Đưa sản phẩm nông nghiệp đến với du khách
Để hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường giao thông, viễn thông đến các vùng, địa phương. Cùng với đó đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thu hút du khách đến tham quan; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ khách du lịch.
Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm tại tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).
Hiện nay, các tour du lịch về loại hình du lịch nông nghiệp ở tỉnh gồm: Du lịch cộng đồng homestay kết hợp tham quan lòng hồ thủy điện Tuyên Quang kèm theo trải nghiệm các hoạt động bắt cá, làm bún khô xã Đà Vị; trải nghiệm du lịch Hồng Thái (Na Hang), ngắm ruộng bậc thang, chế biến chè Shan Tuyết, thu hoạch dâu tây; tham quan các nhà vườn trồng cam sành, thanh long tại huyện Hàm Yên; trải nghiệm hái và chế biến chè tại Làng nghề Chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào...
Trong đó những năm gần đây loại hình du lịch homestay ở tỉnh phát triển. Hiện toàn tỉnh có gần 100 homestay với sức chứa trên hơn 2.000 khách, tập trung tại hầu khắp các huyện phát triển du lịch như: Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, trong đó một số địa phương đưa homestay trở thành sản phẩm đặc trưng được gắn sao OCOP như huyện Lâm Bình. Du lịch homestay đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Hà Quý Tỉnh, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) cho biết, trước đây gia đình chỉ biết làm nông nghiệp và chăn nuôi. Năm 2018 nhận thấy khách đến xã tham quan trải nghiệm nhiều, nhu cầu về điểm nghỉ dưỡng tăng, gia đình đã quyết định chỉnh trang nhà cửa và “học” làm du lịch cộng đồng homestay, khách đến tham quan được trải nghiệm làm các công việc của gia đình như bắt cá, hái rau, cày ruộng... Đến nay cơ sở homestay của ông Tỉnh mỗi năm đón từ 20-40 đoàn khách du lịch, tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.
Để người nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn, các địa phương quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn để giúp nông dân nâng cao kỹ năng làm du lịch, từ ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với người dân để kết nối tour tuyến thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch hiện nay chưa đạt yêu cầu, còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tương xứng.
Du khách trải nghiệm làm bún khô tại xã Đà Vị (Na Hang).
Mới đây, trong chuyến công tác tìm hiểu một số mô hình phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra những hạn chế trong việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của tỉnh như: Hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; Cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch do hạn chế về nguồn vốn đầu tư. Sản phẩm còn đơn điệu, chất lượng thấp chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách; trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế. Sự kết nối các điểm du lịch nông nghiệp với các công ty lữ hành hiện nay chưa bền vững, chưa có hợp đồng lâu dài. Nguồn khách không ổn định vì các điểm du lịch chưa thể tiếp cận được với các hoạt động marketing hay chủ động tìm kiếm nguồn khách...
Bộ trưởng nhấn mạnh để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch một cách bền vững, lâu dài, người dân cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về những lợi ích thiết thực từ việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Tỉnh cần quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương tạo ấn tượng với khách du lịch; cần có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp. Tỉnh thực hiện quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa. Nó không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bài, ảnh: Cao Huy
Theo baotuyenquang.com.vn