Giấc mơ du lịch Đèo Gà

Ở Chiêm Hóa có nhiều con đèo, trong đó có Đèo Gà. Có lẽ Đèo Gà nổi trội và nhiều người biết hơn cả vì nó nằm trên Quốc lộ 3B “án ngữ” cửa ngõ dẫn vào trung tâm huyện lỵ. Khi lưu thông qua đỉnh đèo ai cũng “tò mò” dừng chân, xuống xe phóng tầm mắt ra xa ngắm cánh đồng thôn An Phú, xã Tân Thịnh và thung lũng Làng Đẩu, xã Hòa Phú.

Ở Chiêm Hóa có nhiều con đèo, trong đó có Đèo Gà. Có lẽ Đèo Gà nổi trội và nhiều người biết hơn cả vì nó nằm trên Quốc lộ 3B “án ngữ” cửa ngõ dẫn vào trung tâm huyện lỵ. Khi lưu thông qua đỉnh đèo ai cũng “tò mò” dừng chân, xuống xe phóng tầm mắt ra xa ngắm cánh đồng thôn An Phú, xã Tân Thịnh và thung lũng Làng Đẩu, xã Hòa Phú.

Phong cảnh Đèo Gà mùa nào cũng đẹp.

Quanh năm bốn mùa phong cảnh ở đây vẫn đẹp với khách bộ hành và các nhiếp ảnh gia. Nào là mùa con nước đổ, nông dân tập trung mang trâu ra đồng cày bừa, cấy lúa. Mùa lúa chín thì những thửa ruộng xếp hình bậc thang “sóng vàng” chạy dài đến tận chân núi. Mùa đông thì lớp lớp quần thể “họ nhà mây” bay trên đỉnh đèo. Ai cũng có cảm giác thích thú như đi giữa chốn bồng lai, tiên cảnh.

Chính vì vẻ đẹp hữu tình như vậy mà UBND huyện Chiêm Hóa quyết tâm xây dựng Đèo Gà thành điểm dừng chân du lịch lý thú, nơi check in không thể bỏ qua của du khách. Để làm được điều đó, huyện Chiêm Hóa đã cho mở rộng đường cua qua Đèo Gà. Trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, huyện giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng huyện phối hợp với các nghệ nhân trồng đào, chơi cây cảnh trên địa bàn tiến hành đi tuyển chọn các cây đào. Đồng chí Bàn Văn Trọng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chiêm Hóa cho biết, đơn vị đã tuyển chọn được 531 cây đào ta to của người dân. Những cây đào to được máy xúc múc đưa lên ô tô được đào hố sẵn với cự ly khoảng cách 5 m/cây. Hiện nay toàn bộ đèo dài khoảng 5 km, đơn vị đã trồng được khoảng 3 km, kinh phí chi hết hơn 500 triệu đồng. Hiện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện vẫn tiếp tục lựa chọn, trồng hoàn chỉnh những cây đào trên Đèo Gà theo kế hoạch.

Sau khi trồng xong, việc chăm sóc, tỉa tạo tán đào ta, ghép mắt đào phai vẫn do “tổ kỹ thuật” gồm những nghệ nhân chơi đào, cây cảnh do Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện lập, giám sát. Dự kiến sau hơn 1 năm cây mọc ổn định sẽ có hướng giao cho UBND nhân xã Hòa Phú, Tân Thịnh quản lý khai thác. Trên đỉnh đèo, chỗ đất quang, tạo view đẹp, bãi đỗ xe rộng, thiết kế gian hàng giới thiệu những sản vật nổi trội của huyện Chiêm Hóa.

Đơn vị thường xuyên cử người đi kiểm tra những cây đào cảnh trồng trên Đèo Gà, bảo đảm đào sinh trưởng phát triển tốt.

Ông Ma Văn Tuấn, dân tộc Tày, người dân sống lâu đời dưới chân Đèo Gà thuộc xã Tân Thịnh phấn khởi nói: “Từ khi huyện có dự án làm điểm dừng chân cho du khách ở Đèo Gà, nhân dân ai cũng ủng hộ. Ngoài mở đường, kéo đường điện, giờ trồng đào cảnh, tôi thấy mọi thứ đều đang thay đổi. Người dân sẽ bán được nhiều sản vật của địa phương. Hơn nữa du lịch homestay ở xung quanh Đèo Gà có cơ hội phát triển, bảo tồn tốt bản sắc dân tộc Tày”.

Nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tâm sự, lần nào đi Đèo Gà anh cũng xuống xe chụp ảnh. Phải nói phong cảnh ở đây mùa nào cũng đẹp, nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật ở Đèo Gà được ra đời. Giờ đây thấy huyện Chiêm Hóa trồng những cây đào cảnh trên dọc tuyến Đèo Gà thì quả là tuyệt vời. Giáp Tết, sang xuân hoa đào sẽ nở rộ, tạo phong cảnh lãng mạn, tuyệt đẹp. Năm nay ngay vườn hoa mận ở thôn Nà Héc, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) đã tạo nên một cơn sốt với khách du lịch. Tôi nghĩ dự án tạo cảnh quan điểm dừng chân Đèo Gà là hợp lý, chắc chắc nhiều du khách biết đến Chiêm Hóa qua con đèo nổi tiếng này”.

Với việc trồng hàng trăm cây đào cảnh trên Đèo Gà, huyện Chiêm Hóa đang nỗ lực thực hiện giấc mơ biến con đèo trở thành một điểm dừng dân kỳ thú, có sức quảng bá cho tiềm năng kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch của huyện.  

Bài, ảnh: Quang Hòa

Theo: baotuyenquang.com.vn./.


Bài viết liên quan