Lâm Bình tổ chức Hội thi Người mặc trang phục dân tộc thiểu số đẹp nhất.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện có tiềm năng du lịch như Na Hang, Lâm Bình đã xây dựng kế hoạch thu hút khách du lịch ngày nghỉ lễ. Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, dịp này huyện tổ chức Hội thi người mặc trang phục nguyên bản các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn đẹp nhất; Giao lưu các câu lạc bộ Kayak và Sup ba miền; Đêm hội Camping -Lung linh hồ huyền thoại trên núi; Giao lưu bóng đá nữ các dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình lần thứ I; Trình diễn nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn; Giải đua xe đạp địa hình “Đi giữa biển vàng” huyện Lâm Bình mở rộng lần thứ I. Các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn gắn với quảng bá du lịch địa phương.
Tại huyện vùng cao Na Hang, công tác chuẩn bị cho Tuần Văn hóa du lịch vùng cao Na Hang năm 2022 đã hoàn tất. Đồng chí Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, Tuần Văn hóa du lịch vùng cao Na Hang năm 2022 sẽ được khai mạc lúc 20 giờ ngày 29-4 tại Quảng trường huyện Na Hang với phần lễ và chương trình nghệ thuật, trình diễn trang phục dân tộc đặc sắc. Ngoài ra huyện còn tổ chức Chợ đêm và tuyến phố đi bộ huyện Na Hang, thi ẩm thực, trang trí các điểm check in để du khách chụp ảnh; tổ chức cắm trại tại Phiêng Bung, Pù Hoanh, xã Năng Khả; diễu hành mô tô, bay dù lượn, ngắm bình minh, hoàng hôn ở xã Hồng Thái; dẫn du khách tham quan trải nghiệm cảnh đẹp di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình.
Dự báo lượng khách du lịch lòng hồ tăng, lượng thuyền du lịch không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách trong dịp này.
Nhiều xã ở huyện Chiêm Hóa đã tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch. Như xã Trung Hà tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc xã Trung Hà lần thứ nhất năm 2022 gồm: Chợ quê trưng bày, bán các sản phẩm nông sản của địa phương; thi gói bánh chưng, làm bánh dày giã tay; thi thêu hoa văn trên vải thổ cẩm của dân tộc; giao lưu múa khèn Mông, đánh yến, đánh quay, nhảy dân vũ, bóng chuyền, văn nghệ, nhảy sạp, đốt lửa trại; Hội thi Người đẹp Bản Ba; tham quan danh thắng Quốc gia thác Bản Ba, hang Nà Đông; cho du khách trải nghiệm mặc trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số địa phương. Còn xã Yên Lập tổ chức Hội đua bè mảng lần thứ nhất tại khu vực sông Gâm chảy qua địa bàn vào sáng ngày 30-4.
Ông Đoàn Mạnh Hùng, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) bố trí cho cả nhà du lịch lên Tuyên Quang đợt kỳ nghỉ lễ này cho biết: “Đầu tháng 4 vừa qua tôi có dự chương trình Khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2022 với chủ đề Du lịch Tuyên Quang an toàn, hấp dẫn, trải nghiệm trọn vẹn tại sân vận động thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Quả thật qua trải nghiệm ở đây, tôi thấy nhiều bất ngờ và lý thú. Nên đợt này tôi quyết cho cả nhà đi du lịch ở Na Nang, Lâm Bình và Chiêm Hóa. Vì các địa phương này có nhiều homestay dân dã, cảnh quan thiên nhiên đẹp, cộng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phụ trợ sôi nổi, giàu bản sắc”.
Xã Yên Lập (Chiêm Hóa) cho các đội luyện tập để thi bơi bè mảng trên sông Gâm.
Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, toàn tỉnh có 388 cơ sở lưu trú với 3.966 phòng cơ bản đạt hết công suất, nhiều nơi trọng điểm du lịch thì “cháy” phòng, phải đặt trước nhiều ngày mới có. Bên cạnh đó lượng thuyền đạt tiêu chuẩn phục phụ du khách trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình có 75 chiếc, đều trong tình trạng chạy hết công suất trong kỳ nghỉ lễ này. Để kỳ nghỉ lễ ở Tuyên Quang thực sự ấn tượng, hấp dẫn, thoải mái với du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo hệ thống du lịch trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng, đa dạng dịch vụ, thái độ phục vụ, giá cả phải chăng. Du lịch các địa phương phải phô diễn tối đa những nét tinh túy nhất của “nơi vẻ đẹp hội tụ” để du khách có một “trải nghiệm trọn vẹn”.
Theo baotuyenquang.com.vn