Vì đâu Na Hang được đánh giá là một "hiện tượng" về phát triển du lịch của Tuyên Quang? Sẽ có rất nhiều những lý giải được đưa ra. Nhưng trong cảm nhận của tôi - một người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này có những luận giải riêng.
Có lẽ điểm nhấn đầu tiên khiến mảnh đất Na Hang trỗi dậy là việc xây dựng Công trình thủy điện trên sông Gâm. Ngày đó, đang là một học sinh cấp III, ngày ngày đạp xe đạp đến trường tôi thấy làng quê đông vui chưa từng có. Đường xá đông đúc bởi những chiếc xe ô tô "khủng" - contener dài vài trăm mét, bởi những hàng quán chật kín người vào buổi sớm và tối. Mảnh đất vùng cao bừng sáng bởi quán xá mọc lên, khiến đồng hồ thời gian dường như cũng thay đổi. Nếu như trước đó khoảng 20 đến 21h ra đường có lẽ mọi thứ đã chìm trong màn đêm tĩnh mịch thì giờ thời gian ấy dường như mới là bắt đầu của một nhịp sống về đêm. Công nhân công ty Sông Đà - đơn vị thi công nhà máy thủy điện thay ca, đổi ca trực đều tìm đến quán nhỏ ăn tạm bát cháo cho ấm bụng. Phía đôi bờ sông Gâm, tiếng máy móc rầm rập suốt ngày đêm báo hiệu cho nhịp sống mới chốn vùng cao.
Nhịp sống ấy được chắp cánh khi công trình thủy điện hoàn thành. Vùng hồ sinh thái rộng lớn hơn 8.000 ha đã ban tặng cho Na Hang những gì ngọt ngào nhất của trời mây sông nước. Cái tên Na Hang - "Hạ Long cạn" ra đời cứ lan tỏa theo những đoàn du khách dừng chân ở mảnh đất huyền thoại này. Các hãng truyền thông lớn tìm về làm phóng sự, các nhiếp ảnh gia chọn làm miền đất hứa để sáng tác. Các nhà thơ, nhà văn... đã có bao tác phẩm để đời từ chốn bồng lai tiên cảnh. Hồ sinh thái Na Hang trở thành một điểm check -in mới và chưa bao giờ hết "hot" trên mạng xã hội hiện nay.
Sẽ không ít người đặt câu hỏi, tại sao vùng hồ sinh thái Na Hang lại hấp dẫn đến thế? Đơn giản thôi, bởi nơi này là một kho báu của thiên nhiên - nhưng không phải nơi nào cũng có được. Khu bảo tồn có hệ động vật phong phú và đa dạng sinh học về thành phần, chủng loại, cũng như về số lượng cá thể; trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam đã được ghi trong sách đỏ thế giới. Tại đây có gần 1.200 loài thực vật bậc cao và là khu vực nhiều rừng nguyên sinh có nguồn gene thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Nơi đây có nhiều di chỉ khảo cổ thời đại đồ đá mới và kim khí, là vùng đất sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông và nhiều dân tộc khác với những nét văn hóa truyền thống độc đáo còn được lưu giữ. Bởi thế, nơi này đã được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình vào năm 2019.
Đến đây, du khách sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là cảm xúc choáng ngợp khi thấy sự uy nghi, bề thế của trời mây non nước với vùng hồ rộng lớn đến 8.000 ha, với núi Pác Tạ sừng sững, nguy nga. Đó còn là khu rừng nghiến mà cả chục người nối những vòng tay lớn mới ôm trọn cụ nghiến nghìn năm tuổi. Và đó còn là cảm xúc dịu êm khi nghe chuyện cổ đầy lãng mạn của nàng Tiên - chú Khách, là sự tích núi Cọc Vài,... Còn gì tuyệt vời hơn khi đến một nơi mà mọi cung bậc cảm xúc được đánh thức, khiến chúng ta được sống thật với chính mình, nhận ra bản thể của chính mình. Bức màn du lịch cứ thế được vén ra. Từ trung tâm là hồ sinh thái Na Hang, các điểm du lịch của phố huyện được kết nối. Nào là khu du lịch lâm viên Phiêng Bung (xã Năng Khả), khu du lịch sinh thái Bản Bung (xã Thanh Tương) và đặc biệt là xã Hồng Thái - điểm đến 4 mùa trong năm.
