Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng

Trong suốt hành trình phát triển, Tuyên Quang luôn được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Vẻ đẹp tiềm ẩn đó có sức cuốn hút kỳ lạ nhưng vẫn chưa được phát huy để mang lại giá trị thiết thực cho người dân. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn xác định, du lịch là khâu đột phá để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Điểm đến hấp dẫn, an toàn

Với gần 500 di tích lịch sử gắn với những địa danh nổi tiếng, tỉnh đã và đang tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, chú trọng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Với nhiều loại hình du lịch phong phú, Tuyên Quang trở thành sự lựa chọn thú vị cho nhiều du khách. Lượng du khách du lịch đến Tuyên Quang tăng theo từng năm. Năm 2010, chỉ có khoảng 500.000 lượt khách du lịch đến Tuyên Quang nhưng đến năm 2019, đã thu hút trên 1,94 triệu lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 1.750 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, do tác động xấu của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang đã giảm hơn một nửa.

Tuy nhiên, đó chỉ là bước dừng tạm thời, khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch sẽ như chiếc lò xo bật tung, trong khi đó tỉnh đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng các giải pháp “đón đầu”, trọng tâm là thu hút đầu tư hạ tầng du lịch. Đặc biệt, khi hệ thống giao thông kết nối, đường cao tốc được xây dựng, hoàn thành vào năm 2023; đường đôi được mở từ thành phố đến Khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng công cộng được Tập đoàn VinGroup đầu tư tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đang trong giai đoạn hoàn thiện sẽ mở ra cơ hội lớn để đón khách đến Tuyên Quang thăm thú, nghỉ dưỡng.

Tỉnh cũng đang triển khai các thủ tục để xây dựng đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang kết nối vào cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; xây dựng đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) hình thành tuyến đường 2 điểm đến, tạo dấu ấn, thu hút du khách. Một tin vui là Tập đoàn SunGroup đã khảo sát đầu tư tại lòng hồ Na Hang, Ba Bể, xây dựng nơi này thành khu du lịch đẳng cấp. Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim, cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào (Sơn Dương) để tạo đà thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch dịch vụ.

 Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đang được Tập đoàn VinGroup đầu tư xây dựng.   Ảnh: Hoàng thảo

Tỉnh chú trọng phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc; đa dạng hệ sinh thái rừng với phương châm “không giữ được văn hóa truyền thống, không giữ được rừng thì không còn là Tuyên Quang nữa”. Nhiều di sản văn hóa truyền thống các dân tộc được vinh danh, điển hình là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” (Tuyên Quang là tỉnh đầu mối hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đặc biệt, trong những năm qua, Lễ hội Thành Tuyên với nhiều mô hình đèn Trung thu nổi tiếng đã được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến, trở thành thương hiệu của Tuyên Quang. Hiện, tỉnh đang xây dựng Lễ hội Thành Tuyên mang thương hiệu Quốc gia, bảo đảm tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Công tác bảo vệ, phát triển rừng được người dân hưởng ứng, trở thành phong trào rộng lớn, trở thành “thủ phủ” rừng trồng trong khu vực, đây cũng là lợi thế không nhỏ để Tuyên Quang phát triển du lịch sinh thái.

Hệ thống nhà hàng, khách sạn và ẩm thực truyền thống độc đáo được tỉnh quan tâm, phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 280 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 3.000 phòng. Trong đó, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 37 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 2 sao. Về Tuyên, du khách được thưởng thức các món ăn hấp dẫn, độc đáo như cá sông Lô, vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên), thịt trâu khô, thịt chua, cá chép ruộng...

Khi các chuỗi sản phẩm được hoàn thiện, việc kết nối tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh là khâu then chốt bảo đảm thu hút du khách. Các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng cho điều này. Ông Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Gia cho rằng, những khó khăn và tổn thất của ngành du lịch trong 2 năm qua do dịch bệnh Covid-19 rất khó có thể đong đếm hết được. Các doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động nhưng vẫn nỗ lực để bám nghề. Khi dịch bệnh qua đi, các sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng hoàn thiện hơn, đó là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch bứt phá. Tuy nhiên, vấn đề kết nối du lịch giữa các doanh nghiệp ở các vùng miền đang là vấn đề đặt ra để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Phát triển bài bản

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, “tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khẳng định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” là một trong ba khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, ngày 16-6-2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên trong một nhiệm kỳ Đại hội các nghị quyết, đề án sớm được ban hành nhất để thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, bảo đảm thực hiện mục tiêu xuyên suốt đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Du khách đi lễ tại đền Mẫu Ỷ La, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang).

Theo đó, Nghị quyết số 29-NQ/TU tỉnh đề ra mục tiêu tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch tâm linh tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng.

Nghị quyết đã xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, để mỗi người đều là “đại sứ” du lịch của tỉnh. Du khách đến với Tuyên Quang không chỉ được trải nghiệm, tham quan, sử dụng dịch vụ, tìm hiểu phong tục, văn hóa mà cảm nhận được hơi ấm tình người xứ Tuyên. Đây là cái riêng có trong mục tiêu phát triển du lịch của Tuyên Quang, du khách chắc chắn sẽ rất hào hứng về điều này.

Cụ thể hóa nghị quyết, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án du lịch thông minh; phát huy các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, riêng có; xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đồng thời, tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình kết nối tour, tuyến du lịch, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng. Ngoài ra, tỉnh tập trung đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào được phê duyệt có tổng diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 2.500 ha, thuộc phạm vi hành chính 5 xã huyện Sơn Dương và 1 xã huyện Yên Sơn.Và để phục vụ du khách đến tham quan Khu du lịch Quốc gia Tân Trào sẽ tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, đầu tư nhà hàng, khách sạn và phát triển các lều trại mang tính dân tộc, nhà dân (homestay)... tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào; thôn Niếng, xã Minh Thanh; thôn Quan Hạ, xã Trung Yên (huyện Sơn Dương).

Mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào đến năm 2025, đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.000 lượt và đến năm 2030 đón khoảng 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 35 nghìn lượt; tổng doanh thu từ du lịch năm 2025 đạt trên 600 tỷ đồng và năm 2030 đạt khoảng 1.650 tỷ đồng. Với quy hoạch này, cùng với mục tiêu nghị quyết, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Tân Trào. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch trên địa bàn. Huyện ưu tiên cho các nhà đầu tư triển khai dự án tại các xã vùng ATK của huyện trên tất cả các lĩnh vực nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng tạo đòn bẩy để phát triển du lịch.

Với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cũng như có cơ chế đặc thù thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp... từng bước đưa Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách trong và ngoài nước. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp quảng bá du lịch, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Đề án Tổng thể truyền thông về du lịch tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, tỉnh  huy động sự vào cuộc của người dân trong ứng dụng mạng xã hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh mảnh đất, con người Tuyên Quang mến khách, thân thiện; nhiều danh lam, thắng cảnh đặc sắc, hấp dẫn, thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách. Đồng thời, phát huy vai trò của những người nổi tiếng trong quảng bá du lịch Tuyên Quang đến với đông đảo bạn bè gần xa.                   

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan