QUÊ HƯƠNG CÁCH MẠNG TÂN TRÀO

Từ lâu, hình ảnh Bác Hồ, người cha già kính yêu của dân tộc đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Về thăm Tân Trào, cái nôi của cách mạng, nơi lưu gữi những hiện vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, như thoả mãn một niềm khao khát để bầy tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn sâu lắng đối với Người và để tiếp thêm sức mạnh, vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước đi trên con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn.

   Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai

Mình về rừng núi nhớ ai

Chám bùi để rụng, măng mai để già...

...Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, máy đình cây đa?

          Thiên nhiên, con ng­ười, văn hoá các dân tộc vùng đất sơn thủy hữu tình này đã hoà quyện vào nhau tạo nên một Tân Trào hùng vĩ như­ng thơ mộng, với non xanh, nuớc biếc làm ngất ngây lòng ngư­ời.                           

         Sông Đáy như một dải lụa, uốn mình giữa vùng chiến khu cách mạng, xung quanh là núi Hồng, núi Thia  như những bức bình phong thiên nhiên vững chắc bao quanh. Điểm vào đó là những nếp nhà sàn, những sắc áo chàm.Thật là một bức tranh thiên nhiên kỳ thú và ngoạn mục.

          Từ lâu, hình ảnh Bác Hồ, ngư­ời cha già kính yêu của dân tộc đã đi sâu vào tâm thức của mỗi ng­ười dân đất Việt. Về thăm Tân Trào, cái nôi của cách mạng, nơi lưu gữi những hiện vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, như­ thoả mãn một niềm khao khát để bầy tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn sâu lắng đối với Ngư­ời và để tiếp thêm sức mạnh, v­ượt qua khó khăn, thử thách, vững bư­ớc đi trên con đ­ường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn.

          11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện ( huyện Sơn Dương ) Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa ( huyện Yên Sơn ) với tổng diện tích tự nhiên 561,1 km2. Trên mảnh đất này, có trên 36 nghìn 5 trăm nhân khẩu thuộc nhiều dân tộc anh em: Tày, Nùng, Dao, Kinh, Cao Lan, Sán Diừ, Sán Chỉ… cùng chung sống. Với vị trí chiến lư­ợc hết sức quan trọng, nhân dân cần cù, chất phác và giàu lòng yêu nư­ớc, trên mảnh đất địa linh, nhân kiệt này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh của dân tộc Việt Nam.        

            Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, mà dường như mỗi bản làng, rừng cây và cả mỗi ngọn gió của vùng đất chiến khu cách này vẫn còn lưu lại hơi ấm và hình ảnh của ông Ké hiền từ với đôi mắt sáng mà cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác chỉ với mong muốn là làm sao cho nước nhà được độc lập; ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

          Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Pắc Bó tỉnh Cao Bằng về Tân Trào tỉnh Tuyên Quang, " Một địa điểm có dân tốt, cơ sở cách mang tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài và bảo toàn lực lượng của ta’’ Tiến khả dĩ công, thoái khả giữ thủ’’ và có chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên của cả nước, để chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

      Sau 18 ngày đêm trèo đèo, lội suối, ngày 21 tháng 5, Bác đã về đến Tân Trào và đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên của Người khi về đến Thủ đô Khu giải phóng. Sau đó, vào làng Kim Long ở tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự ( Chủ nhiệm Việt Minh của làng Kim Long). Được ít ngày sau, để bảo đảm an toàn, bí mật, Bác chuyển từ nhà ông Nguyễn Tiến Sự lên ở và làm việc tại một căn lán nhỏ trên rừng Nà Nưa.

           Trước căn lán đơn sơ Nà Nưa, trong chúng ta đều trào dâng niềm xúc động, cảm phục trước nhân cách cao quý của Bác Hồ, người cha già của dân tộc. Người đã sống hoà lẫn trong cuộc sống của xã hội, đồng cam, cộng khổ với mọi người. Sự bình đẳng này càng khẳng định tầm vóc của một Nhà văn hoá lớn.

       Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thời kỳ tiền khởi nghĩa, mọi văn bản, chỉ thị chỉ đạo Tổng khởi nghĩa đều được khởi thảo tại căn lán Nà Nưa, Đại bản doanh của cách mạng. Vì thế, Lán Nà Nưa được ví như một Phủ Chủ tịch bằng tre nứa giữa rừng sâu Tân Trào.

       Từ căn lán đơn sơ này đã ra đời nhiều chủ trương, quyết định liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành  được độc lập’’    

   Trước tình thế giới và trong nước ngày càng thuận lợi, ngày 13 tháng 8 năm 1945, tại căn lán nhỏ làm tạm giữa rừng Nà Nưa, với không khí hết sức khẩn trương, gần 30 đại biểu, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam và các chiến khu đã dự Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông D­ương. Sau khi phân tích các điều kiện khách quan và chủ quan, Hội nghị kết luận: "Những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, cơ hội tốt cho ta giành chính quyền, độc lập đã đến…’’ Hội nghị đã quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. 23 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. “ Giờ tổng khởi nghĩa đã đến. Dưới mệnh lệnh của ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng. Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh của các bạn. Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta.’’Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy đấu tranh giành quyền Độc lập -Tự do.

         Ngày 16 tháng 8 năm 1945, trong không khí khẩn trương và hào hùng của cách mạng, Quốc dân Đại hội, một hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào đối với Đảng, với Mặt trận Việt Minh, thể hiện sự đoàn kết của toàn dân trong giờ phút quyết định của đất nước đã khai mạc tại đình Tân Trào. Dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, đại biểu Việt kiều ở Thái Lan và Lào, đại biểu của các đảng phái chính trị trong mặt trận Việt Minh, đại diện các tổ chức quần chúng, các dân tộc thiểu số, các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam và nước ngoài. Đại hội đã quyết định Tổng khởi nghĩa và bầu ra ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, lãnh đạo cả n­ước đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân và thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quy định Quốc kỳ, quốc ca. Mở ra một trang mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam.

     Tại đình Tân Trào, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước:" Giờ phút quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà giải phóng cho ta’’ Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn còn thấy như vang vọng lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Người, thúc giục cả dân tộc vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ của đế quốc, thực dân, phong kiến.

           Chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, trước sự chứng kiến của nhân dân các dân tộc Tân Trào và các đại biểu dự Quốc dân Đại hội, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Quân lệnh số 1. Ngay sau đó, Quân giải phóng đã hành quân qua Thái Nguyên, tiến về giải phóng Hà Nội. Đây là lễ xuất quân công khai đầu tiên của Quân giải phóng Việt Nam.  

       Từ trung tâm căn cứ địa Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong toàn quốc. Ngay sau khi lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi, ngày 17 tháng 8, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân và là tỉnh được giải phóng sớm nhất trong cả nước.         

          Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Với thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỷ và lật nhào chế độ quân chuyên chế tồn tại ngàn năm. Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ suy sụp của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần vào quá trình giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên thế giới. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với niềm vui đất nước độc lập, nhân dân cả nước phấn khởi bước vào cuộc sống mới.

           Nhưng hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chiụ làm nô lệ’’ quân và dân cả nước đã nhất tề đứng lên đánh Pháp cứu nước.

          Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, Khu căn cứ cách mạng Tân Trào, Tuyên Quang lại vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ chọn là Thủ đô kháng chiến. Suốt 9 năm trường kỳ, gian khổ, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây trở thành niềm tin và chỗ dựa tinh thần của nhân dân cả nước.

       “  ở đâu u ám quân thù,

          Nhìn lên Việt Bắc, Cụ Hồ  sáng soi

          ở đâu đau đớn giống nòi,

           Trông về  Việt Bắc mà nuôi chí bền

           Mười lăm năm ấy, ai quên

          Quê hương cách mạng, dựng lên cộng hòa

           Mình về mình có nhớ ta,

          Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…”

      Từ ngày ấy, Tân Trào trở thành một địa danh thiêng liêng của cách mạng Việt Nam, nơi lưu gữi những hiện vật vô giá về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một giai đoạn lịch sử hào hùng trên con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc Việt Nam. Tân Trào là trường học lớn giáo dục truyền thống cách mạng của bao thế hệ người Việt.

         Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã ở và làm việc nhiều nơi ở Tân Trào, trong đó, lán Lũng Tẩu từ tháng 12 năm 1948 đến tháng 4 năm 1949, lán Khấu Lấu-Vực Hồ từ tháng 4 năm 1949 đến tháng 9 năm 1950 và Lán Hang Bòng từ tháng 5 năm 1951 đến cuối năm 1952, cùng ở Lán Hang Bòng với Bác còn có đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng. Đầu tháng 1 năm 1950, từ Tân trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và thiết lập ngoại giao với hai nước Trung Quốc và Liên Xô. Tháng 4 năm 1950, khi về nước, Người tiếp tục ở và làm việc tại Tân Trào. Tháng 9 năm 1950, Người rời Tân Trào trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới. Trong gian đoạn này, quân và dân ta đang tổng phản công trên khắp các chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nhiều quyết định đem lại thắng lợi cho cuộc kháng chiến, thay đổi cục diện chiến trường. Dưới sự lãnh đạo của Người, toàn dân, toàn quân càng thêm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, tích cực thi đua sản xuất, thi đua giết giặc lập công. Tại đây, Người đã tiếp tục xây dựng và củng cố nền ngoại giao, đưa vị thế chính trị của Việt Nam lên tầm cao mới. Nhiều nước đã biết đến cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam và sẵn sàng ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Người còn quyết định nhiều vấn đề quan trọng về công tác tài chính, tiền tệ nhằm đưa đồng tiền Việt Nam có giá trị ngang hàng với các đồng tiền khác, để tạo sức mạnh cho nền kinh tế kháng chiến. Ngày 6 tháng 5 năm 1951, Người ký sắc lệnh số 15/SL về việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngày 25 tháng 5 năm 1951, Người ký sắc lệnh số 92/SL quy định việc phát các loại giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

   Trong thời gian ở Tân Trào, Người đã viết bài báo’’Dân Vận’’nổi tiếng và bài thơ’’Đi thuyền trên Sông Đáy’’.

       ‘’ Dòng sông lặng ngắt như tờ,

         Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.

         Bốn bề phong cảnh vắng teo,

         Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan

         Lòng riêng riêng riêng những bàn hoàn

         Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.

         Thuyền về trời đã rạng đông,

         Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi’’                

Ít ai ngờ những mái lán bằng tre nứa nằm kín đáo dưới tán rừng, kề bên xã Tân Trào thuộc địa bàn thôn Lập Binh xã Bình Yên huyện Sơn Dương lại là Chủ tịch phủ-Thủ tướng phủ của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp. Quần thể kiến trúc đơn sơ này gồm nhà ở và làm việc của cán bộ, nhân viên Văn phòng Chủ tịch phủ -Thủ tướng phủ, hội trường, nhà khách, nhà làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, phòng hành chính, phòng bí thư, phòng nghiên cứu của  Chủ tịch phủ-Thủ tướng phủ, nhà ở và làm việc của Ban Thanh tra Chính phủ.

        Tháng  2 năm 1947, Văn phòng Chủ tịch phủ -Thủ tướng phủ chuyển đến ở, làm việc một thời gian ngắn tại thôn Cả, xã Tân Trào. Sau đó, chuyển đến ở và làm việc tại Thác Rẫng, thuộc thôn Lập Binh xã Bình Yên. Tại đây, từ đầu năm 1947 đến cuối năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp của Chính phủ, Quốc hội quyết định đến nhiều vấn đề quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

       Cách xã Tân Trào huyện Sơn Dương khoảng 10 km là xã Kim Quan huyện Yên Sơn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh,Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ  ở và làm việc trong thời gian từ cuối năm 1953 đến tháng 8 năm 1954.

      Những ngày ở Kim Quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo quân và dân ta tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là cuộc chiến Đông –Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh, ban hành Luật cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng, hoạch định đường lối kháng chiến.

     Ngày 15 tháng 7 năm 1954, tại đây, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa II ( mở rộng ) bàn về thay đổi nhiệm vụ chiến lược là "Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ’’, ký Hiệp định Giơnevơ và đề ra những nhiệm vụ công tác lớn về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao…sau khi kết thúc chiến tranh.

