Từ những bài học lịch sử

Những ngày này, người dân thành phố Tuyên Quang đang tất bật hoàn thiện các mô hình đèn Trung thu khổng lồ, hứa hẹn tiếp tục tạo nên đêm hội Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam. Trung thu ở Tuyên Quang không chỉ độc đáo bởi những chiếc đèn lồng to nhất, đẹp nhất, đó cũng không chỉ là ngày vui phá cỗ đêm rằm, mà đó còn là những bài học lịch sử đầu tiên cho các em thiếu nhi.

Mô hình cá chép hóa rồng được các bạn nhỏ thích thú.

Trước ngày hội, khi ông bà, cha mẹ đang bận rộn với việc lên ý tưởng, góp công, góp của để xây dựng mô hình đèn lồng ở khu phố mình sao cho đẹp nhất, ý nghĩa nhất, thì các em học sinh cũng náo nức chờ đến ngày được rước đèn, được phá cỗ đêm trăng... Đêm hội Thành Tuyên không chỉ đơn thuần là một lễ hội rước đèn Trung thu, mà đó còn là một hoạt động có ý nghĩa trong việc giáo dục tinh thần đoàn kết. Trong quá trình làm đèn các bậc cha mẹ, ông bà cùng tổ dân phố chung tay làm đèn lồng đã tạo nên sự gắn kết, mối liên hệ thân thiết giữa các gia đình với nhau, mỗi nhà cùng có ý thức đóng góp, người có công góp công, người có của góp của, cùng chung tay, chung sức để cho con em mình có một đêm hội vui vẻ, để tuổi thơ của các em có những kỷ niệm đáng nhớ.

Những ngày này có hàng chục mô hình đèn lồng khổng lồ rực rỡ, diễu hành trên các con phố, mang đến nét văn hóa độc đáo trong việc đón Tết Trung thu ở Tuyên Quang, mỗi mô hình là một ý tưởng đầy sáng tạo, rất nhân văn. Điều đặc biệt là đằng sau những mô hình đó là cả một bài học sâu sắc về tình người, về ứng xử, về lòng yêu nước và cả về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ý tưởng xây dựng mô hình thường được các tổ dân phố lấy từ những truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Đó là câu chuyện thỏ và rùa thi chạy, chuyện cá chép hóa rồng, chú gà trống choai...  mỗi mô hình gắn với một câu chuyện mà các em nhỏ ở nơi đó khi được hỏi đều kể vanh vách. Những câu chuyện này chính là những bài học về cách sống, cách ứng xử của các cháu thiếu nhi.

Không chỉ là những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích với những bài học ứng xử trong đời sống xã hội, nhiều tổ dân phố còn xây dựng mô hình đèn lồng từ những câu chuyện lịch sử, những chiến tích trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm. 

Các em vừa được vui chơi, vừa được học những câu chuyện lịch sử bằng chính mô hình đèn lồng ở tổ dân phố của mình, như mô hình: Tập trận cờ lau, Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Sự tích hồ Gươm... Mỗi mô hình đèn lồng là một câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc được cha, mẹ, ông, bà kể lại cho các con, cháu của mình.

Người dân tổ 1, phường Tân Quang làm mô hình gắn với truyền thuyết Âu Cơ.

Em Nguyễn Huy Gia Bảo, học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám kể về các mô hình đèn lồng một cách đầy tự hào. Tối qua em được bố mẹ cho đi xem rước đèn, có rất nhiều mô hình nào rùa vàng nhận lại gươm thần, cá chép hóa rồng, bản làng no ấm, tập trận cờ lau, khởi nghĩa Hai Bà Trưng... Khi được bố mẹ kể về ý nghĩa của mỗi mô hình, em rất ấn tượng với mô hình tập trận cờ lau gợi nhớ đến thời niên thiếu của vị vua Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu đánh trận cờ lau.

Không chỉ Gia Bảo, mà rất nhiều em thiếu nhi khi được hỏi về các câu chuyện của chiếc đèn lồng, các em đều kể lại một cách trôi chảy. Đứng trước mô hình rùa vàng nhận lại gươm thần, em Hoàng Ngọc Hải, học sinh lớp 4, trường Tiểu học An Tường, phường An Tường (TP Tuyên Quang) cho biết, đây là mô hình nói đến sự tích Hồ Gươm, vào thời giặc 

Minh đô hộ nước ta ở đầu thế kỷ XV, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo nhiều lần chống giặc nhưng đều thất bại. Nhờ có gươm thần của Đức Long Quân cho mượn mà nhuệ khí của quân ta ngày càng mạnh và đánh đuổi được giặc Minh. Một năm sau khi đuổi hết giặc Minh, vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng, Long Quân liền sai rùa vàng lên đòi lại gươm thần. Vua Lê Lợi hiểu ý nên đã rút gươm ra trả, rùa vàng lập tức há miệng ngậm lấy thanh gươm lặn xuống nước, từ đó hồ Tả Vọng mang tên là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội ngày nay.

Tổ dân phố số 1, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đã sáng tạo mô hình đèn lồng vô cùng độc đáo nói về truyền thuyết Âu cơ. Mô hình có nàng Âu Cơ và hình con rồng tượng trưng cho Lạc Long Quân. Con rồng được thiết kế đang bay lên từ biển vừa ôm nàng Âu Cơ và nâng niu bọc trứng bên mình rồng tượng trưng cho 100 người con. Mô hình tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi nguồn gốc, dòng giống của con người Việt Nam ta vô cùng cao quý (dòng giống Rồng Tiên). Qua đó, khơi dậy tình yêu thương, đoàn kết dân tộc trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam chúng ta. 

Trải qua nhiều năm, Lễ hội Thành Tuyên không chỉ là hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa, mà nó đã trở thành những bài học làm người, bài học lịch sử đầu đời của các em thiếu nhi.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan