Tại buổi lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Hồ trên núi” của huyện Nà Hang nằm trong Tuần Văn hóa - Du lịch "Về với xứ Tuyên" năm 2009 của tỉnh diễn ra đêm 04/10/2009, Đảng bộ và nhân dân huyện Nà Hang đã tổ chức long trọng lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia cho các di tích, gồm: Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (Khuôn Hà); hang Phia Muồn (Sơn Phú); đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang); chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân khí H52, thắng cảnh Thượng Lâm (Thượng Lâm); Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương, Địa điểm sản xuất diêm tiêu (Năng Khả).
Động Song Long:
Chùm đèn trần bằng nhũ đá trong động Song Long.
Thắng cảnh động Song Long (Khuôn Hà) là một hang động đẹp và và có quy mô khá lớn trong vùng, cách mặt nước hồ thủy điện trên 200m, lòng hang có chiều cao khoảng 40m, rộng khoảng 50m, sâu trên 200m, nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, lòng hang được chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, hấp dẫn khách đến tham quan du lịch.
Hang Phia Vài:
Các nhà khảo cổ học trong hang Phia Vài
Di tích hang Phia Vài (Khuôn Hà) là di chỉ khảo cổ điển hình, tìm thấy hàng nghìn công cụ lao động có niên đại cùng thời văn hóa Hòa Bình và bộ di cốt người nguyên thủy bán hóa thạch. Những di cốt động vật chủ yếu thuộc tập hợp bán hóa thạch của lớp địa tầng kết vón tầng văn hóa sớm, trong tập hợp di cốt bán hóa thạch có răng người khôn ngoan (Homo sapiens) và đại diện của quần động vật hậu kỳ Cánh tân như đười ươi (Pongo sp). Những di cốt này nằm trong lớp trầm tích có độ kết vón rắn chắc cùng với các di tích động thực vật khác như ốc núi, cua đá, hạt trám là những di vật đặc trưng cho giai đoạn văn hóa có niên đại từ 20.000 đến 11.000 năm cách ngày nay. Những di cốt động vật bán hóa thạch tìm được ở Phia Vài bổ sung thêm những tư liệu quý để nghiên cứu về cổ môi trường và con người trong giai đoạn chuyển từ Cánh tân sang Toàn tân ở nước ta. Bếp lửa và mộ táng của di chỉ hang Phia Vài đã góp thêm tư liệu quý để tìm hiểu về táng tục, đời sống tinh thần cũng như cấu trúc xã hội của cư dân tiền sử. Bộ di cốt người nguyên thủy chôn nằm co, bó gối với cách khâm liệm độc đáo, táng thức bỏ ốc biển vào hốc mắt người quá cố đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu cổ nhân học tìm được những chứng tích quan trọng về quá trình tiến hóa chủng tộc người, cũng là bộ di cốt điển hình, độc đáo ở Đông Nam Á. Di tích bếp lửa tìm được ở Phia Vài thuộc lớp văn hóa muộn có niên đại khoảng 8.000 năm cách ngày nay, diện tích bếp không lớn, có thể phục vụ việc sưởi ấm hoặc nướng thức ăn cho một nhóm cộng đồng người theo kiểu huyết thống.
Hang Phia Muồn:
Các nhà khảo cổ học trong hang Phia Muồn
Di tích hang Phia Muồn (Sơn Phú) nằm trong khu vực phổ biến là những núi đá phiến sét vôi xen kẽ những núi đất, những dải thung lũng hẹp và những thảm rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Phia Muồn là một di chỉ cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau. Địa tầng và di vật khảo cổ học kèm theo cho thấy có 2 mức văn hóa thuộc 2 giai đoạn phát triển hậu kỳ đá mới: Mức sớm chứa những công cụ tiêu biểu kỹ nghệ truyền thống Hòa Bình như rìu ngắn, công cụ hình đĩa, công cụ bầu dục vv... Sự có mặt của nhiều mảnh tước chứng tỏ người nguyên thủy Phia Muồn đã chế tác công cụ ngay tại di chỉ. Lớp văn hóa sớm thuộc giai đoạn sớm của hậu kỳ đá mới, có niên đại khoảng từ 4.300 - 4.000 năm cách ngày nay. Lớp văn hóa muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí có niên đại từ 4.000 - 3.500 năm cách ngày nay. Hai lớp văn hóa sớm và muộn nằm chồng trực tiếp lên nhau, phát triển liên tục, không có lớp giãn cách. Táng tục và đồ tùy táng cho thấy, toàn bộ 12 ngôi mộ thuộc hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí là tục chôn người thân ngay trong di chỉ, với một số loại táng thức mới: bên cạnh táng thức truyền thống trước đó, kiểu chôn người chết nằm co, bó gối là táng thức nằm ngửa, duỗi tay chân và kè đá xung quanh. Những tài liệu ở Phia Muồn đã cung cấp thêm về một loại táng thức cổ mới phát hiện ở Tuyên Quang, đó là tục chôn kè đá vây xung quanh huyệt mộ và rải đá lên thân thể người chết đã hình thành một loại hình văn hóa Hòa Bình thuộc lưu vực sông Gâm, với những sắc thái riêng, tạo nên diện mạo, bản sắc vùng, phản ánh tính đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.
