Tuyên Quang tiềm năng và cơ hội đầu tư

TUYÊN QUANG TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI ĐẦU TƯ

 

A.  GIỚI THIỆU TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI ĐẦU TƯ

I. Vị trí địa lý, khí hậu, thủy văn

1. Vị trí địa lý

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 165 km có tọa độ địa lí 21o30' - 22o40'vĩ độ Bắc và 104o50' - 105o40'  kinh Đông, phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Toàn tỉnh có 6 huyện và 01 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn.

2. Khí hậu, thủy văn

Khí hậu Tuyên Quang, có hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh - khô hạn vào mùa hè. Lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1.295 - 2.266 mm. Nhiệt độ trung bình 22o - 23oC. Độ ẩm bình quân năm là 85%. Khí hậu Tuyên Quang rất thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây công nghiệp (chè, mía), cây ăn quả (cam, quýt,... ) và chăn nuôi gia súc gia cầm trên quy mô lớn.

Tuyên Quang có nhiều sông suối lớn. Hệ thống sông suối này, ngoài ý nghĩa sinh thái và phục vụ sản xuất, đời sống, còn chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển thủy điện. Có các sông lớn trong đó, sông Lô, chảy qua tỉnh dài 145 km, lưu lượng lớn nhất 11.700m3/giây. Sông Gâm, chảy qua tỉnh, dài 170 km, có khả năng vận tải đường thủy, nối các huyện Na Hang, Chiêm Hóa với tỉnh lỵ; sông Phó Đáy, chảy trên địa phận Tuyên Quang dài 84 km.

II. Hạ tầng cơ sở

Hệ thống đường giao thông: Tuyên Quang có các đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 2 đi qua địa bàn tỉnh 90 km từ Phú Thọ lên Hà Giang; Quốc lộ 37 từ Thái Nguyên đi qua huyện Sơn Dương, Yên Sơn đi Yên Bái, dài 63 km; Quốc lộ 2C từ thị xã Vĩnh Yên - Sơn Dương - Thành phố Tuyên Quang, dài 91 km; Quốc lộ 279 qua địa bàn huyện Chiêm Hóa và Na Hang, dài 96 km. Toàn tỉnh có 340 km đường quốc lộ; 392 km đường tỉnh; 947 km đường huyện; 247 km đường đô thị, đảm bảo giao thông phục vụ sản xuất kinh doanh.

Trong Quy hoạch phát triển giao thông Quốc gia đến 2015 Tuyên Quang có hệ thống giao thông hoàn chỉnh gồm đường bộ, đường sắt, đường sắt. Trong đó có những tuyến giao thông huyết mạch, chiến lược của cả nước đi qua địa phận của tỉnh như Đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hải Phòng - Côn Minh. Hệ thống giao thông này sẽ làm thay đổi một cách căn bản địa kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng giao thương.

Hệ thống điện: Nhà máy thủy điện Tuyên Quang công suất 342MW, hệ thống lưới 220KV và 110KV, nối Thái Nguyên - Yên Bái - Tuyên Quang. Trong giai đoạn 2010 - 2020 tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đầu tư các nhà máy thủy điện như: Thủy điện Chiêm Hóa, Hùng Lợi 1, Hùng Lợi 2 (huyện Yên Sơn); Thác Rõm (huyện Chiêm Hóa); Nậm Vàng (huyện Na Hang); Phù Lưu (huyện Hàm Yên) và một số nhà máy thủy điện nhỏ khác với công suất hàng trăm MW.

 

Hệ thống cấp, thoát nước: Với công suất trên 28.000 m3/ngày/đêm, hệ thống cấp nước sạch cho sinh hoạt dân cư và nước sản xuất, kinh doanh cho cơ sở công nghiệp, các khu du lịch hầu hết đã có hệ thống cấp nước thải cho sinh hoạt và đáp ứng được nhu cầu nước cho sản xuất.

Thông tin liên lạc: Mạng lưới bưu chính viễn thông kỹ thuật số hiện đại được kết nối bằng cáp quang truyền viba tới 6/6 huyện, thị xã liên lạc trực tiếp với tất các tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn có điện thoại, đạt tỷ lệ 54 máy/100 dân. Tỷ lệ sử dụng Internet tốc độ cao (ADSL) đạt mật độ thuê bao 2,1 máy/100 dân.

Hệ thống dịch vụ tài chính: Các nhân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tín dụng của tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư như vay vốn, chuyển tiền, thanh toán, bảo lãnh... với thời gian nhanh nhất qua hệ thống điện tử hiện đại.

