Độc đáo văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta

Khi nhắc đến Tuyên Quang, người ta không chỉ nghĩ đến quê hương của cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến năm xưa mà còn nhắc đến những giá trị văn hóa lâu đời của nhân dân các dân tộc nơi đây. Nghi lễ hát Then và Lễ hội Lồng tông của đồng bào dân tộc Tày; Lễ Cấp sắc và hát Páo dung của đồng bào Dao đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

          Ai đã từng ngược miền Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình hẳn sẽ không thể nào quên hình ảnh những nếp nhà sàn dưới chân núi. Đây là căn nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Đồng bào người Tày còn lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Trong đó, không thể không kể đến Nghi lễ hát Then và Lễ hội Lồng tông. “Lồng tông” trong tiếng Tày có nghĩa là “xuống đồng”. Theo quan niệm của người Tày, tổ chức Lễ hội Lồng tông là để tạ ơn thần linh, Thành hoàng làng và cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ở một số nơi trong tỉnh, bà con còn để riêng 3 thửa ruộng dành cho tổ chức lễ hội. Thửa thứ nhất cao hơn 1 chút, có mặt quay về hướng Nam dành riêng cho dựng dàn để “mâm tồng” (mâm lễ vật) gọi là “Nà Tông”. Thửa thứ 2 bên phải Nà Tông là “Nà Khoen tổng” dành riêng cho dựng trống hội và thửa thứ 3 được gọi là “Nà Tót còn” dành riêng cho dựng cột còn. Trong Lễ hội Lồng tông, phần lễ không thể thiếu lễ “Tịch điền”. Dân làng chọn người có uy tín, khỏe mạnh cày những đường cày đầu tiên với mong muốn trong năm mùa màng bội thu. Phần hội không thể thiếu tung còn (hay còn gọi là ném còn). Quả còn được khâu bằng vải, có tua sặc sỡ, bên trong là những hạt giống với mong muốn no ấm, bội thu trong năm.

 

Nghi lễ "nhảy đàn" của dân tộc Tày trong Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình.

    Nghi lễ Then mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện ước vọng của con người về cuộc sống bình an. Then bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người Tày. Then bao gồm những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc... do những người làm lễ Then thực hiện. Ngày nay, hát Then còn được sử dụng nhiều trong các buổi liên hoan văn nghệ quần chúng, là kho tàng quý giá về di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc và nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của người Tày.

    Nếu như Nghi lễ Then là “báu vật” trong văn hóa của người Tày thì Lễ Cấp sắc và hát Páo dung và là “báu vật” văn hóa của người Dao. Páo dung được đồng bào Dao hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than... Các làn điệu Páo dung của người Dao đều có cùng nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Hát Páo dung được chia thành các loại hình như hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao như Lễ Cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng... Người Dao ở Tuyên Quang có đến 9 ngành. Vì vậy, các làn điệu Páo dung trong tỉnh rất phong phú, đặc sắc. Mỗi miền quê, mỗi ngành dân tộc Dao lại có cách hát riêng, âm điệu riêng mượt mà, sâu lắng.

    Theo quan niệm của người Dao, một người đàn ông chỉ được coi là trưởng thành sau khi đã được Cấp sắc. Vì thế, Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu. Trong Lễ Cấp sắc, người thanh niên Dao được giáo dục luân thường, đạo lý truyền thống dân tộc thông qua những lời răn dạy của Bàn Vương, tổ tiên dòng họ và cộng đồng. Lễ Cấp sắc của người Dao gồm có nhiều nghi lễ như lễ đặt tên âm, lễ cấp sắc 3 đèn, lễ cấp sắc 7 đèn, lễ cấp sắc 12 đèn và lễ tơ hồng. Lễ Cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên... Ngày nay, đồng bào dân tộc Dao ở tỉnh ta vẫn gìn giữ giá trị văn hóa này. Tuy nhiên, Lễ Cấp sắc đã giảm rất nhiều các hủ tục không cần thiết. Bà con người Dao cũng chỉ làm Lễ Cấp sắc khi điều kiện kinh tế của gia đình đã đủ đầy, no ấm. Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm.

    Ở tỉnh ta, các dân tộc anh em đều có những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình mang đậm tính nhân văn. Không chỉ hát Then và Páo dung làm say đắm lòng người mà hát Soọng cô của người Sán Dìu đã đi vào tiềm thức của đông đảo người yêu văn hóa dân gian. Hát Soọng cô là điệu hát truyền thống của dân tộc Sán Dìu đã được lưu truyền từ nhiều đời nay. Soọng cô là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ, mỗi bài ca là một bài thơ được bà con thể hiện trong những dịp lễ tết, ngày hội hoặc những khi gia đình có niềm vui... Để bảo tồn, phát huy giá trị làn điệu Soọng cô, ngày 8-6-2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm 26 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, tỉnh ta có 2 di sản là hát Soọng cô của người Sán Dìu ở xã Sơn Nam, xã Thiện Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương) được xếp vào loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và kéo co truyền thống thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Như vậy, đến nay tỉnh ta đã có 6 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Cộng đồng 22 dân tộc anh em ở Tuyên Quang còn rất nhiều nét văn hóa đặc sắc để bạn bè bốn phương tìm hiểu, khám phá như hát Sình ca của đồng bào Cao Lan (đang được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia), Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình), Lễ hội đình làng Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan, xã Kim Phú (Yên Sơn), Lễ hội đền Hạ (TP Tuyên Quang), Lễ hội Động Tiên (Hàm Yên)...

Theo TQĐT
 


Bài viết liên quan