Bài toán thu hút du khách đã có lời giải nhưng bài toán níu chân du khách vẫn cho nhiều kết quả khác nhau. Mỗi dịp Na Hang mở hội, dòng người khắp mọi miền Tổ quốc đổ về; có cả những đoàn khách Tây cũng hòa trong dòng người ấy. Cảm xúc mừng - lo cứ thế đan xen trong nỗi lòng của những người đứng đầu phố huyện, trong cả những người làm du lịch. Làm sao để cho những đoàn khách ấy đến rồi sẽ trở lại. Nhất thiết là phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng: đường giao thông, xây dựng làng du lịch homestay, tổ chức các hoạt động trải nghiệm độc đáo, riêng có; xây dựng các sản phẩm du lịch...
Nói thêm về sản phẩm du lịch thì chắc hẳn mỗi người con quê hương Na Hang đều không thể nào quên giây phút Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hộp quà chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà, Hồng Thái cho Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 8-2019). Hình ảnh ấy chỉ xuất hiện vài giây trong khung giờ vàng - thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam nhưng đã khiến bao trái tim người con Na Hang thổn thức. Để rồi, đến giờ, thương hiệu chè Shan tuyết ấy đang ngày ngày được dựng xây, trở thành niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và của cả mảnh đất xứ Tuyên mến yêu.
Xây dựng thương hiệu đã khó nhưng giữ được thương hiệu còn khó hơn. Chè Shan tuyết có thương hiệu. Hồ sinh thái Na Hang được khẳng định trong bản đồ du lịch của cả nước. Huyện vùng cao Na Hang trở thành "hiện tượng" về du lịch của xứ Tuyên. Tự hào xen lẫn trách nhiệm. Cả hệ thống chính trị của tỉnh, huyện đã vào cuộc. Đã có phương án xây dựng sân bay ở Na Hang. Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sắp khởi công sẽ rút ngắn cung đường đến Na Hang. Đã có những doanh nghiệp về du lịch đến khảo sát. Nhưng trên hết, người Na Hang không đứng yên chờ đợi. Họ luôn chủ động đón nhận, tạo ra thời cơ từ chính tiềm năng sẵn có của địa phương. Và lễ hội Hương sắc Na Hang sắp diễn ra tiếp tục minh chứng khẳng định những quyết tâm ấy. Các hoạt động trung tâm của lễ hội vẫn nằm ở 3 địa điểm chính: Hồ sinh thái Na Hang, xã Hồng Thái và thị trấn Na Hang. Điểm mới trong lễ hội năm nay không chỉ khác ở tên gọi mà huyện đã tạo ra được sản phẩm du lịch mới: Công bố kỷ lục guinness tuyến đường Hoa lê dài nhất Việt Nam.
Giải mã "hiện tượng" du lịch Na Hang có nhiều những ý kiến khác nhau. Nhưng theo tôi, mật mã quan trọng, then chốt vẫn nằm ở con người. Trên hết, những người đã và đang mang trên mình trọng trách làm cho du lịch Na Hang phát triển luôn đáu đáu tìm ra cái mới, cái riêng biệt với những bước đi và cách làm vững chắc. Còn với người dân đơn thuần như chúng tôi, dù xa quê bao năm vẫn luôn hướng về quê hương. Mọi sự thay đổi trên mảnh đất này chúng tôi đều dõi theo. Mỗi hình ảnh của phố huyện xuất hiện ở đâu chúng tôi cũng thấy tự hào. Và khi phố huyện chuẩn bị tổ chức sự kiện du lịch, những người con của Na Hang đều háo hức tìm về...
Phát triển du lịch, chúng ta vẫn ao ước phải thu hút một lượng lớn khách Tây, khách mọi miền đất nước. Điều đó là đúng, nhưng trước hết chúng ta hãy thu hút chính những người con trên mảnh đất quê hương. Đó là phạm vi nhỏ trong cụm từ thu hút du khách nội địa. Giống như khẩu hiệu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, người Tuyên Quang dùng sản phẩm Tuyên Quang. Du lịch há chẳng phải là một trong những sản phẩm hấp dẫn của Tuyên Quang hay sao?. Chúng ta xây dựng được ngôi nhà du lịch đầm ấm, hạnh phúc, ắt sẽ lan tỏa niềm hạnh phúc đến những ngôi nhà xung quanh. Và có lẽ, đó là một trong những yếu tố mà huyện Na Hang đã và đang tạo dựng được để xây dựng huyện du lịch với những thương hiệu riêng có, độc đáo, hấp dẫn du khách.
Theo TQĐT