Là tỉnh có đến 22 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những món ăn riêng, hấp dẫn thực khách thập phương. Một điều đặc biệt là những món ăn tinh tế, đậm đà của xứ Tuyên đều gắn với rừng: Từ cơm lam, xôi ngũ sắc, nộm bi chuối, thịt lợn rừng đến măng rừng, mật ong. Những món ăn giản dị từ mâm cơm đời thường bỗng trở thành món ăn hấp dẫn, quý giá. Người vùng cao đã khéo léo kết hợp trong các món ăn những nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng tạo được nhiều món khoái khẩu như măng nhồi, canh cá chua, thịt chua, canh rau đắng giúp giải rượu, xôi ngũ sắc thơm ngậy, cơm lam chấm muối vừng. Những món trên được nhấm nháp bằng thứ rượu ngô men lá Nà Hang thay rượu chuối Kim Bình nổi tiếng thì chẳng còn gì hơn.
Đến với xứ Tuyên, du khách cũng nên thưởng thức và mang theo nhiều món đặc sản là quà cho người thân, bạn bè khi về xuôi. Đã có rất nhiều sản vật nổi danh các vùng như rau đắng Chiêm Hóa, măng khô Nà Hang, cam sành Hàm Yên, mật ong Tân Trào... Tất cả sẽ góp phần làm phong phú thêm vốn hiểu biết về nghệ thuật ẩm thực của du khách trong cuộc hành trình khám phá về một vùng đất đẹp, giàu tiềm năng.
RƯỢU NGÔ NÀ HANG
Nếu ai đó đã từng đặt chân lên Nà Hang, ngoài ngắm nhìn cảnh vật hùng vĩ của mảnh đất này, cùng đắm chìm trong tiếng hát then, hát cọi hẳn đều phải nhấp thử một chén rượu cay nồng là cả tấm chân tình của bà con nơi mảnh đất vùng cao này. Để cất được một chai rượu ngô thơm lừng, êm say là cả một quá trình công phu. Đầu tiên, phải nhặt lá rừng, mỗi quả men là sự hòa quyện của hơn 20 loại lá rừng. Ngô được lựa chon rất kỹ lưỡng. Ngô bung xong để ráo nước, trộn đều với men và ngô được ủ vào chum khoảng nửa tháng là có thể đem đi nấu. Người nấu rượu ngon thật sự là một nghệ sĩ lớn, nếu nấu để lửa to thì có thể làm cháy cả nồi ngô, rượu có mùi khét, nếu lửa nhỏ thì rượu chảy chậm. Ngọn lửa luôn phải đều đều, cùng với đó là dòng nước mang mùi vị của cây cỏ, lá rừng chảy không ngừng mùi rất thơm. Nhấp chén rượu ngô, ta có thể cảm nhận được tất cả mùi vị. Đây vị cay cay, thơm thơm của riềng, của lá ớt, của sả....vị thanh thanh, mát mát của nhân trần, vị hăng hăng của vát vẹo, vị ngọt đậm đà của ngô, vị đắng của chí ốt...
THỊT CHUA
Thịt chua là món ăn chế biến cầu kỳ, được làm từ 4 nguyên liệu chính thịt lợn, riềng, cơm nếp, cơm lá đỏ. Ngon nhất là thịt ba chỉ, nửa nạc nửa mỡ. Với món thịt chua, việc cho cơm là quan trọng nhất, cần đến đôi tay khéo léo và kinh nghiệm của người chế biến. Người ta đem gạo nếp nấu chín thành cơm, sau đó xới ra để nguội và bóp đều vào thịt. Ngoài cơm nguội, người ta còn lấy các loại lá như lá cơm đỏ, trầu không, riềng. Tất cả đem rửa sạch, để ráo nước, giã nhỏ, trộn lẫn với thịt lợn. Sau khi thịt lợn được bóp đều với các loại gia vị người ta tiến hành ủ chua thịt. Công đoạn này có thể mất từ 5 ngày đến nửa tháng, tùy thuộc vào thời tiết và từng mùa. Thịt chua được cho vào chum, rồi buộc kín miệng cho đến ngày thịt đủ độ ngấu thì mới mở ra ăn. Thịt lợn muối chua có đặc trưng là có vị chua, mềm mà không dai, không béo ngấy của thịt mỡ. Thay vào đó là vị đậm đà của thịt hòa cùng vị cay cay của riềng, vị thơm thơm của lá cơm đỏ, trầu không, cơm nếp, đặc biệt là vị chua hòa lẫn vị mặn của muối đã tạo cho món ăn cớ vị thơm ngon, thật độc đáo, khó quên.
BÁNH GAI CHIÊM HÓA
Du khách qua thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) ai cũng muốn dừng chân mua một ít bánh gai để làm quà. Bánh gai Chiêm Hóa đã trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng không chỉ trong tỉnh. Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô tạo nên hương vị rất đặc trưng của bánh.
