Lễ hội Thành Tuyên sôi động và nhiều ý nghĩa

“Đã cái tai, thích con mắt” là lời nhận xét của hầu hết du khách và nhân dân khi lần đầu tiên có cơ hội được nghe thỏa thích những làn điệu then mượt mà say đắm lòng người tại Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V tổ chức tại Tuyên Quang và xem những mô hình đèn Trung thu khổng lồ trong Lễ hội Thành Tuyên năm nay.

        Giữ truyền thống, nối tiếp tương lai

       Giữa những ngày đẹp nhất của mùa thu, tại Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân, diễn viên hát Then đến từ 13 tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đắc Lắc, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên đã tụ hội về đây tham dự Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V năm 2015. Đây là liên hoan được đánh giá là hoành tráng nhất từ trước đến nay bởi được tổ chức với một chuỗi các hoạt động có ý nghĩa như: Biểu diễn các tiết mục hát Then phục vụ nhân dân và du khách thập phương đến tham quan; tổ chức triển lãm di sản Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế và trong nước có nhiều năm nghiên cứu về giá trị Then; trình diễn, giới thiệu nghi lễ Then cổ tại thôn Trung Quang, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa)…

 


Mô hình đèn Trung thu của tổ nhân dân 12, phường Minh Xuân
trong Đêm hội Thành Tuyên. Ảnh: Quang Hòa.


     Theo đánh giá của Ban Tổ chức Liên hoan, các đoàn tham gia đã mang đến những tiết mục đặc sắc nhất của địa phương, là nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trên khắp đất nước Việt Nam. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Liên hoan Nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V cho biết, dù chỉ được tổ chức trong thời gian ngắn (2 ngày) nhưng với sự nghiêm túc của đơn vị chỉ đạo và địa phương đăng cai tổ chức cùng sự tham gia hào hứng của các đoàn nghệ thuật, nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn đã được biểu diễn trước công chúng. Tất cả các hoạt động tại Liên hoan đều hướng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Then trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng là những việc làm hết sức ý nghĩa khi việc lập hồ sơ khoa học đề nghị Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang được tiến hành.

     Ngày 26-9, Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái đã khép lại song đã đọng lại trong khán giả và nghệ nhân, diễn viên những ấn tượng khó phai. Bà Hoàng Thị Túc, dân tộc Tày ở xã Minh Thanh (Sơn Dương) cho biết, trong những ngày diễn ra Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V, bà chưa bỏ theo dõi buổi nào.

     Nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An (Chiêm Hóa) đạt Giải A tại Liên hoan với tiết mục Cung mèng nhoi có nghĩa là “Kiếp ve sầu”. Bài Then nói về việc mẹ ve sầu mất sớm, bố ve sầu đi lấy vợ hai nên ve sầu phải sống cuộc sống khổ sở, bị dì ghẻ hại chết. Qua đó ông muốn truyền thông điệp tới mọi người sống trên đời phải yêu thương, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau đừng như dì ghẻ độc ác kia. Những bài Then tham gia lễ hội đều mang tính giáo dục cao, từ những câu chuyện về làm dâu, làm rể trong nhà, giữ nếp xưa đến những bài Then về chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước đều chứa chan tình người, là điểm nhấn tạo nên sự thành công của Liên hoan.


Mô hình đèn Trung thu khổng lồ diễn diễu trên đường phố trong
Đêm hội Thành Tuyên năm 2015.


        Ấn tượng đẹp một Lễ hội hoành tráng

       Chắc hẳn, ai đã từng hòa nhịp cùng tiếng trống tùng rinh trong Lễ hội Thành Tuyên sẽ khó có thể quên một kỷ niệm đẹp của Tết Trung thu năm nay. Lễ hội được tỉnh Tuyên Quang tổ chức quy mô lớn với chủ đề “Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên”. Hàng vạn du khách đã ghé thăm và cảm nhận được vẻ đẹp trong đêm hội đặc biệt này. Năm nay, 92 mô hình đèn trung thu tại đêm hội bao gồm nhiều ý tưởng khác nhau của bà con nhân dân các tổ dân phố song đều gắn với những chủ đề lịch sử hay những truyền thuyết và câu chuyện mang tính giáo dục cao như: “Âm Vang Điện Biên”, “Đài sen dâng Bác”, “Cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa”, “Hai con dê cùng qua cầu”, “Chuyện cô Tấm”, “Con Lạc cháu Hồng”, “Cá chép hóa rồng”, “Đám cưới chuột”…

