Để Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Bài viết của Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. “Một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản phát triển tỉnh Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị”

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”, tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời cụ thể hóa, tổ chức thực hiện với các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Sau hơn 17 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân (Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2004-2020 đạt trên 9%/năm, GRDP bình quân đầu người từ năm 2004 đến năm 2020 tăng trên 11 lần đạt 44,6 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh đến năm 2021 còn 6,6%).

Đặc biệt là, những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy, tỉnh đã sớm triển khai quy hoạch phân 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đào tạo lao động… Đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 02 triệu m3/năm, sản lượng khai thác hằng năm trên 900.000m3/năm, đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác; hằng năm trồng mới trên 11.000 ha; thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1” nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, nhiều địa phương trong tỉnh trên 70%. Thu hút được 08 nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ. Ngành lâm nghiệp tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm, GRDP ngành lâm nghiệp năm 2021 đạt gần 2.000 tỷ đồng (đóng góp trên 4% giá trị tăng trưởng GRDP), tạo việc làm cho gần 40.000 lao động. Duy trì hệ sinh thái bền vững, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là lụt bão, hạn hán, sạt lở đất.

Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, giá trị kinh tế rừng trồng còn thấp so với một số cây trồng khác, đời sống của người làm nghề rừng còn nhiều khó khăn, cần triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra sản xuất tại Công ty cổ phần Woodslan Tuyên Quang.

Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh trong vùng rất vui mừng, phấn khởi, đón nhận Nghị quyết của Bộ Chính trị như một luồng "sinh khí mới" tạo cơ hội cho toàn vùng tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Nghị quyết đã định hướng các cực tăng trưởng, hình thành các tiểu vùng, trung tâm kinh tế, trong đó xác định xây dựng “Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”. Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của Đông Bắc và Tây Bắc, có truyền thống về bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp từ nhiều thời kỳ, hiện nay đất lâm nghiệp chiếm 70% diện tích tự nhiên, trong đó 50% là đất rừng sản xuất, những năm qua tỉnh đã chú trọng phát triển, hình thành được vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến, hệ thống giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh từng bước được hoàn thiện là cơ sở để tỉnh liên kết với các địa phương trong khu vực phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung lãnh đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Trên cơ sở đó, rà soát bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2030, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, trong đó: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 8%/năm; Tổng sản phẩm (GPDP) bình quân đầu người đạt mức khá của vùng; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng trên 10%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4%/năm; phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-2,5%/năm. Triển khai đồng bộ các giải pháp, khai thác có hiệu quả lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp, tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp trên 10%/năm, trồng mới trên 97.000 ha, duy trì diện tích rừng gỗ lớn trên 89.000 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC 100.000 ha; sản lượng khai thác trên 1,3 triệu m3/năm, tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%; thu nhập bình quân rừng trồng đạt 350 triệu đồng/ha.

Thứ hai, Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, rà soát quy hoạch, cơ cấu lại diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả. Rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để lập, hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu và có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp liên kết phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. Chủ động phối hợp, liên kết với các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp chế biến phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, khai thác hiệu quả diện tích 1.584.315 ha rừng sản xuất các tỉnh vùng Đông Bắc, đảm bảo quy mô, chất lượng đáp ứng mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng có uy tín của cả nước và thị trường quốc tế.

Thứ ba, Chú trọng nâng cao năng suất, thu nhập cho người trồng rừng, bảo vệ rừng. Chuyển đổi cơ cấu, giống cây lâm nghiệp, tập trung trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao, hình thành hệ sinh thái bền vững; chăm sóc, thâm canh bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tiên tiến duy trì hợp lý diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy; mở rộng diện tích rừng nguyên liệu gỗ lớn và diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, PEFC; khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp tổng hợp (trồng rừng kết hợp với trồng dược liệu, chăn nuôi, du lịch sinh thái…), xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ rừng bền vững, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung, rừng trồng nói riêng,…

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, tập trung hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư; hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ rừng; chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia thị trường cung ứng tín chỉ Các bon rừng nhằm tăng thêm nguồn thu, nâng cao giá trị kinh tế từ đóng góp của hệ sinh thái rừng, nâng cao hơn nữa đời sống cho người trồng rừng và bảo vệ rừng, để người làm nghề rừng yên tâm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực ngành nông lâm nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là trong khâu chọn tạo, xây dựng bộ giống cây lâm nghiệp đa dạng, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương, xây dựng bộ sản phẩm gỗ rừng trồng với nhiều chủng loại, mẫu mã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 02 tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và Tuyên Quang - Hà Giang; nâng cấp các tuyến giao thông liên kết vùng (trục ngang, trục dọc) với các tỉnh trong khu vực, trong tâm là với Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Yên Bái, Hà Giang… Quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở các vị trí thuận lợi; xây dựng hoàn thiện đường giao thông vào vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới các dự án phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, công nghệ và thị trường đến phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến các sản phẩm giấy, gỗ cao cấp giá trị cao.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đề nghị một số nội dung sau:

(1). Đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là chính sách về đất đai, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chuyển đổi kinh doanh gỗ lớn, làm giàu rừng tự nhiên, chính sách thu hút nhà đầu tư. Sớm thực hiện dự án thương mại tín chỉ các-bon rừng của các tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp.

(2). Đề nghị Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là các tuyến đường cao tốc trục dọc; hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang kết nối giữa các khu vực, các tỉnh để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, du lịch, kinh tế biên mậu ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

(3). Đề nghị các tỉnh trong khu vực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung, chế biến gỗ rừng trồng nói riêng, nhất là quy hoạch, liên kết phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, phấn đấu trở thành khu vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trung tâm chế biến gỗ rừng trồng có uy tín của thị trường trong và ngoài nước.

Với tinh thần quán triệt nghiêm túc Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị sẽ là cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của các tỉnh trong khu vực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phát triển bền vững, phồn vinh, hạnh phúc của Đảng, nhà nước ta.

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan