Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nghệ nhân và những người am hiểu về phong tục tập quán đã cao tuổi, việc truyền dạy có phần hạn chế. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đang có chiều hướng tác động mạnh mẽ, làm cho không gian văn hoá truyền thống có phần biến đổi, bản sắc văn hóa có chiều hướng bị mai một, xu hướng là các dân tộc có số lượng người ít bị ảnh hưởng nhiều về phong tục, tập quán và sinh hoạt văn hóa của các dân tộc có số lượng người đông.
Đồng bào dân tộc Tày (Chiêm Hóa) thi khâu quả còn tại Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa
năm 2015. Ảnh: Quang Hòa
Sự mai một và mất dần bản sắc thể hiện rõ nét gồm: Kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống, phong tục tập quán, ngữ văn truyền miệng, tri thức dân gian... Nhiều thôn, bản dân tộc thiểu số có tình trạng phổ biến là thanh, thiếu niên không có trang phục truyền thống, ít sử dụng tiếng nói, không biết các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình... Việc bảo tồn, khai thác và phát triển di sản văn hoá các dân tộc thiểu số là vấn đề quan trọng và cấp bách, không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà trước hết đó là nhiệm vụ chính trị để củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Mặt khác, trong điều kiện mở cửa hội nhập, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch nhân văn.
Trong những năm qua, một số đề tài, dự án khoa học công nghệ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh được thực hiện như: Đề tài nghiên cứu văn hoá truyền thống một số dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đề tài nghiên cứu làn điệu hát ru, hát giao duyên dân tộc Dao, đề tài bảo tồn hát Then dân tộc Tày, đề tài bảo tồn hát Sình ca dân tộc Cao Lan, đề tài bảo tồn hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu, đề tài Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Tuyên Quang, đề tài Nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang, đề tài kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đề tài về sưu tầm, tìm hiểu thi pháp cổ tích các dân tộc trên địa bàn tỉnh... Thông qua đó, nhiều giá trị văn hóa dân gian cũng được bảo tồn, lưu giữ như lễ hội dân gian, các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số như hát Then, Cọi, Lượn của đồng bào dân tộc Tày, hát Páo dung của đồng bào Dao, hát Sình ca của đồng bào Cao Lan, hát Soọng cô của đồng bào Sán Dìu; các tri thức dân gian khác liên quan đến cách làm nhà, chữa bệnh, đoán thời tiết, những tập quán liên quan đến vòng đời người như sinh đẻ, đặt tên, cưới xin, ma chay...
Theo ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, các đề tài dự án khoa học công nghệ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, đã tập trung vào việc nghiên cứu văn hóa truyền thống (bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) của các dân tộc, qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu.
Kết quả nghiên cứu đã góp phần cung cấp thông tin, luận cứ khoa học giúp cho các cấp ủy đảng, chính quyền hoạch định, xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch và chính sách về vấn đề bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; định hình những khu vực du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến với Tuyên Quang.
Theo http://baotuyenquang.com.vn/