Những thuận lợi riêng có
Trước đây, Tân Lập có tên là Kim Long đã từng đi vào câu ca “Kim Long cảnh đẹp như tiên/Ai mà đến đó thì quên đường về”. Khi phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, nơi đây được đổi thành thôn Tân Lập (phong trào mới).
Quang cảnh Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập.
Năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử và cách mạng kháng chiến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2010. Trong đó, xây dựng, bảo tồn làng Tân Lập thành Làng Văn hóa - Du lịch. Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập nằm trọn trong thung lũng nhỏ, bốn bề là núi rừng bao bọc. Phía trước làng là con suối Khuôn Pén đã làm tốn không ít giấy mực của nhiều nhà thơ, nhạc sỹ. Mặc cho thời gian, Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Trong Cách mạng Tháng Tám, Tân Lập có vị trí chiến lược quan trọng, được chọn là “Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam”. Nơi đây đã chở che Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến.
Theo ông Ma Anh Tuấn, người được dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn lâu nhất ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết, trước đây làng chỉ có 23 ngôi nhà sàn nhưng dần dần, các thế hệ người Tày lấy vợ, lấy chồng, sinh con, sinh cháu mà trở nên đông đúc như bây giờ. Hiện nay, làng có 182 hộ với trên 86% dân tộc Tày sinh sống. Trong số 32 ngôi nhà sàn của đồng bào thì có 26 nhà sàn của người Tày sống quây quần. Bao đời, người dân trong làng đoàn kết, bảo ban nhau lao động, sản xuất, phát huy truyền thống quê hương cách mạng. Nhờ thế mà làng liên tục được công nhận Làng Văn hóa. Các thế hệ con cháu người Tày ở đây nối tiếp nhau vào đại học. Làng có bề dày về phong trào khuyến học, khuyến tài với Quỹ khuyến học hàng năm huy động hàng trăm triệu đồng, chắp cánh cho bao ước mơ thi đỗ Đại học. Cùng với việc gìn giữ những ngôi nhà sàn truyền thống của ông cha, người Tày ở đây còn có tài dệt thổ cẩm, hát then, đánh đàn tính. Câu lạc bộ hát then đàn tính của xã diễn viên nòng cốt là người làng Tân Lập. Bất kể khách du lịch nào đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập cũng muốn được thưởng thức một vài tiết mục hát then, đàn tính, được thưởng thức các món ăn đúng chất dân dã từ thiên nhiên như gà rừng, lợn rừng, rau rừng, măng rừng… Đặc biệt là nhờ bàn tay cần cù của người Tày trong thâm canh cây lúa mà gạo ở Tân Lập nổi tiếng thơm ngon quyện hòa trong món cơm lam, xôi nếp nương.
Để du lịch cộng đồng gắn với lịch sử
Cùng với những điều kiện tự nhiên, lịch sử - văn hóa thuận lợi như vậy, người dân ở Tân Lập đã nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.
Nhất là từ khi Tân Trào trở thành xã điểm nông thôn mới của tỉnh và cả nước, người Tân Trào nói chung và người dân Tân Lập nói riêng nhận được sự bảo trợ của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội mở ra cho người Tân Lập cơ hội phát triển du lịch cộng đồng. Đã có 20 ngôi nhà sàn được hỗ trợ làm mới và sửa chữa theo kiểu bê tông cốt thép. Trong đó có 11 nhà sàn của người Tày được hỗ trợ từ 100 đến 200 triệu đồng và 9 nhà được hỗ trợ 32 triệu đồng. Cùng với đó là việc triển khai các Dự án trồng cây ăn quả ở nhiều hộ trong làng. Từ khi có nhà mới, người dân ở Tân Lập bắt đầu mở mang, kiến thiết, trang trí nhà ở, khuôn viên, xây dựng các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của khách tham quan. Điều mà trước đây chưa có nhiều. Cũng theo ông Ma Anh Tuấn, hiện nay trong làng đã có gần chục hộ gia đình mở dịch vụ kinh doanh lưu trú kết hợp phục vụ ăn uống khi khách có nhu cầu. Rất nhiều hộ đã chú trọng việc đầu tư các công trình vệ sinh khép kín.