     Từ bàn tay tài tình của các “nghệ nhân”, các mô hình đã được “thổi hồn đầy sinh động hấp dẫn” như lời tâm sự của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thụy Loan, Nhà nghiên cứu Văn hóa Việt Nam về Lễ hội Thành Tuyên. Theo ông và những người khách du lịch khắp nơi đến với Tuyên Quang đều cho rằng, đến người lớn tuổi còn phải chạy theo những mô hình diễn diễu để xem nữa là bọn trẻ. Có thể nói, cách tổ chức Tết Trung thu ở Tuyên Quang rất độc đáo, sáng tạo, xem mãi vẫn không biết chán. Các mô hình là tâm huyết của một tập thể dân cư, cộng đồng, trẻ em là trung tâm của Lễ hội. Trong Lễ hội Thành Tuyên các em thiếu nhi được rước đèn, được nhận quà và quan trọng nhất các em hiểu thêm về giá trị của cuộc sống thông qua ý nghĩa thể hiện trong các mô hình đèn Trung thu. Em Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 7 ở phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết, năm nào bố mẹ cũng đưa em đi xem hội, chúng em vui và tự hào về quê hương mình lắm. Còn em Ma Thị Hương Giang là một số những học sinh vượt khó vươn lên học tập tốt ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình) vừa được nhận quà của tỉnh tại Đêm hội Thành Tuyên đã không giấu nổi niềm xúc động. Giang cho biết, em được nhận quà, được vui chơi thỏa thích cùng các bạn. Mai này, chúng em sẽ phấn đấu học thật giỏi để không phụ lòng mẹ cha, thầy, cô giáo và mọi người đã quan tâm đến chúng em.

     Không chỉ ở thành phố Tuyên Quang, các em thiếu nhi tại các huyện khác như: Nà Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong dịp này. Ở một số huyện, mô hình đèn Trung thu khổng lồ cũng đã xuất hiện, tăng thêm niềm vui cho các em trong ngày hội đầy ý nghĩa này. Ông Trần Thái Học, Trưởng thôn 16, xã Kim Phú (Yên Sơn) cho biết, mỗi năm các hộ dân trong thôn góp vào một ít làm nên mô hình Trung thu “Thuyền hải quân canh giữ biển đảo quê hương” cho các cháu. Hiện nay, đời sống kinh tế phát triển nên Trung thu ở nông thôn giờ cũng chẳng kém thành phố là mấy. Nói về mô hình đèn Trung thu của tổ mình năm nay, ông Phan Văn Đức, Tổ trưởng tổ dân phố Thịnh Tiến, thị trấn Sơn Dương cho biết, nhân dân trong tổ làm mô hình “Cây đa Tân Trào và Đình Hồng Thái” với thông điệp nhớ về cội nguồn, mong muốn giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ trên quê hương cách mạng. Các cháu nhỏ trong tổ rất thích thú với mô hình này.


Lễ Cầu Khoăn (giải hạn) do Học viện Âm nhạc Quốc gia và Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức ngày 25-9 tại xã Xuân Quang (Chiêm Hóa).
Ảnh: Minh Hoàng


     Lễ hội Thành Tuyên kết thúc đã để lại dấu ấn sâu sắc trong mỗi người dân Tuyên Quang và rất nhiều du khách. Chị Trần Thị Thuận ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, mấy ngày qua, chị và các con được sống trong không gian cổ tích tuyệt đẹp, những âm thanh vui nhộn hay hình ảnh những đèn lồng khổng lồ lung linh, đẹp mắt. Chuyến đi này sẽ là những ký ức đẹp mà chị và các con khó mà quên được. Còn đối với ông Ao Masataka đến từ đất nước Nhật Bản thì việc ông được tham gia Lễ hội Thành Tuyên cũng chính là dịp ông hiểu thêm về một đất nước giàu truyền thống văn hóa và có nhiều lễ hội độc đáo, thú vị. Ông Ao Masataka cho biết, khi trở về nước, ông sẽ giới thiệu với bạn bè, người thân về Lễ hội Thành Tuyên để mọi người khi du lịch đến Việt Nam, họ sẽ tìm đến chung vui và cảm thấy hạnh phúc như ông.

    Lễ hội Thành Tuyên kết thúc, nhiều du khách đều hy vọng sẽ có ngày trở lại mảnh đất tuyệt vời này. Một lần nữa, Tuyên Quang đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với du khách gần xa. 

Theo baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan