Nhiều địa phương tái khởi động từ tháng 10-2020
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tái khởi động ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới, đây cũng là tiêu chí được đưa vào trong tất cả các hoạt động du lịch với phương châm "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn". Lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa đến du lịch quốc tế.
Theo kế hoạch của Tổng cục Du lịch, từ tháng 10-2021, các địa phương tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn; chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro; triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch.
Từ tháng 11-2021, ngành Du lịch sẽ triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng, chống dịch an toàn (gồm các yêu cầu liên quan về tiêm vắc xin phòng Covid-19, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế...)
Tuy nhiên, một trong những lo ngại mà các địa phương thông tin là tỷ lệ tiêm chủng vắc xin hiện nay chưa đồng đều, vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn. Có những địa phương đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, trong khi đó có những địa phương vẫn đạt tỷ lệ thấp...
Bên cạnh đó, cũng có những địa phương đã chủ động xây dựng sản phẩm du lịch mới, chuẩn bị đón khách ngoại tỉnh như: Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình... thì vẫn còn không ít địa phương vẫn còn e dè, mới chỉ đặt mục tiêu phát triển du lịch nội tỉnh, điển hình như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định...
Cần có tiêu chí chung
Theo đánh giá của các địa phương, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu và mong muốn du lịch của người dân là có thật và chính đáng. Việc nhanh chóng quay trở lại để góp phần phục hồi kinh tế cũng là điều cần thiết lúc này. Tuy nhiên, các địa phương cũng bày tỏ e ngại rằng, vì diễn biến dịch Covid-19 mỗi nơi mỗi khác, chưa có chung quan điểm và tiêu chí về an toàn cho du lịch nên việc tái khởi động sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những vấn đề băn khoăn nhất hiện nay là chưa có "tiêu chí xanh", an toàn, phù hợp chung của ngành mà lại tùy theo mỗi địa phương, do đó sẽ rất khó có thể triển khai sản phẩm. Đặc biệt, tại thời điểm này, ngay việc đi lại nội tỉnh cũng đã rất khó, chưa nói tới đón khách ngoại tỉnh. Ngoài ra, việc quy định về "thẻ thông hành xanh" với tiêu chuẩn tiêm vắc xin cũng chưa thống nhất ở các địa phương, hay quy định "vùng xanh", "vùng đỏ" mỗi nơi một khác...
Hoạt động du lịch Quảng Ninh đã sôi động trở lại.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng bày tỏ, để hoạt động du lịch tái khởi động trong bối cảnh mới, rất cần các địa phương công khai các "điểm du lịch xanh", an toàn để các doanh nghiệp có thể xây dựng các sản phẩm cho du khách. Các đại biểu cũng đề xuất cần xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vắc xin) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vắc xin) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc đi lại, du lịch. Đồng thời cần có quy định về hộ chiếu vắc xin để áp dụng đón khách du lịch quốc tế.
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, các địa phương cần nhanh chóng tận dụng tốt các cơ hội an toàn nhằm sớm phục hồi hoạt động du lịch trên tinh thần "vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh" phù hợp với thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, lãnh đạo bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của các địa phương để có những chính sách, hỗ trợ kịp thời. Bộ sẽ thúc đẩy các hoạt động liên bộ, liên ngành để sớm có những quy định về "thẻ xanh", "hộ chiếu vắc xin". Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc mở cửa thí điểm du lịch quốc tế các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ tới các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam...
Theo Hanoimoi