          Tại căn hầm an toàn của Trung ương Đảng, ngày 19 tháng 4 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị, quyết định "Tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ’’. Cuối tháng 7 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm diễn viên điện ảnh Liên Xô Roman Các men. 

      Từ Kim Quan, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dẫn đầu đoàn Ngoại giao Việt Nam lên đường đi dự Hội nghị Giơ ne vơ về lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương, cùng đi có các đồng chí Phan Anh, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Thành Lê, Hà Văn Lâu, Nguyễn  Thiệu Lâu.

              Nằm bên bờ sông Phó Đáy trong xanh, thuộc địa bàn thôn Chi Liền xã Trung Yên huyện Sơn Dương, căn lán và hầm an toàn là nơi ở và làm việc của Bác Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội và các cán bộ, nhân viên Ban Thường trực Quốc hội  trong thời gian từ cuối năm 1952 đến tháng 8 năm 1954. Trong thời gian ở Trung Yên, tháng 2 năm 1953, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chủ trì Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với ủy ban Liên Việt, tháng 11 năm 1953, chủ trì Hội nghị toàn quốc ủy ban Liên Việt. Chuẩn bị nội dung tài liệu và trong các ngày từ 01 đến 04 tháng 12 năm 1953, chủ trì Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa I được tổ chức tại hội trường Chủ tịch phủ-Thủ tướng phủ ở thôn Lập Binh xã Bình Yên.

          Tại Trung Yên, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tiếp và làm việc với hai đoàn đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc và  Đại sứ quán Liên Xô, trao đổi kinh nghiệm về công tác Mặt trận, tính chất, ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đầu tháng 7 năm 1954, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tổ chức một cuộc họp trong khối mặt trận Liên Việt để chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

          Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Khu căn cứ cách mạng Tân Trào cũng là nơi ở và làm việc của hầu hết các Ban của Đảng, các Bộ, ngành của Chính phủ và các đoàn thể chính trị-xã hội của Trung ương như: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Tổng bộ Việt Minh, Nha Công an Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông, Bộ Canh nông, Ngân hàng Quốc gia, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn, Mặt trận Liên Việt, Trường Nguyễn ái Quốc Trưng ương, Trường Quân chính kháng chiến, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…

         Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhân dân các dân tộc Khu căn căn cứ địa cách mạng Tân Trào đã đoàn kết, kề vai sát cánh, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, tham gia ửng hộ sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Đồng bào đã phát huy lòng yêu nước, vượt bao khó khăn gian khổ, tích cực phòng gian, bảo mật, bảo vệ an toàn Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

    ‘’  Uống nước , nhớ nguồn’’, hiện nay, trên Khu căn cứ cách mạng Tân Trào đã mọc lên nhiều công trình văn hóa do các ngành, các đoàn thể của Trung ương đầu tư  xây dựng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự hy sinh to lớn, giúp đỡ  đùm bọc, chở che, bảo vệ  của người dân vùng chiến khu cách mạng. Những công trình văn hóa này đã góp phần làm cho Khu căn cứ cách mạng Tân Trào ngày một đẹp hơn và có ý nghĩa sâu sắc hơn.

   Tân Trào, Thủ đô Khu giải phóng, nơi tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nơi họp Quốc dân Đại hội bầu ra ủy ban Dân tộc giải phóng, túc Chính phủ cách mạng lâm thời, khai sinh ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á. Mở đầu kỷ nguyên phát triển rực rỡ của dân tộc.

  Tân Trào, Trung tâm Thủ đô kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng,Chính phủ và Quốc hội đặt bản doanh để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược, là một mốc son chói lọi mãi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc. Những bài học Tân trào cũng như những bài học của Cách mạng Tháng Tám có giá trị vĩnh hằng, đang tiếp tục soi sáng hành trình tiến đến tương lai xán lạn của thế kỷ hôm nay và mai sau.

                                                                                                                                                                           Nguyễn Thị Hải   - TTTTXTDL          

 


Bài viết liên quan