Đền Pác Tạ:
Đền Pác Tạ ngày nay
Di tích đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang) là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285: vị tướng tài giỏi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lúc đó đương trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã khôn khéo chỉ huy quân chống giặc từ Vân Nam xuống. Theo những tư liệu lịch sử cho thấy, ngôi đền Pác Tạ được dựng lên bên Gâm giang dưới ngọn Tạ sơn để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Hình ảnh về vị hôn phu của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã được người dân nơi đây khoác lên tấm áo truyền thuyết ly kỳ lưu truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thuyết kể lại rằng: Trong thời gian trấn thủ vùng đất Tuyên Quang xưa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã đem lòng ái mộ con gái một viên tù trưởng địa phương. Cô thiếu nữ miền sơn cước tài mạo, xinh đẹp, tính tình hiền thục lại xuất thân trong một gia đình hiếu học. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông, triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho tướng quân Trần Nhật Duật với ái nữ xứ Tuyên. Trên đường đón vị hôn phu của Tướng quân họ Trần về kinh đô, qua đây gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật. Người vợ trẻ của Trần Nhật Duật và cả đoàn tùy tùng bị chìm dưới dòng sông. Đã mấy ngày trôi qua, mà thân xác bà vẫn chưa được tìm thấy. Cảm thương trước tình cảnh của bà, triều đình đã ra lệnh cho toàn dân đôi bờ sông Gâm tổ chức tìm vớt thi thể bà và trọng thưởng cho ai tìm thấy. Khi đó có người trong dòng họ Ma đã vớt được thi thể bà. Để tưởng nhớ người vợ trẻ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, những người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác. Và dòng họ Ma được quyền chăm lo hương khói cửa đền từ đó.
Chùa Phúc Lâm:
Những pho tượng cổ trong chùa Phúc Lâm
Di tích chùa Phúc Lâm (Thượng Lâm) được khởi dựng trong lịch sử đương đại thời nhà Trần lựa chọn Phật giáo làm hệ tư tưởng chính thống (hay còn gọi là Quốc giáo), đây là ý thức hệ làm cơ sở để triều đình phong kiến xây dựng đường lối trị nước của mình. Chính vì vậy, vào thời kỳ này, rất nhiều chùa tháp đã được dựng lên. Khác với các ngôi chùa thời Lý trước đây thường do triều đình xây dựng với quy mô lớn (đại danh lam), do các hoàng hậu, phi tần xây dựng (trung danh lam) và do các nhà sư cùng nhân dân xây dựng (tiểu danh lam). Sang thời Trần, chùa chủ yếu do nhân dân quyên góp công sức, tiền của xây dựng (hay còn gọi là chùa làng) để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Qua nghiên cứu các di vật lịch sử hiện còn lưu giữ tại chùa, như tảng kê chân cột bằng đá xanh, mảng trang trí vật liệu kiến trúc bằng đất nung, bình đồ kiến trúc của ngôi chùa xưa, các mảnh tháp đất nung cùng hệ thống tượng thờ độc dáo... cho phép khẳng định, ngôi chùa Phúc Lâm mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) và trải qua nhiều thời kỳ tồn tại cho tới các giai đoạn sau này.
Cơ quan ấn loát đặc biệt Trung Ương:
Khách du lịch thăm cơ quan ấn loát đặc biệt Trung Ương
Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương (Năng Khả): Ngày 7-10-1947, giặc Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng triệt phá cơ quan đầu não kháng chiến và các cơ sở kháng chiến của ta. Chúng nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, tiến công thành hai gọng kìm chiếm đánh thị xã Tuyên Quang, đánh lên Bản Thi (Chiêm Hóa) và dò tìm, triệt phá cơ sở in bạc Việt Nam và đầu não kháng chiến của ta. Nắm bắt trước ý đồ của thực dân Pháp xâm lược, công nhân Cơ quan Ấn loát đã được lệnh đánh sập nhà xưởng, ngụy trang máy móc và di chuyển số tiền đã được sản xuất trị giá 20 triệu đồng lên cất giấu tại hang Nà Thẳm và hang Nà Bó, thôn Nà Chác, xã Năng Khả (Nà Hang). Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức in tiền đầu tiên của nhà nước cách mạng Việt Nam.
Thắng cảnh Thượng Lâm:
Xưởng Quân khí H52 và địa điểm sản xuất diêm tiêu
Di tích Xưởng Quân khí H52
Di tích Xưởng Quân khí H52 (Thượng Lâm) và địa điểm sản xuất diêm tiêu (Năng Khả) là 2 cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954, nơi có vị trí bảo đảm bí mật, an toàn, là nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất diêm tiêu thô và than củi (hai nguyên liệu chính để sản xuất thuốc súng). Xưởng Quân khí H52 do đồng chí Ngô Gia Khảm làm giám đốc, chuyên sản xuất diêm tiêu làm thuốc súng (còn gọi là thuốc đen) đã đáp ứng một phần chế tạo vũ khí như lựu đạn, mìn, thuốc phóng, dây cháy chậm, pháo hiệu phục vụ chiến trường.
Thác Nặm Me:
Du khách thăm quan thác Nặm Me
Thắng cảnh thác Nặm Me (Khuôn Hà) là một con thác lớn tiêu biểu trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m, cao trên 200m so với mặt nước biển với 15 tầng thác lớn, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ với lưu lượng nước khá đều quanh năm. Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thủy điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn.
Theo BQLKDLST Na Hang