Hệ thống giáo dục và đào tạo: Tỉnh Tuyên Quang có 02 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp; 01 trung tâm giáo dục thường xuyên; 02 trường cao đẳng, 01 trường trung học Kinh tế Kỹ thuật, trường Trung học Y tế, 02 trường Trung cấp nghề và 06 trung tâm đào tạo nghề cấp huyện. Các trường có khả năng đào tạo hàng năm cho tỉnh trên 200 giáo viên, trên 300 cán bộ y tế và hàng ngàn lao động với các nghề khác nhau.

Mạng lưới được hình thành khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Ngoài 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 09 bệnh viện tuyến huyện, còn có trạm y tế tại tất cả các xã, phường, thị trấn, với tổng số hơn 2.264 giường và các thiết bị ngày càng hiện đại cùng với đội ngũ thầy thuốc có trình độ nên chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao.

III. Nguồn lực

1. Con người

Dân số trung bình năm 2012 trên 73 vạn người. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động 448.055 người, chiếm 61%. Nguồn lao động của Tuyên Quang có thế mạnh là trẻ, có trình độ văn hóa cấp II và cấp III chiếm trên 50%. Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với chăm lo cho con người. Chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với lao động xuất khẩu được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 36.3% với nguồn lao động dồi dào trên sẽ đáp ứng nhu cầu lao dộng cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

2. Tài nguyên thiên nhiên

Với tổng diện tích tự nhiên 586.800 ha, trong đó diện tích đất nông, lâm nghiệp 519.007 ha, diện tích đất phi nông nghiệp 40.918 ha, diện tích đất chưa sử dụng 26.765 ha. Với diện tích đất nông, lâm nghiệp chiếm 88,46% tổng diện tích tự nhiên. Đất đai màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng và có khả năng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè, mía, lạc, đậu tương, cây ăn quả...

Trong lâm nghiệp tiềm năng nổi bật của tỉnh là diện tích đất lâm nghiệp và đất rừng lớn, chiếm đa phần trong tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Rừng hiện có: 403.317 ha, trong đó rừng tự nhiên là 270.642 ha, rừng trồng 132.675 ha. Độ che phủ của rừng đạt 64,3% và tỉnh vẫn bảo tồn được những cánh rừng nguyên sinh như Tát Kẻ - Bản Bung, Cham Chu, trong đó còn nhiều loại gỗ quý và muông thú quý hiếm.

Tài nguyên khoáng sản: Tuyên Quang có rất nhiều dãy đá vôi và đá trắng; có 200 điểm mỏ với 31 loại khoáng. Trong đó đứng hàng đầu về trữ lượng và chất lượng là quặng sát, barít, cao lanh, thiếc, mangan, chì - kẽm, ăngti - moon,... là yếu tố thuận lợi cho phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và công nghiệp vật liệu xây dựng.

3. Tiềm năng du lịch

Tuyên Quang có 541 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có những khu di tích đặc biệt của Quốc gia như Tân Trào, Kim Bình. Nơi đây, Bác Hồ đã sống và làm việc hơn 5 năm; nơi sinh ra Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; nơi diễn ra Đại hội II - Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước; là căn cứ địa của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương trong kháng chiến.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Tuyên Quang một quần thể hang động, suối thác như Thiên Đình với đường thông lên đỉnh núi; động Tiên vào sâu hơn trăm mét có tượng Phật Bà thiên tạo, tọa trên chín bậc đá trắng giữa rùng măng đá, nhũ đá còn nguyên dấu hoang sơ; thác Bản Ba, hang Bó Ngoặng (huyện Chiêm Hóa). Ngược dòng Lô tới vùng đất Nà Hang nơi có 99 ngọn núi cao lưng trời với đỉnh Pác Tạ hùng vĩ, ngoài ra còn có thác Pác Ban và rừng nguyên sinh có nhiều nơi chưa in dấu chân người với hệ động, thực vật phong phú và đa dạng, đặc biệt có loài voọc mũi hếch được ghi trong sách Đỏ thế giới. Thêm vào đó, thiên nhiên còn ban tặng cho Tuyên Quang một nguồn tài nguyên quý giá đó là suối khoáng nóng Mỹ Lâm, với nguồn nước khoáng nóng 62oC, đó chính là lợi thế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

IV. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020

Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm trên 14%. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ; trọng tâm là đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản; chú trọng đầu tư công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghệ cao, sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành doanh nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử tin học; phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, đồng thời tiếp tục coi trọng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.

 Ban Biên tập 


Bài viết liên quan