Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 7/12/2022 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

 

Phòng nghỉ dưỡng tại Homestay.fivestar Bản Nặm Đíp, Xã Lăng Can, Lâm Bình.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tỉnh Tuyên Quang phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn với mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... Ưu tiên các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Mỗi huyện, thành phố xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch: Huyện Lâm Bình, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; huyện Na Hang phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; huyện Chiêm Hóa phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng; huyện Hàm Yên, Yên Sơn phát triển sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp; huyện Sơn Dương phát triển sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa; thành phố Tuyên Quang phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh...

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Làng văn hóa Nà Tông.
 

Triển khai xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Phát triển mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp như: Lễ hội hoa lê, ruộng bậc thang xã Hồng Thái, huyện Na Hang; ruộng bậc thang xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình; khai thác nhà vườn, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm như: Cam sành, thanh long ruột đỏ huyện Hàm Yên; làng nghề chè Vĩnh Tân, huyện Sơn Dương; chè Shan Khau Mút xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình; bưởi Phúc Ninh, Xuân Vân, huyện Yên Sơn; cá lồng hồ Na Hang, Lâm Bình... kết nối với các điểm du lịch của tỉnh.

Quảng bá, giới thiệu, kết nối và xúc tiến thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ít nhất 01 lần/năm. Lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch của tỉnh, các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là số hóa các điểm đến, tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn áp dụng thực tế ảo. Xây dựng các ấn phẩm, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (Youtube, Zalo, Facebook, TikTok… ) giới thiệu các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đánh giá thực trạng về nguồn nhân lực du lịch nông thôn, chi tiêu của khách du lịch tại khu vực nông thôn. 5. Tuyên truyền, nâng cao năng lực về du lịch nông thôn Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (ít nhất 01 lần/năm). Tổ chức cuộc thi sáng tác ý tưởng về du lịch nông thôn theo chủ đề hàng năm (tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm truyền thông, thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch…).

Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, khách du lịch… về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần tập trung xây dựng các “điểm đến”, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ...

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/


Bài viết liên quan