Nét đẹp trong nếp nhà người Tày

Nhắc đến cộng đồng người Tày, chúng ta nhớ ngay đến di sản Then, nhớ nếp nhà sàn, nhớ cả những vuông thổ cẩm tinh tế... Vốn văn hóa ấy hiển hiện trong từng nếp nhà, là nét đẹp, là niềm tự hào của mỗi gia đình người Tày xứ Tuyên.

Nhắc đến cộng đồng người Tày, chúng ta nhớ ngay đến di sản Then, nhớ nếp nhà sàn, nhớ cả những vuông thổ cẩm tinh tế... Vốn văn hóa ấy hiển hiện trong từng nếp nhà, là nét đẹp, là niềm tự hào của mỗi gia đình người Tày xứ Tuyên.

Nếp nhà sàn của người Tày lưu giữ bao câu chuyện về văn hóa truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác.

Đến các bản làng người Tày, nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong nhiều ngôi nhà vẫn thấy những cây đàn Tính được treo ở vị trí đẹp mắt, hay khung cửi dệt vải để gọn gàng ở góc nhà. Ở đó có những vuông thổ cẩm với hoa văn rực rỡ vô cùng đẹp mắt. Tất cả hòa quyện, hội tụ dưới nếp nhà sàn mang đến một không gian văn hóa đậm sắc màu dân tộc.

Để những sản phẩm văn hóa lan tỏa trong đời sống thường nhật của mỗi gia đình người Tày, đồng bào Tày đã duy trì nét đẹp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ví như chuyện để có những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu thì đó lại là câu chuyện liên quan đến việc phân công lao động giữa các thành viên trong gia đình. Nếu để ý chúng ta thấy, khi gia đình có công việc quan trọng như ma chay, cưới xin, lễ, tết... thì đầu bếp chính không phải là phụ nữ mà là đàn ông. Phụ nữ chỉ phụ giúp việc nhỏ như nhặt rau, rửa rau, vo gạo, gói xôi... Chính vì thế, phụ nữ Tày hầu như không chịu áp lực về việc nội trợ, họ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và làm những việc phù hợp với phái đẹp như: thêu, dệt, đan lát... Và những chiếc khung cửi cứ ngày đêm kẽo kẹt đã cho ra những sản phẩm thổ cẩm vô cùng đẹp mắt.

Trong gia đình người Tày, người đàn ông thường giúp đỡ, chia sẻ công việc nhà với người phụ nữ.

Nói như bà Hoàng Minh Duyên, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình), phụ nữ Tày có thể không giỏi nấu ăn nhưng hầu hết đều biết dệt vải, biết thêu. Bởi trước khi lấy chồng, họ đều phải tự tay làm những chiếc chăn, gối thổ cẩm để làm của hồi môn khi về nhà chồng và làm quà biếu bố mẹ chồng. Nhà nào cũng có chiếc khung cửi vì lý do đầy ý nghĩa như thế. Đó còn là tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, là thể hiện nàng dâu thảo hiền, tháo vát... Từ một sản phẩm mang đậm truyền thống văn hóa, đến nay thổ cẩm trở thành niềm tự hào của đồng bào Tày xứ Tuyên.

Thổ cẩm là niềm tự hào của đồng bào Tày xứ Tuyên.

Chuyện của thổ cẩm hay chuyện của tiếng Then, cây đàn Tính cũng phản ánh sâu đậm nét đẹp trong nếp nhà của người Tày. Mỗi khi có công việc quan trọng (dựng vợ gả chồng, làm nhà, ma chay, cúng giỗ...), hầu như gia đình nào cũng mời thầy Then về làm lễ. Nghi lễ thể hiện cuộc hành trình mà các thầy Then thực hành bằng các nghi thức dân gian cúng dâng lễ vật lên tổ tiên, các đấng thần linh để cầu bình an, sức khỏe cho mọi người, mọi nhà, cầu may mắn và các nghi lễ quan trọng như dựng nhà, cầu mùa màng… Để thực hành nghi lễ Then, không thể thiếu những cây đàn Tính và tiếng Then dìu dặt. Tiếng đàn hòa nhịp cùng chùm sóc, quả nhạc khiến lời then mượt mà, tha thiết, chan chứa… và mãi mãi ngân vang. Vì thế, nhiều gia đình vẫn giữ cây đàn Tính như báu vật thiêng liêng gắn với phong tục đẹp trong từng nếp nhà và cả cộng đồng.

Đàn Tính là nhạc cụ thiêng liêng được đồng bào Tày gìn giữ trong mỗi nếp nhà.

Càng đi sâu tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy rõ hơn chiều sâu, giá trị đầy tính nhân văn, nhân bản trong văn hóa của người Tày. Đó là vốn quý, là sức mạnh tinh thần tôi rèn lên những con người vừa ân tình, vừa sâu sắc ở bản làng vùng cao.

Theo: baotuyenquang.com.vn/.


Bài viết liên quan