Khun Mạ - Nơi chuẩn bị Đại hội II của Đảng

Những hình ảnh giản dị về Bác Hồ trong những ngày sống và làm việc tại xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) vẫn thường được những bậc cao tuổi nơi đây kể cho thế hệ trẻ nghe. Những câu chuyện ấy đã trở thành động lực để mỗi người dân Kiên Đài nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.

Cuối năm 1950, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận đã chuyển về ở và làm việc tập trung tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa để chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Tháng 1-1951, Bác Hồ đến ở và làm việc tại căn lán nhỏ trên đồi Cốc Xá, thôn Khun Mạ. Tại đây, Bác đã chủ trì nhiều phiên họp quan trọng của Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Đại hội II, hoàn thiện báo cáo chính trị của Đại hội. Cũng tại đây, Bác đã chủ trì phiên họp trù bị của Đại hội II, chỉ đạo thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt.

Người cao tuổi xã Kiên Đài kể chuyện những ngày tháng hào hùng của địa phương tại Di tích nơi ở và làm việc của Bác Hồ thôn Khun Mạ, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa).

Ông Ma Văn Như, một trong số ít những người cao tuổi còn lại được chứng kiến những ngày tháng hào hùng ấy ở  Kiên Đài. Ông Như năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn và hoạt bát. Ông Như kể, ngày ấy dân làng cũng không mấy ai biết trong đoàn người ở đây có Bác Hồ và các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, họ chỉ biết gọi là “bộ đội tuyên truyền”. Nhưng mọi người đều có ý thức giữ bí mật, bảo nhau thực hiện “không biết, không nghe, không thấy”, hoặc nếu có gì nghi vấn, phát hiện giặc dò la thì báo ngay cho cán bộ. Nhiều người còn mang gà, gạo, rau đến biếu “bộ đội tuyên truyền”. “Những ngày Bác Hồ và các cơ quan Trung ương về ở và làm việc, nhân dân còn đóng góp công sức, chặt tre, nứa để dựng các căn lán để cán bộ làm việc. Ngày làm việc, tối đến cán bộ còn dạy chữ cho nhân dân” - Ông Như nhớ lại.

Theo các tài liệu lịch sử, những ngày ở Kiên Đài, Bác Hồ đã tiếp và làm việc với các cố vấn Trung Quốc, các cán bộ thuộc Ban cán sự Trung Lào, gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành nhân dịp thành phố Hán Thành được giải phóng. Tại Kiên Đài, Bác Hồ gửi thư cho Đại hội trù bị của Đảng yêu cầu các đại biểu dự Đại hội trù bị cần nghiên cứu sâu sắc các văn kiện, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính là đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Cũng tại đây, Bác viết bài báo Đẩy mạnh chiến tranh du kích, nêu nguyên tắc đánh giặc biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng, vì “ta biết rõ địch, giặc không rõ ta. Đi nhẹ không tăm, về lặng không tiếng. Tiến nhanh như gió, thoái kín như đêm. Phục giặc không biết, đánh giặc không ngờ”.

Những ngày ở Kiên Đài, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ giáo dục và phong trào thi đua. Bác thông báo cho Nha Bình dân học vụ việc được thưởng Huân chương Kháng chiến và khen ngợi thành tích xóa nạn mù chữ. Bác trao nhiệm vụ trong thời gian tới phải làm cho tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết, ngày ấy mới là “ngày hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận diệt giặc dốt”.

Khun Mạ - Kiên Đài cũng vinh dự được chứng kiến cái Tết kháng chiến của Bác cùng các cán bộ Trung ương-Tết Tân Mão 1951. Bác biếu cam mỗi người đến chúc Tết với hàm ý “khổ tận cam lai”, vui lửa trại cùng các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng. Mỗi người đều đọc thơ, câu đối, kể chuyện hoặc hát, rất đầm ấm.

Nơi đây, Bác viết bài thơ chúc Tết đăng trên báo Cứu quốc:

           “Xuân này kháng chiến đã năm xuân

           Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công

           Toàn dân hăng hái một lòng

           Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”.

Mùng 2 Tết Tân Mão, trước khi kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác căn dặn nhiều việc, trong đó có việc thực hiện tự phê bình và phê bình thẳng thắn, đúng mức để tiến bộ. Phải vận động nhân dân phê bình cán bộ, phê bình chính quyền. Như vậy mới là thực hiện dân chủ thiết thực và sâu sắc. Sau đó, Bác lên đường đến Kim Bình - nơi tổ chức Đại hội II của Đảng.

Chị Triệu Thị Vân, Bí thư Đoàn xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) chia sẻ, thế hệ trẻ nơi đây luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Những truyền thống ấy chính là hành trang, là động lực cho mỗi đoàn viên thanh niên của xã tích cực hơn trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Mỗi làng bản ở Kiên Đài đều ghi dấu hoạt động của nhiều cơ quan trong những ngày chuẩn bị cho Đại hội II của Đảng. Đoàn xã thường xuyên huy động thanh niên phát, dọn bảo vệ các di tích, cũng là để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Hàng năm, các trường học trên địa bàn xã cũng tổ chức cho các em học sinh đến tham quan, quét dọn và học tập lịch sử địa phương tại các điểm di tích. Thông qua đó, các em hiểu hơn về truyền thống của quê hương, hoàn thiện nhân cách và có ý thức phấn đấu hơn trong học tập, rèn luyện.

Chủ tịch UBND xã Kiên Đài, Ma Văn Tôn cho biết, với niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cách mạng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã luôn đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Năm 2021, xã đã thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo tâm thế mới để Kiên Đài bắt đầu hành trình mới, phát triển xứng đáng với truyền thống cách mạng, xã Anh hùng.

Theo: baotuyenquang.com.vn./.


Bài viết liên quan