
Quang cảnh hồ công viên Tân Quang (TP Tuyên Quang).
Tập trung xây dựng các quy hoạch tổng thể
Từ khóa XIV, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 03 về phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010. Đến khóa XV, Tỉnh ủy tiếp tục có Kết luận về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2011 -2015. Theo đó, một trong các giải pháp quan trọng là tập trung nguồn lực để hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch. Bởi công tác quy hoạch và việc ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch sẽ làm cơ sở pháp lý để lập kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung mọi nỗ lực sớm hoàn thành các quy hoạch tổng thể, quy hoạch cụ thể phát triển du lịch, trong thời gian 10 năm (2005 - 2010) ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt hàng chục quy hoạch về du lịch. Tháng 4-2005, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đây là quy hoạch đầu tiên về phát triển du lịch, và cũng là quy hoạch đầu tiên của tỉnh về phát triển ngành, lĩnh vực.
Ở thời điểm đó (2005), mục tiêu phát triển du lịch đã được xác định rõ trong quy hoạch là: Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên du lịch của tỉnh để tập trung phát triển toàn diện ngành du lịch, nhanh chóng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo ra bước đột phá trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, định hướng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch: Du lịch lịch sử - văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, với ba khu du lịch chính: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào; Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch sinh thái Nà Hang và 6 điểm du lịch ở các huyện, thành phố, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch của mỗi huyện, thành phố...
Tuy nhiên, sau năm 2010, xuất hiện những yếu tố mới; đồng thời để bảo đảm sự phù hợp chiến lược phát triển du lịch của cả nước đến năm 2030 và quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc Chính phủ mới phê duyệt, năm 2012, ngành tham mưu xây dựng lại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch này được HĐND tỉnh khóa XVII, thông qua tại kỳ họp thứ 5, tháng 12-2012 và được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt tháng 01-2013. Theo đó, quan điểm phát triển du lịch được điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mới so với quy hoạch 2005. Đó là: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; phát triển du lịch bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng - an ninh... Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các huyện, thành phố, tăng cường liên kết phát triển du lịch. Mục tiêu đến năm 2015 đón trên 1 triệu lượt khách du lịch; đến năm 2020 đón trên 1,6 triệu lượt khách và đến năm 2030 đón trên 3,6 triệu lượt khách...

Lễ rước Mẫu đền Ỷ La (TP Tuyên Quang).
Về định hướng phát triển du lịch, quy hoạch 2012 cũng có bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, như: Thị trường khách du lịch (trong nước, nước ngoài). Trong định hướng phát triển các hình thức du lịch, xác định 4 loại hình: du lịch văn hóa - lịch sử; sinh thái; nghỉ dưỡng và du lịch dịch vụ gắn với các đô thị. Tổ chức 4 không gian du lịch, đó là: Không gian trung tâm - thành phố Tuyên Quang, với các hình thức du lịch chính: Lịch sử văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, lễ hội Thành Tuyên... Không gian phía Đông, khai thác tiềm năng du lịch khu vực huyện Sơn Dương và phía Đông huyện Chiêm Hóa. Trọng tâm là khai thác lợi thế Khu du lịch tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Không gian phía Bắc, khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch khu vực huyện Nà Hang, huyện Lâm Bình và phía bắc huyện Chiêm Hóa, với động lực chính là du lịch sinh thái hồ thủy điện Tuyên Quang, du lịch sắc tộc và Không gian du lịch phía Tây, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái khu vực huyện Hàm Yên, phía tây huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa.
Coi trọng lập các quy hoạch chi tiết
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, ngành du lịch và các huyện, thành phố tập trung xây dựng các quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch chi tiết khu, điểm du lịch phù hợp, bảo đảm sự phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thành một hệ thống hoàn chỉnh, bền vững, liên hoàn, gắn kết chặt chẽ trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước, của vùng và các tỉnh lân cận. Với cách chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của cấp huyện và ngành chuyên môn, đến năm 2008, cơ bản chúng ta đã hoàn thành các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả 4 khu: Khu trung tâm - thành phố Tuyên Quang; Tân Trào; suối khoáng Mỹ Lâm và sinh thái Nà Hang; hoàn thành các quy hoạch chi tiết đầu tư điểm du lịch trong các khu du lịch; quy hoạch điểm du lịch trên địa bàn huyện, thành phố. Về các điểm du lịch, định hướng phát triển 7 điểm: Điểm du lịch trung tâm; du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào; du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Chiêm Hóa; du lịch sinh thái Nà Hang; du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Lâm Bình; du lịch sinh thái Hàm Yên; du lịch lịch sử, văn hóa - nghỉ dưỡng Yên Sơn. Tổ chức 5 tuyến du lịch liên vùng và 6 tuyến du lịch nội tỉnh; 5 tuyến du lịch quốc tế...
Ngoài ra, tỉnh ta đã hoàn thành quy hoạch một số phân khu chức năng trong khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào; Khu đón tiếp khách; Làng văn hóa dân tộc Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương trong Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào; Quy hoạch và đầu tư xây dựng phân khu chức năng: Khu đón tiếp; khu lâm viên Phiêng Bung; khu lâm thủy Cọc Vài; Làng Văn hóa dân tộc Nà Tông, xã Thượng Lâm... trong Khu du lịch sinh thái Nà Hang. Quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng khu dân cư - Làng Văn hóa các dân tộc; khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí trong Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm...

Đình Tân Trào, nơi họp Quốc dân Đại hội từ ngày 16 đến 17-8-1945.
Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030. Dự kiến Quy hoạch này sẽ hoàn thành trong quý I-2016 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ những định hướng đã được nêu trong các quy hoạch, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, như: Quy định chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh (ưu đãi tiền thuê đất, mặt nước, về thuế, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề); thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; sản xuất hàng hóa phục vụ phát triển du lịch (sản xuất hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ...); hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc...
Nhìn tổng thể và dưới góc độ chuyên môn, trong những năm qua, hệ thống các quy hoạch (từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng) các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng khá hoàn chỉnh và bài bản. Từ những quy hoạch này, UBND tỉnh, ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm để tổ chức thực hiện quy hoạch và cũng đã có được những kết quả bước đầu quan trọng: Số lượng khách du lịch đạt trên 1 triệu lượt năm 2014 (mục tiêu này phấn đấu đạt vào năm 2015); 6 di sản văn hóa được bảo tồn, vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; kết cấu hạ tầng du lịch bước đầu được đầu tư xây dựng phục vụ phát triển du lịch.
Theo TQĐT