Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ ngành du lịch

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ ngành du lịch

Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy du lịch

Chuyển đổi số trong ngành du lịch có thể hiểu là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số, dựa trên dữ liệu. Với lĩnh vực du lịch, ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; các khu, điểm du lịch; các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch... đều nỗ lực ứng dụng những nền tảng công nghệ thông minh, các trang mạng xã hội để quảng bá và phục vụ du khách thuận tiện, hiệu quả hơn.
 

Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) thu hút đông đảo du khách.
Ảnh: Huy Hoàng


Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: “Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, ngành đã duy trì hiệu quả Cổng thông tin du lịch thông minh, quảng bá thông tin du lịch Tuyên Quang tại địa chỉ https://mytuyenquang.vn và app “TuyenQuang tourism” dành cho thiết bị di động, máy tính bảng. Kho dữ liệu du lịch tại cổng thông tin du lịch thông minh rất đa dạng, gồm: thông tin về các khu, điểm du lịch; thông tin sự kiện du lịch; doanh nghiệp lữ hành; nhà hàng; cơ sở lưu trú du lịch; tham quan thực tế ảo VR 360 tại 19 điểm du lịch của tỉnh; hiển thị vị trí của các cây ATM; các điểm vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch... Qua hơn một năm hoạt động, cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh đã đạt trên 1,5 triệu lượt truy cập. Ngoài ra, ngành cũng tăng cường quảng bá du lịch trên Tạp chí Du lịch Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số VTC, đăng tải thông tin du lịch của tỉnh tại trang thông tin điện tử “sovhttdltuyenquang.vn”... Hiện nay, thị trường du lịch đang có dấu hiệu ấm dần, chỉ trong 2 ngày nghỉ Lễ 30-4 và 1-5, toàn tỉnh đã đón trên 50.000 lượt khách tham quan. Trong đó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trong 2 ngày nghỉ lễ đã đón 520 đoàn với 21.500 lượt khách, huyện Na Hang đón hơn 20.000 lượt khách, còn lại là khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại suối khoáng Mỹ Lâm, huyện Lâm Bình, huyện Hàm Yên… Ước tính 4 tháng đầu năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã đón gần 800 nghìn lượt khách du lịch. Tổng thu từ khách du lịch 4 tháng đầu năm 2022 đạt trên 700 tỷ đồng.

Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang


Anh Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hoàng Gia, TP Tuyên Quang chia sẻ, hiện nay, nhu cầu thông tin của khách hàng rất đa dạng. Mặc dù 2 năm Covid đóng băng thị trường du lịch, nhưng để cung cấp, hỗ trợ thông tin cho khách hàng, duy trì sự hiện diện của công ty trên mạng xã hội, mình vẫn duy trì việc cập nhật tour nội địa trên các nền tảng Facebook, Zalo… Để tái khởi động du lịch hậu Covid, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hoàng Gia đang triển khai hai sản phẩm du lịch mới là cắm trại tại Na Hang và check-in trên xuồng tại lòng hồ thủy điện Na Hang.

Chị Nguyễn Thu Huyền, chủ Nhà hàng Huyền Minh, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Tuyên Quang đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, dịch vụ. Nắm bắt được tâm lý khách hàng thường tìm kiếm thông tin ăn, nghỉ, mua sắm… trên các nền tảng trực tuyến, nhà hàng của chị là một trong những nhà hàng tiên phong trên địa bàn thành phố cập nhật thông tin lên mạng xã hội, giúp khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, tiếp cận thực đơn do nhà hàng cung cấp. Tuy nhiên, theo chị Huyền, xu hướng số hóa này chỉ mang lại lợi ích khi nhà hàng phải cập nhật thông tin, duy trì tương tác thường xuyên, lắng nghe phản hồi của khách, tập trung phát triển những món đặc trưng của nhà hàng và những món ăn du khách quan tâm, yêu thích.
 

Nhà hàng Huyền Minh cập nhật hình ảnh trên môi trường số.


Chị Nguyễn Thị Lan, du khách đến từ phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội chia sẻ: “Gần đây, mạng xã hội phát triển, việc tìm hiểu thông tin về du lịch thuận tiện hơn rất nhiều. Cuối năm 2021, mình đã tìm thông tin về Khu di tích Tân Trào qua kênh công cụ tìm kiếm Google. Thật bất ngờ, thông tin mình nhận được lại đầy đủ, sinh động hơn rất nhiều so với mình kỳ vọng. Hướng dẫn viên ở đây đã biên tập, sản xuất được nhiều video clip giới thiệu về các điểm di tích rất bổ ích. Lượng thông tin chuyên sâu, hấp dẫn. Ngoài ra, khi mình liên hệ qua số di động của Fanpage, mình đã được tư vấn rất chi tiết, đội ngũ hướng dẫn viên đã chủ động lên chương trình cho nhóm mình tận tình, chu đáo. Hiện nay, nhu cầu đi chơi cuối tuần của khách lẻ, không qua các Công ty lữ hành khá phổ biến. Mình hài lòng và đánh giá cao thông tin từ trang Fanpage “Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào”…

Xu thế tất yếu của ngành du lịch

Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, các mô hình kinh doanh du lịch đang chuyển dịch ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhờ vào công nghệ số hóa. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành, du lịch đều lựa chọn áp dụng công nghệ với những tính năng hiện đại, vừa quảng bá rộng rãi được thông tin đến du khách, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tối ưu hóa được hiệu suất làm việc.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhu cầu của khách hàng đã thay đổi, thể hiện từ bước khách có thể tự đặt vé máy bay, đặt phòng, thanh toán trực tuyến, đánh giá dịch vụ sau trải nghiệm… tất cả đều được thực hiện trên môi trường số. Du khách có thể truy cập tìm kiếm thông tin công ty lữ hành, lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ du lịch… từ bất cứ đâu, tại bất kỳ thời điểm nào từ các thiết bị cầm tay hoặc máy tính có kết nối Internet… Đó là lợi thế so sánh, là tiện ích vượt trội, không dễ thực hiện ở môi trường kinh doanh du lịch truyền thống.
 

Anh Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hoàng Gia (người ngồi cầm cờ)
cùng đoàn du khách trong chuyến đi du lịch Dubai.


Nhờ công nghệ số, liên thông dữ liệu thống kê du lịch mà các doanh nghiệp có được tệp dữ liệu lớn về khách hàng, giúp các doanh nghiệp dễ dàng phân tích được thị trường: Khách thích tìm hiểu gì, ở đâu, ăn món nào; khách thích mua gì, chơi đâu, sở thích ra sao… Thông qua phân tích thống kê giúp doanh nghiệp biết được mối quan tâm cũng như các nhu cầu của khách hàng. Qua đó, thu hút khách hàng tiềm năng, cải thiện doanh số, tạo cơ sở giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong xu thế chung, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những người làm du lịch đang tự nâng cấp mình, nâng cấp hệ thống, trang bị tri thức về công nghệ số… nhằm đáp ứng việc quản lý, vận hành và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của khách hàng, những tín đồ thích xê dịch, ưa trải nghiệm và đòi hỏi ngày càng cao.

Theo baotuyenquang.com.vn

 


Bài viết liên quan