Anh Hoàng Văn Nhiên, chủ nhà hàng Nhiên Hiên cho biết: “Gia đình mình vừa đầu tư xây mới một ngôi nhà sàn khác rộng trên 2 nghìn m2, trị giá trên 1 tỷ đồng, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, phục vụ các đoàn khách có nhu cầu nghỉ tập thể. Nhà hàng mới có thể phục vụ ăn uống cho 500 khách/lượt. Hiện nay, mỗi ngày nhà hàng của gia đình mình phục vụ từ 150 khách đến 200 khách. Trong thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng khuôn viên nhà hàng mới, đầu tư cây xanh trang trí khuôn viên để làm hài lòng khách du lịch hơn”. Hộ bà Bế Thị Chín từ khi được hỗ trợ 200 triệu đồng làm nhà sàn mới đã mở dịch vụ lưu trú và phục vụ ăn uống cho du khách. Bà Chín cho biết, từ khi gia đình bà kinh doanh dịch vụ đã có nhiều đoàn khách của các Bộ, ngành Trung ương và ngoài tỉnh đến nghỉ ngơi và có nhu cầu ăn uống, với giá rất hợp lý 40.000 đồng/người và 500.000 đồng/mâm cơm. Nhà bà Chín cũng có ao cá, thường xuyên phục vụ các đoàn khách đến nghỉ dưỡng câu cá giải trí. Do đặc trưng nhà sàn nên gia đình bà không thể thiết kế các phòng nghỉ khép kín nhưng khách tỏ vẻ rất thích bởi được hưởng gió trời, được ăn các đặc sản từ rừng, vừa ngon lại sạch.
Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - người được nhiều lần đến Tân Trào, có dịp tham quan Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập cho biết: “Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng gắn với lịch sử chẳng thua kém gì một số làng văn hóa nổi tiếng như Mường Việt (Hòa Bình) hay một số làng văn hóa ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, thậm chí là cả Nghệ An, Huế… Song để thu hút và giữ khách ở lại làng cần tạo ra những “tua” kết nối với các điểm di tích khác trong Khu du lịch. Bên cạnh đó, theo tôi, Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập vừa giữ gìn văn hóa bản địa vừa phải làm phong phú thêm các hoạt động du lịch với các món ăn, sản phẩm du lịch và tạo điều kiện cho du khách được trải nghiệm đời sống lao động sản xuất cũng như các hoạt động văn hóa giàu bản sắc của người Tày”.
Mới đây, xã Tân Trào đã thành lập được Ban quản lý Làng Văn hóa, Du lịch Tân Lập. Mục tiêu Ban quản lý hướng đến đó là tập hợp nhiều thành viên là các chủ nhà hàng, các hộ gia đình trong làng tham gia; kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tháng 7 vừa qua, Sở đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức lớp nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho người dân thôn Tân Lập. Ngày 12-8-2015, Sở đã làm việc với Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Theo đó đã thống nhất chọn 3 hộ gia đình điển hình trong Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập làm mô hình mẫu về cách làm du lịch homestay (loại hình du lịch nghỉ tại nhà dân). Từ các mô hình này sẽ nhân rộng và tạo sự lan tỏa tới nhiều hộ gia đình khác.
Xây dựng Làng Văn hóa, Du lịch Tân Lập trở thành điểm du lịch cộng đồng gắn với lịch sử và trở thành điểm nhấn trong quần thể Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào không phải là điều khó khi mà người dân và chính quyền địa phương cùng bắt tay làm như nhiều địa phương hiện nay trong nước đang triển khai. Để làm được cần phải trang bị cho người dân kiến thức về làm du lịch cộng đồng cũng như cần có sự mạnh dạn, năng động hơn nữa từ người dân, chính quyền địa phương.
Theo baotuyenquang.com.vn