Với chủ trương phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, khác biệt, riêng có, tăng sự trải nghiệm cho du khách dựa trên lợi thế tài nguyên du lịch huyện, thành phố, những năm gần đây, du lịch cộng đồng của tỉnh đang phát triển mạnh mẽ. Bởi thế mạnh của du lịch cộng đồng là vừa kết hợp được cả yếu tố cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, để có thể phát triển du lịch cộng đồng một cách hiệu quả, người dân cần được trang bị thêm những kỹ năng cần thiết như nghệ thuật kinh doanh, giao tiếp ứng xử, giới thiệu, thuyết minh, biết bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đúng cách. Ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại tình trạng làm du lịch cộng đồng một cách manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiến thức, chuyên nghiệp. Những tồn tại này có thể khắc phục nếu người dân được trang bị đầy đủ kỹ năng du lịch nhân dân.
Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh, nguyên Phó trưởng Khoa Văn hóa - Du lịch, trường Đại học Tân Trào hướng dẫn người dân huyện Lâm Bình cách làm du lịch homestay.
Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh, nguyên Phó trưởng Khoa Văn hóa - Du lịch, trường Đại học Tân Trào khẳng định, kỹ năng làm du lịch của người dân vẫn còn thiếu. Sau khi nghỉ hưu, với tâm huyết của mình, chị đã tham gia “huấn luyện” du lịch cho người dân. Các lớp học tại các thôn do chị làm chủ nhiệm lần lượt được mở. Theo chị ở nhiều nơi các yếu tố làm du lịch có khá đầy đủ, chỉ cần đào tạo kỹ năng cho họ là có thể bắt tay vào đón khách. Qua lớp học nhiều chủ homestay ngỡ ngàng, vì làm du lịch không khó như họ tưởng. Du lịch homestay cần giản dị, mộc mạc, dân dã, không gian thoáng đãng, sạch sẽ, gia chủ thân thiện, hiếu khách…
Ở xã Hồng Thái trọng điểm du lịch của huyện Na Hang đang có tốc độ phát triển du lịch khá cao. Bên cạnh một số quần thể nhà ngói âm dương của người Dao tiền được bảo tồn, thì còn có nhiều ngôi nhà lợp mái tôn, xây dựng ngang, dọc thiếu quy hoạch. Chị Nguyễn Phương Hoa, một du khách thường xuyên lên với Hồng Thái cho rằng, so với lần đầu chị đi Hồng Thái cách đây khoảng 8 năm thì cảnh quan có phần “bớt” hoang sơ, chân quê. Những yếu tố ngoại lai, hiện đại bắt đầu xuất hiện. Nếu không có những lớp đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân một cách kịp thời, bài bản, để người dân định hình được giá trị cốt lõi của du lịch cộng đồng thì nguy cơ đi chệch hướng là rất có thể. Cho nên đào tạo kỹ năng du lịch đến tận người dân sẽ quyết định đến sự phát triển bền vững của du lịch nơi đây.
Tại Chiêm Hóa, để khai thác tốt tiềm năng danh thắng thác Bản Ba, xã Trung Hà, huyện đã tiến hành quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng thôn Bản Ba 1. Ông Ma Công Hùng là một trong các hộ dân được xã lựa chọn cho đi tập huấn về du lịch homestay ở huyện Quản Bạ (Hà Giang). Sau chuyến đi, ông Hùng có thêm nhiều kiến thức quý báu để phát triển du lịch homestay. Ông quyết định không xây nhà mới, mà nâng cấp, sửa chữa, bảo tồn ngôi nhà sàn gỗ cũ. Ngôi nhà được lợp lại lá cọ, đứng trên thế đất cao bề thế. Giờ du khách vào thác Bản Ba, thường thích thuê homestay của ông để nghỉ. Giờ ông Hùng mới thấy những kiến thức, kỹ năng học được vô cùng quan trọng với người dân.
Sau đại dịch Covid-19 du lịch Tuyên Quang đang có những bước phục hồi. Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh xác định, đào tạo kỹ năng du lịch cho nhân dân là việc làm trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Như vậy du lịch tỉnh nhà mới phát triển đúng hướng, có bản sắc riêng, ấn tượng trong lòng du khách gần xa.
Theo TQĐT