Các điểm du lịch cộng đồng ở Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, sự hiện diện của các câu lạc bộ hát then - đàn tính đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.
“Lâm Bình ơi có đâu xa vời/Hoa nở thơm ngát hương mùa xuân/Gió lộng ngạt ngào nắng chiều tím biếc/Mây trắng vờn quanh bản làng...”. Tiếng Then da diết dưới những nếp nhà sàn như níu chân người khách phương xa ở lại lâu hơn với mảnh đất sơn thủy hữu tình Lâm Bình.
Khách du lịch trải nghiệm bơi mảng, nghe hát then, đàn tính trên hồ Nà Nưa.
Ở Lâm Bình, giờ xã nào cũng thành lập các câu lạc bộ hát then, đàn tính. Chị Vũ Thị Ngọc Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then, đàn tính Thượng Hà cho biết, câu lạc bộ hiện có hơn 40 thành viên, đều là các em nhỏ từ Tiểu học đến THPT. Nhiều du khách đến với Lâm Bình đều rất ấn tượng với các em nhỏ với những làn điệu then như “Bản noọng tỏn xuân”, “Mời trầu”, “Đường về Lâm Bình”, “Phượng hoàng tung cánh”, “Ơn thầy ơn cô”, “Ơn Đảng”, “Thượng Lâm quê noọng”, “Quê em đổi mới”, “Ơn Đảng Bác Hồ”… Giờ hoạt động của Câu lạc bộ “phủ sóng” hầu như các Homestay trên địa bàn huyện. Với chị Tuyết, thành công này không chỉ là kéo khách du lịch đến gần hơn với văn hóa bản địa, mà còn là cách truyền dạy văn hóa dân gian đến với thế hệ trẻ một cách nhanh nhất, thiết thực nhất.
Tân An (Chiêm Hóa) - cái nôi của những làn điệu then, việc bảo tồn, truyền dạy và đưa những làn điệu then vào hoạt động du lịch cộng đồng càng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Từ vài năm nay, mỗi năm, UBND xã Tân An đều tổ chức một lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho người dân trong xã. Bà Mai Thúy Trắc, nguyên là cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện nghỉ hưu, đảm nhận nhiệm vụ này. Mỗi lớp học thường có khoảng 60 học viên. Kết quả tốt nghiệp chưa bao giờ làm bà Trắc thất vọng, khi số học viên biết đàn, hát và biểu diễn đều đạt 100%.
Năm vừa rồi, Câu lạc bộ hát then Tân An được thành lập, với gần 30 thành viên. Chị Nguyễn Thị Hoán, thôn Tân Hợp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ, hiện nay, du lịch cộng đồng đang bắt đầu manh nha ở xã, với 2 Homestay đã được khai trương là Homestay Anh Thương và Homestay Suối Khương. Những làn điệu then, đàn tính được khách yêu cầu và trở thành “đặc sản” hấp dẫn khi đến thăm Tân An.
Đưa hát then, đàn tính thành sản phẩm du lịch riêng biệt
Trước sức hút từ những làn điệu then với khách du lịch, từ đầu năm 2022, khi du lịch mở cửa trở lại sau gần 2 năm tạm dừng vì dịch bệnh, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh đã quyết định đưa hát then, đàn tính trên hồ Nà Nưa trở thành một sản phẩm du lịch, khai thác đồng thời với du lịch lịch sử tại Tân Trào (Sơn Dương). Theo Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang, đây là nỗ lực làm mới sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách khi kết hợp giữa du lịch lịch sử và trải nghiệm văn hóa trong cùng một chương trình tour. Du khách sau khi thăm các điểm trong khu di tích lịch sử Tân Trào có thể dành khoảng 30 phút dạo trên hồ Nà Nưa bằng thuyền mảng và nghe hát then từ các nghệ nhân người dân tộc Tày. Để ngắm trọn lòng hồ Nà Nưa, du khách cần hơn 1 giờ đồng hồ vừa nghe hát then vừa giao lưu văn hóa với người dân bản địa.
Câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Trung Yên là lực lượng chủ lực ở đây. Chị Đàm Thanh Hiền, chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, hầu như ngày nào cũng có khách đặt dịch vụ này. Chị em trong thôn nhờ thế mà vừa giữ được bản sắc, vừa có thêm nguồn thu nhập để thêm yêu, thêm quý tiếng hát dân tộc mình. Số lượng thành viên Câu lạc bộ không ngừng tăng lên. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàm Thanh Hiền cho biết, trong năm nay, chị sẽ mở thêm một lớp dạy hát then đàn tính cho hơn chục em ở độ tuổi từ 8 - 12 tuổi nữa, để có lớp kế cận.
Truyền dạy hát then, đàn tính tại xã Tân An (Chiêm Hóa).
Trưởng phòng nghiệp vụ, Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Lê Thị Thu Hòa cho biết các nghệ nhân hát then cũng như người chèo thuyền mảng đều là người dân địa phương, đã được tập huấn, đào tạo để phục vụ du khách an toàn và chu đáo. Tùy theo nhu cầu mà khách có thể dành thời gian trải nghiệm dịch vụ mới này, nhưng cần tối thiểu 30 phút để nghe khoảng 3 - 5 bài hát. Theo bà Hòa, hát then chính thức được UNESCO vinh danh di sản phi vật thể đại diện nhân loại và tỉnh đang muốn đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa vào phát triển du lịch. Mảng là phương tiện người dân địa phương dùng để vượt sông, vượt suối từ thời trước, sau này nét văn hóa được giữ lại tạo một trải nghiệm văn hóa đặc sắc cho du khách khi đến Tân Trào. Đặc biệt, hiện nay gần như 100% các đoàn khách du lịch khi tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đều đăng ký trải nghiệm này.
Đại diện Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc đưa thêm hát then vào hoạt động du lịch không chỉ gia tăng trải nghiệm cho du khách mà còn níu giữ khách ở điểm tham quan lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Sản phẩm du lịch trải nghiệm mới bơi mảng, nghe hát then, đàn tính trên hồ Nà Nưa gắn với du lịch về nguồn tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào sẽ tạo sự kết nối bền chặt giữa du lịch lịch sử và trải nghiệm văn hóa địa phương, từ đó, thu hút khách du lịch đến với Tuyên Quang.
Sau Tân Trào, hiện nhiều địa phương như Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn cũng đã đưa sản phẩm bơi mảng, nghe hát then, đàn tính vào khai thác.
Ai đó đã từng ví von rằng, khách dừng chân ở Tuyên Quang mà chưa được nghe tiếng then, đàn tính thì coi như chưa từng được tới xứ Tuyên. Trong huyền ảo non xanh, nước biếc, điệu Then ngọt ngào du dương hòa với tiếng đàn Tính trầm bổng mượt mà như gió cuốn, mây vờn, làm cho người nghe dẫu cho chưa hiểu hết các giai điệu, ca từ nhưng vẫn thấy như quen thuộc, gần gũi.
Theo TQĐT