Điểm nhấn du lịch

Năm 2022 đánh dấu bước phát triển “ngoạn mục” của ngành Du lịch Tuyên Quang sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tỉnh đã thu hút được gần 2,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 42,1%; doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng 58,4% so với năm trước. Nhiều dự án du lịch đã được khởi công xây dựng, từng bước hoàn thiện; các khu, điểm du lịch đã có nhiều đổi mới hoạt động đón khách, tạo dấu ấn đối với du khách thập phương.

Cất cánh

Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, với chính sách mở cửa theo chủ trương của Chính phủ, du lịch Tuyên Quang cũng như cả nước đã “bật tung”. Tuyên Quang đã tổ chức thành công Năm Du lịch với nhiều hoạt động cuốn hút, du khách đến Tuyên Quang ngày một nhiều.

Lễ hội khinh khí cầu được tổ chức tại Tuyên Quang thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Thành Công.

Mở đầu cho các hoạt động đó là Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lần thứ nhất tổ chức vào tháng 4-2022 đã tạo đà cho du lịch Tuyên Quang cất cánh sau 2 năm “ngủ vùi”. Đây là điểm nhấn đầy ấn tượng cho năm Du lịch Tuyên Quang với chủ đề “Du lịch Tuyên Quang - An toàn, hấp dẫn, trải nghiệm trọn vẹn”. Lễ hội có sự tham gia của 22 khinh khí cầu đến từ nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan... Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, lễ hội đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia trải nghiệm. 

Sau gần 3 năm gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022 Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO công nhận “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với một loạt các sự kiện được tổ chức như Hội nghị Xúc tiến đầu tư về lĩnh vực du lịch của 11 tỉnh; cuộc thi Người đẹp Xứ Tuyên, trình diễn văn hóa truyền thống các dân tộc, ẩm thực và Lễ hội Bia Hà Nội... đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Chị Hoàng Thị Oanh Phương, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lần đầu tiên đến với Tuyên Quang vào dịp tỉnh tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lần thứ nhất, tôi rất ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên ở Tuyên Quang, con người thân thiện, văn hóa rất đặc sắc. Tôi rất hài lòng về chuyến du lịch này”.

Hồ Nà Nưa, điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Thành Công.

Từng nhiều lần trở lại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, ông Đặng Văn Phụng, thành phố Vinh (Nghệ An) chia sẻ: “Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có tiềm năng du lịch rất lớn, như một bảo tàng cách mạng, chứa đựng những thông tin, hình ảnh rất bổ ích cho mỗi người. Đến nơi này mới thấy được giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc để mỗi chúng ta cùng nhau xây đắp quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Làm mới để phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững. Với đặc điểm về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, du lịch Tuyên Quang hiện đang tập trung khai thác nhiều loại hình du lịch như du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... Các khu, điểm du lịch, công ty lữ hành và cơ sở làm du lịch đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo dấu ấn đối với du khách.

Những ngày cuối tuần, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón rất đông khách. Tại Khu du lịch Tân Trào khách du lịch đến đông nườm nượp, các nhà hàng quá tải chỗ ăn nghỉ. Để thu hút khách, tại đây đã có nhiều đổi mới các dịch vụ như tổ chức hát Then, bơi mảng trên hồ Nà Nưa, trải nghiệm khám phá Làng chè Vĩnh Tân (Sơn Dương); xay lúa, nướng cơm lam; trải nghiệm ngâm chân bằng lá thuốc gia truyền... đã góp phần tăng sức hấp dẫn đối với du khách thập phương. 

Mùa hoa lê xã Hồng Thái (Na Hang) thu hút nhiều khách du lịch đến thưởng ngoạn. Ảnh: Quang Hòa.

Các cơ sở làm dịch vụ du lịch đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo dấu ấn tốt với du khách khi đến với Tuyên Quang. Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Du lịch  Năm Sao, chủ Homestay Nặm Đíp và Homestay Bản Bon (Lâm Bình) cho biết, công ty đã kết hợp với các công ty lữ hành liên kết vùng, liên kết tuyến để tăng sự trải nghiệm cho du khách. Công ty tổ chức các tua, tuyến du lịch khám phá (trekking) các thảm thực vật, rừng nguyên sinh, hang động, thác nước; tổ chức cho du khách đạp xe để cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên Lâm Bình. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với người dân địa phương thực hiện các hoạt động trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa như tham gia làm bánh dày, bánh trứng kiến, bắt cá ở suối, dệt truyền thống… 

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay các huyện, thành phố đang từng bước đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch hỗ trợ, đây là cách làm sáng tạo để thu hút du khách. Hiện tỉnh đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch kết nối, đây là cơ hội lớn để người dân có thêm việc làm và nâng cao thu nhập từ ngành công nghiệp không khói này.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan