Điểm đến hấp dẫn
Mùa xuân là thời điểm thích hợp nhất để thực hiện một chuyến du lịch Na Hang. Tết đến với Na Hang du khách được đón chào nồng hậu, tận hưởng không khí đầm ấm, tham quan các khu chợ quê ngập tràn hàng hóa; hòa mình vào không khí lễ hội với những trò chơi dân gian như bắt vịt, bắt cá, câu cá, đốt lửa trại, nhảy sạp, dã ngoại, làm bún khô xã Đà Vị; trải nghiệm du lịch Hồng Thái ngắm ruộng bậc thang, bắt cá ruộng, chế biến chè Shan tuyết, thu hoạch dâu tây…
Ruộng bậc thang Hồng Thái. Ảnh: Thanh Phúc
Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, xã Hồng Thái quanh năm mây phủ có nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 20 độ C và được ví như Sa Pa của Tuyên Quang. Hồng Thái núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh các sườn đồi và những rừng hoa lê trắng tinh khôi mỗi dịp xuân về. Ruộng bậc thang ở đây như những cái bờm ngựa rùng rình sườn núi, khiến đám săn ảnh mê lắm.
Anh Vũ Phong Trình, du khách Hưng Yên chia sẻ, “Hồng Thái là điểm đến du lịch xuân. Năm nay, gia đình tôi chọn Hồng Thái để du xuân. Nơi này sở hữu một không gian bát ngát mây trời, trải nghiệm vườn hoa lê, hoa cải thôn Khau Tràng, Khuổi Phầy, Nà Mụ, hay check - in tại địa điểm bay dù lượn… Một không khí xuân độc đáo, khác lạ và mang đậm bản sắc của người dân vùng cao thực sự là trải nghiệm du lịch khó quên”.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hiền đến từ Hà Nội có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn tại Na Hang. Chị bảo, kỳ nghỉ Tết thật thú vị khi đến với Na Hang. Về các xã Năng Khả, Hồng Thái con chị được trải nghiệm việc đồng áng như hái rau, nhặt rau, bắt cá, điều này Hà Nội thật khó mà có được.
Lợi ích “kép”
Huyện Na Hang có trên 21.000 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, có hồ sinh thái và nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với du lịch như du lịch cộng đồng homestay kết hợp tham quan lòng hồ gắn với trải nghiệm về du lịch nông nghiệp. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, huyện đã xây dựng và triển khai đề án với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, phát triển các cơ sở du lịch bảo đảm sự đa dạng về loại hình. Cùng với đó, xây dựng mô hình và sản phẩm du lịch đặc thù gắn với những tiềm năng, lợi thế gắn với nét đặc sắc riêng có của địa phương.
Kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với du lịch sẽ giúp người dân tăng thêm giá trị kinh tế, quảng bá sản phẩm. Huyện Na Hang đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch. Đây được đánh giá là tiềm năng mới để nâng cao giá trị, đồng thời có thể quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông sản huyện. Huyện đã hình thành nhiều sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái đạt 4 sao.
Chị Đặng Thị Dương, dân tộc Dao Tiền, chủ Homestay Đặng Dương, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái cho biết, gia đình chị là một trong những hộ đầu tiên làm dịch vụ du lịch homestay phục vụ khách tham quan. Tại đây du khách có thể ăn, ở và làm việc thường ngày với gia đình như hái rau, bắt lợn, gà, cá, làm việc đồng áng theo mùa vụ như cấy, gặt lúa, hái chè, thu hoạch lê… tạo cho khách sự thích thú.
Hiện huyện Na Hang tích cực vận động người dân đưa nhiều cây trồng thế mạnh như rau bắp cải, dâu tây, súp lơ, cà chua, khoai tây, su su trái vụ vào trồng nhằm đa dạng các loại hình du lịch phục vụ du khách. Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp được kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân.
Theo TQĐT