XÔI NGŨ SẮC
Xôi ngũ sắc được coi là món ăn đặc trưng của dân tộc Tày Tuyên Quang. Xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng dẻo, thơm có năm màu: Trắng, vàng, xanh, đỏ, tím; tượng trưng cho năm yếu tố: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; tượng trưng cho đất nước, mây, mưa, nắng thuận hòa. Xôi màu trắng là xôi không ngâm nước màu, màu đỏ dùng gấc chín, màu xanh dùng lá gừng già, lá sau sau, màu vàng dùng nước củ nghệ, màu tím lá cơm nếp tím. Các loại lá, củ quả rửa sạch, nấu lấy nước. Sau khi ngâm gạo nếp thành các màu vừa ý, cho vào chõ để đồ. Chiếc chõ đồ xôi này cũng rất đặc biệt, cao và làm bằng gỗ. Khi đồ cho gạo vào trong chõ, tưới thêm một chút nước, đậy nắp rồi đặt vào chảo nước sôi. Khi nào có mùi thơm bốc ra từ chõ là xôi chín. Khi cầm một nắm xôi, dù nóng hay nguội nhưng xôi không dính tay. Thưởng thức xôi phải ăn từ từ, miếng xôi dẻo quánh, vị ngọt bùi như tan ra. Mùi vị thơm nồng của vị nếp cái hoa vàng hòa quyện với hương thoang thoảng của lá rừng. Ăn xong những dư âm của thứ ẩm thực mang hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi. Sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ dân tộc Tày đã làm nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo của núi rừng nơi đây, tạo nên ấn tượn khó quên trong lòng du khách mỗi khi đến với mảnh đất truyền thống văn hóa.
VỊT BẦU MINH HƯƠNG
Vịt bầu Minh Hương, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên từ lâu đã được du khách gần xa biết đến bởi hương vị thơm ngon, đặc trưng không lẫn với bất cứ vịt ở vùng miền nào của đất nước. Vịt bầu, còn gọi là vịt suối có thể chế biến thành nhiều món luộc, quay, hấp hoặc om với sấu thì ngon không thể cưỡng nổi. Người dân ở đây nói rằng, vịt Minh Hương ngon là do được nuôi dưới suối. Con suối này dài hơn 10km, bắt nguồn từ đại ngàn Chạm Chu, dòng suối trong mát quanh năm. Thức ăn cho vịt cũng đơn giản, ngoài cám, thóc, chủ yếu là tôm, cua, ốc bắt được dưới suối. Vịt bầu cái lông vằn, chân ngắn, con trưởng thành nặng 1,8 - 2kg. Vịt bầu đực đầu màu xanh biếc nặng 2 - 2,5kg.
CAM SÀNH HÀM YÊN
Hàm Yên là một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Tổng diện tích đất tự nhiên 90.092,53 ha. Từ nhiều năm nay, cam sành Hàm Yên đã được du khách gần xa biết đến là một loại đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao bởi hàm lượng các loại vitamin và khoáng chất đã được các nhà khoa học thẩm định.
Trong quả hàm lượng đường từ 6 -12% thịt quả, Vitamin C từ 40 - 90mg/100g quả tươi. Các axit hữu cơ từ 0,6 - 1,2%, trong đó có nhiều loại axít có tính hoạt tính sinh học cao, ngoài ra còn chứa nhiều khoáng chất, các hợp chất thơm, có nhiều loại Vitamin A, B1, B2, B6, Protein và nhiều các chất khác rất cần cho cơ thể con người.
Giá trị dinh dưỡng cao trong cam sành Hàm Yên bởi nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Cam sành Hàm Yên được phát triển hầu hết ở diện tích gần những chân đồi núi được kết tinh nguồn nước khoáng thiên nhiên quý giá và những hàm lượng chất khoáng có trong đất.
Thứ hai: Cam sành Hàm Yên được trồng trong môi trường khí hậu trong lành, không bị ô nhiễm. Một yếu tố quan trọng nhất là cam sành Hàm Yên được trong với phương pháp an toàn sinh học, 100% diện tích cam được chăm sóc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu dùng phân hữu cơ để chăm bón. Do đó, Cam sành Hàm Yên đã được chứng nhận hợp chuẩn; phù hợp tiêu chuẩn Quốc Gian TCVN 1973:2007. Tháng 8/2013, sản phẩm Cam sành Hàm Yên được vinh danh vào top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2013.
MĂNG KHÔ LƯỠI LỢN
Cứ mỗi dịp tết về, những người con xa quê hương đều nhớ đến quay quắt hương vị giòn, thanh ngọt của món măng hầm hòa quyện với vị dai béo của chân giò ngon đến tứa nước chân răng. Nổi tiếng khắp miền Bắc là loại măng lưỡi lợn đặc biệt của đất Tuyên Quang. Măng lưỡi lợn với thớ thịt dày, đặc, chắc và nhuyễn không có sợi xơ được các bà nội trợ ưu ái nhất.
Khi mùa măng về, người dân nơi đây thường đi núi hái măng đem về phơi khô để dành cho cả năm. Muốn có được mẻ măng ngon, giữ được lâu phải phơi vào những ngày nắng lớn. Thường xuyên lật hướng cho măng khô kỹ và đều rồi bỏ vào bao nilon buộc chặt chống ẩm, tuyệt đối không dùng chất bảo quản.
Ban biên tập