Từ công thức
Khu vực Khâu Lấu thuộc thôn 4, xã Tân Tiến (Yên Sơn) đang được xã kỳ vọng sẽ trở thành điểm du lịch trong tương lai gần. Khu vực này chủ yếu là đồng bào Dao Thanh Y sinh sống, văn hóa, phong tục tập quán gần như giữ được nguyên vẹn.
Nằm trên đỉnh ngọn núi Khâu Lấu, hồ Khâu Lấu như được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nơi đây. Hồ có diện tích 2 ha như dải lụa kéo dài theo dãy núi. Xung quanh hồ vẫn còn là rừng tự nhiên, không khí trong lành và cảnh hồ rất đẹp.
Năm 2008, người dân bản địa ở đây đã phát hiện ra một hang động kỳ bí xuyên qua ngọn núi. Cửa hang vừa đủ một người qua, tuy nhiên bên trong có chỗ rộng đến 20 mét, cao 15 - 20 mét, chiều dài của hang lên đến trên 2.000 mét. Đi từ đầu hang đến cuối hang mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Trong hang có dòng nước ngầm chảy thành suối, hệ thống thạch nhũ được thiên nhiên tạo hóa đẹp mắt. Vào mùa khô, cửa hang rít gió, nghe như tiếng sáo thổi, nên người dân địa phương thường gọi là Hang Gió.
Phụ nữ Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) giữ gìn bản sắc văn hóa. Ảnh: Nguyễn Giang
Đồng chí Khương Thị Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến chia sẻ, tiềm năng, lợi thế là vậy, tuy nhiên, để thành điểm du lịch trong tương lai, còn cần rất nhiều nỗ lực từ cả phía chính quyền và người dân.
Có thể thấy, hiện nay, các điểm du lịch sinh thái ở vùng cao đang khai thác theo công thức: cảnh quan thiên nhiên - bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể kể đến như điểm du lịch Lũng Vài, Tân An, du lịch Trung Hà (Chiêm hóa), du lịch Phù Lưu (Hàm Yên), các điểm du lịch ở Na Hang, Lâm Bình… Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở công thức này, chỉ khai thác “thô” từ cảnh quan đến bản sắc, khách sẽ chỉ đến, thưởng lãm và… ra về.
Đến câu chuyện đường dài
Theo Quyết định 922/QĐ-TTg của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; mỗi huyện nông thôn mới có ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.
Lâm Bình đang nổi lên như một điểm du lịch khó bỏ qua khi đến với Tuyên Quang. Để làm được điều này, chính quyền huyện đã có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp, để du lịch từ nhiều phí chuyển sang có thu phí.
Tận dụng cảnh quan tự nhiên từ vùng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, trước đây, Lâm Bình gần như chỉ đón khách vào mùa hè. Năm 2023, UBND huyện Lâm Bình giao Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng kế hoạch thu hút du khách vào tất cả các mùa trong tuần.
Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, mỗi quý của năm 2023, Lâm Bình sẽ tổ chức một hoạt động du lịch. Trong đó, quý I là tổ chức các lễ hội xuân đầu năm, quý II sẽ tổ chức hoạt động đua thuyền Kayak, quý III tổ chức Tuần văn hóa du lịch và quý IV sẽ tổ chức giải bóng đá nữ. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Tuyên Quang tổ chức vào tháng 4 năm nay.
Phiên chợ Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên) được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm
là điểm hẹn của nhiều khách du lịch.
Hoạt động du lịch ở Thượng Lâm giờ cũng bắt đầu đi vào bài bản. Cuối năm 2022, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Lâm Bình ban hành kế hoạch sắp xếp các hoạt động du lịch cộng đồng tại thôn Nà Tông. Mục tiêu là sẽ xây dựng Nà Tông từng bước đạt chuẩn ASEAN về du lịch trên cơ sở khai thác bền vững tài nguyên du lịch và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc.
Đồng chí Chẩu Thị Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết, hiện xã đã triển khai đến tất cả các hộ dân trong thôn, cam kết xây dựng, chỉnh trang nhà cửa theo đúng khung nhà truyền thống thay vì nhà xây trong khu vực này. Đồng thời, dọc tuyến đường từ Nà Tông đến khu vực bến Thủy, đầu năm vừa rồi, xã đã trồng hơn 400 cây hoa đào, hoa mận, làm điểm nhấn cho thôn.
Nhờ những cách làm bài bản này mà chỉ trong 2 tháng đầu năm, Lâm Bình đã đón trên 20 nghìn lượt khách du lịch trong mục tiêu 151 nghìn lượt khách trong năm nay.
Cũng như Lâm Bình, huyện vùng cao Na Hang cũng đã đưa hoạt động du lịch tại một số điểm nổi tiếng trở nên chuyên nghiệp hơn. Trong Nghị quyết 35 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện giai đoạn 2021 - 2025, Na Hang cũng tập trung tuyển chọn sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng, xây dựng thương hiệu du lịch mang tính đặc trưng của huyện, xây dựng huyện trở thành điểm đến thường xuyên của du khách.
Ngay trong tháng 3, Lễ hội Hương sắc Na Hang được UBND huyện tổ chức. Tại buổi lễ, sẽ công bố Kỷ lục Guinness Việt Nam “Tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam” tại xã Hồng Thái. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều sự kiện bên lề như: Liên hoan các câu lạc bộ dân vũ mở rộng; thi thêu khăn, vẽ sáp ong trên trang phục người Dao Tiền… Đặc biệt, lần đầu tiên Festival Chè Shan tuyết Na Hang được tổ chức. Đây là cơ hội để sản phẩm đặc sản nổi tiếng này được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Đây cũng chính là cách để khoảng cách giữa quảng bá du lịch và sống được nhờ du lịch của người dân được kéo gần lại.
Tại Chiêm Hóa, hoạt động du lịch lễ hội đầu năm cũng đã được thay đổi theo hướng kéo dài nhiều ngày, với nhiều hoạt động bên lề Hội chợ xuân, Giải đua xe đạp địa hình, thi khâu quả còn đẹp, văn nghệ… Bà Lâm Thị Hồng Ngân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chiêm Hóa cho biết, nhờ những thay đổi này mà chỉ riêng trong 3 ngày diễn ra lễ hội và các hoạt động bên lề, Chiêm Hóa đã thu hút hơn 20 nghìn lượt khách du lịch. Tổng lượng khách du lịch đến với huyện trong 2 tháng đầu năm là hơn 35 nghìn lượt khách. Đây là con số khả quan để huyện tiếp tục có những thay đổi trong hoạt động thu hút, quảng bá du lịch để đạt mục tiêu trên 135 nghìn lượt khách trong năm nay.
Du lịch vùng cao đang đi đúng hướng mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ tiềm năng, các giải pháp cụ thể đã được các địa phương xây dựng, triển khai, đúng với phương châm “du lịch 4 mùa Tuyên Quang”.
Theo baotuyenquang.com.vn