Lũng Cò- Sân bay quốc tế đầu tiên của cách mạng Việt Nam

Mỗi lần ghé thăm quần thể khu Di tích lịch sử Công an nhân dân, du khách sẽ chú ý đến một chiếc máy bay cũ, phủ rêu phong và tấm bia lưu niệm được trưng bày tại khu vực bãi cỏ khá rộng, phẳng. Đây là chứng tích lịch sử của sân bay Lũng Cò - sân bay “quốc tế” đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Chiếc máy bay trung bày tại Khu di tích Công an nhân dân. Ảnh: internet

   Sân bay Lũng Cò nay thuộc thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Địa điểm sân bay cách khu di tích Tân Trào khoảng 8km về hướng Tây Bắc và cách trụ sở UBND xã Minh Thanh khoảng 500m về hướng Bắc. Sân bay có chiều dài 400m và chiều rộng 20 m; nằm trong một thung lũng hẹp, bốn xung quanh được bao bọc bởi các ngọn núi và những quả đồi thấp cây cối um tùm. Đây là vị trí thuận lợi nhất quanh khu vực Tân Trào lúc bấy giờ để xây dựng một sân bay dã chiến tiếp nhận máy bay trở hàng viện trợ của quân Đồng Minh.

   Bà Ma Thị Luyện, thôn Cò, xã Minh Thanh nay đã 83 tuổi nhưng những hình ảnh về ngày tháng bộ đội và nhân dân tham gia xây dựng sân bay luôn in sâu trong tâm trí của bà Luyện, để mỗi dịp hồi tưởng lại bà không khỏi xúc động: “Lúc bấy giờ tôi mới chỉ là một cô bé 13 tuổi. Những ngày giữa khoảng tháng 6/1945, bộ đội đã về tới đây cùng nhân dân làm sân bay Lũng Cò. Sau đó có nhiều máy bay cất và hạ cánh xuống đây”.

 

   Nhân dân địa phương đang san gạt, đầm đất xây dựng san bay Lũng Cò. Ảnh: Tư liệu

   Tháng 6/1945, trước yêu cầu tăng cường hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh, Bác Hồ chỉ đạo đồng chí Đàm Quang Trung và Lê Giản chọn địa điểm và lập kế hoạch xây dựng sân bay; phối hợp với tổ công tác có một thiếu tá thuộc lực lượng Cứu trợ không quân Mỹ. Hai đồng chí xem xét địa thế và chọn Lũng Cò, xã Minh Thanh làm địa điểm xây dựng sân bay. Bắt tay vào công việc, những đồng chí được giao nhiệm vụ xây dựng sân bay đã vận động khoảng 200 người dân địa phương tại các xã xung quanh là Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc và một đơn vị bộ đội. Ban đầu mọi người dự định phải mất khoảng một tuần thì công việc mới hoàn tất được, nhưng với tinh thần cố gắng hết mình, chỉ sau hai ngày phát dọn, san gạt, đầm, một sân bay dã chiến đã hình thành. Đây là sân bay đầu tiên do chính bàn tay và khối óc của chúng ta làm nên và cũng có thể coi đây là "Sân bay Quốc tế đầu tiên của Việt Nam" và là chứng nhân của quan trọng trong quá trình Bác Hồ và quân đội ta, quân đồng minh làm việc tại Minh Thanh.

   Chiếc máy bay hạ cánh đầu tiên xuống sân bay có hai sỹ quan Đồng Minh và một số lương thực, thực phẩm, thuốc men và vũ khí tăng cường cho ta và quân Đồng Minh tại Tân Trào. Trong lần hạ cánh đầu tiên, đồng chí Lê Giản và đồng chí Đàm Quang Trung cùng với nhân dân địa phương tổ chức míttinh chào mừng sự kiện này. Trong buổi mít tinh mọi người đã hô vang khẩu hiệu hợp tác giữa Việt Minh và Đồng Minh trên mặt trận chống phátxít Nhật. Trong suốt thời gian quân Đồng Minh ở và làm việc tại Tân Trào, đã có thêm nhiều chuyến bay cất và hạ cánh tại đây.

   Mặc dù được xây dựng và sử dụng chỉ trong thời gian gần 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/1945, nhưng sân bay Lũng Cò đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng giải phóng của dân tộc ta.

   Trung úy Nguyễn Như Trang, Đội phó phụ trách Đội hướng dẫn tuyên truyền, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, nói về di tích sân bay Lũng Cò đầy tự hào: “Đây là sân bay “quốc tế” đầu tiên của cách mạng Việt Nam, sân bay được làm chỉ trong 2 ngày”.

   Lũng Cò nay đã trở thành địa danh được nhắc tới trong lịch sử cách mạng, lịch sử ngành Hàng không. Địa điểm sân bay Lũng Cò được phục dựng lại đặt trong quần thể khu Di tích lịch sử Công an nhân dân. Chiếc máy bay của không lực Mỹ phủ bụi thời gian được đặt cạnh tấm bia sân bay Lũng Cò giúp mọi người nhớ về một quá khứ với những thời khắc lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Hàng năm, nơi đây đón hàng nghìn lượt khách thập phương đến thăm và ôn lại truyền thống lịch sử.

Theo http://tuyenquang.gov.vn/
 


Bài viết liên quan