên ý nghĩa của một lễ hội văn hoá đặc sắc, Lễ hội thành Tuyên cũng là dịp để giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về mảnh đất, con người và các giá trị di sản văn hoá của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hoá của quê hương cách mạng - Thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến; những nỗ lực của Tuyên Quang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển.

 

 Ban Biên tập


Bài viết liên quan