Trung tâm huyện Lâm Bình. Ảnh Vũ Kiên
Tuyên Quang nằm ở phía Đông Bắc, nổi tiếng với hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa. 22 dân tộc sinh sống ở đây mang nét văn hóa, bản sắc riêng biệt. Những năm trở lại đây, không chỉ phục vụ khách trong những chuyến tham quan, về nguồn, vùng đất còn mang đến trải nghiệm mới mẻ khi phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa cộng đồng.
Từ cung đường, ngắm cảnh đẹp, check-in, thư giãn - tận hưởng không gian yên bình. Ảnh Chí Hùng - Thảo Ly
Vùng đất Lâm Bình nằm ở vị trí xa xôi nhất tỉnh Đông Bắc. Điểm đến còn mới mẻ trên bản đồ du lịch Việt này đang đón những đoàn khách phương xa nhờ khai thác tốt loại hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng. Làng văn hóa Nặm Đíp là một nơi như thế. Du khách không chỉ đến đây để nghỉ ngơi mà còn trải nghiệm chân thực văn hóa của người dân tộc Tày. Cũng từ đây, bạn có thể tham gia hành trình đạp xe tham quan thị trấn Lăng Can, xuyên cánh đồng lúa.
Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại bể bơi Homestay Thảo Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hoài Thương
Bà Nguyễn Thị Đựng, chủ homestay Thảo Nguyên, tổ dân phố Nặm Đíp, TT Lăng Can, (Lâm Bình), cho biết: các khu vực ruộng bậc thang ở đây không quá dốc mà thoai thoải, cung đường uốn lượn như dải lụa xuyên qua mùa lúa chín vàng, rất ấn tượng. Từ đầu năm đến nay đã có nhiều đoàn khách tham gia đạp xe đạp check-in, thư giãn cảnh đẹp nơi đây. Nhiều người đánh giá cung này khá thú vị khi, vừa được ngắm cảnh, lại rèn luyện sức khỏe, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Tôi tin với tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan còn hoang sơ, mộc mạc, huyện Lâm Bình sẽ thu hút du khách trong thời gian tới.
Du khách tự tay làm những chiếc bánh và thưởng thức mâm cơm của đồng bào Tày tại homestay. Ảnh: Chí Hùng - Thảo Ly
Trở về homestay Nặm Đíp, bạn được tham gia làm bánh trứng kiến, bánh dày, ngâm chân lá thuốc... để hiểu hơn về văn hóa cộng đồng. Trong ngôi nhà sàn gỗ truyền thống, chị Trịnh Thị Chính, người làm bánh lâu năm, sắp xếp các nguyên liệu như bột gạo nếp, trứng kiến, lá ngóa (hay còn gọi lá vả) trên bàn rồi hướng dẫn khách các khâu làm bánh. Bánh thường được gói trong 2-3 lớp lá vả rồi đem đi hấp chín khoảng chừng 40 phút. Ngay sau khi bánh được hấp xong, du khách dùng cơm ngay tại nhà sàn. Mâm cơm của đồng bào Tày tiếp đãi khách bày trên chiếc mẹt tre rất mộc mạc, mang đặc trưng rừng núi với cá bỗng sông Gâm nướng, trứng tráng rau hôi, da trâu xào măng chua, cá khuy lam ống nứa, món vịt suối luộc, rau bò khai, rau giải cổ lam...
Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/