Du lịch đứng trước những triển vọng mới

Năm 2015, ngành du lịch của tỉnh tiếp tục trên đà phát triển mạnh mẽ về cả lượng và chất, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, tạo được bước đệm vững chắc để du lịch bước sang một giai đoạn mới với những lợi thế và cơ hội to lớn.

 

    Năm 2015, du lịch của tỉnh đã thu hút trên 1,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 29% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội về du lịch đạt 1.125 tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm 2014. Toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch tổng thể, và một số quy hoạch chi tiết phát triển du lịch của cả 4 khu: Khu trung tâm - thành phố Tuyên Quang; Khu du lịch Quốc gia Tân Trào; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm và Khu du lịch sinh thái Nà Hang; hoàn thành các quy hoạch chi tiết đầu tư điểm du lịch trong các khu du lịch; quy hoạch điểm du lịch trên địa bàn huyện, thành phố. Công tác quy hoạch các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh thường xuyên được bổ sung, phê duyệt từ đó tạo điều kiện để phát triển tua, tuyến du lịch.

    Các khu du lịch, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Nà Hang, thác Bản Ba, Động Tiên... ngày càng phát triển và được khai thác tốt hơn. Các địa phương đã tổ chức các lễ hội đầu xuân như: Lễ hội Động Tiên - chợ Quê, chọi trâu, lễ hội Đền Thác Cái, Lễ hội Lồng tông, Lễ hội Nhảy lửa… mang đậm bản sắc, độc đáo, tạo dấu ấn trong lòng du khách. Đặc biệt Lễ hội Thành Tuyên đã được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam được tổ chức với quy mô ngày càng chuyên nghiệp, dịch vụ phục vụ được nâng cao, không những thu hút khách du lịch trong nước mà còn thu hút được nhiều khách quốc tế đến với lễ hội. Du lịch văn hóa dân tộc tại Làng văn hóa Tân Lập (Sơn Dương), Giếng Tanh (Yên Sơn), Làng văn hóa dân tộc Dao Bình Xa (Hàm Yên) cũng đã được quan tâm, thể hiện được nét độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Du lịch tâm linh thu hút du khách du lịch đến với thành phố Tuyên Quang và các vùng phụ cận ngày một tăng, các hoạt động phục vụ chu đáo, lành mạnh hơn.

   Tỉnh luôn có những chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động du lịch, khuyến khích cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch tham gia và hưởng lợi hợp pháp từ việc kinh doanh dịch vụ du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có trên 255 cơ sở khai thác các dịch vụ du lịch, trong đó có 33 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-2 sao, trên 100 nhà hàng ăn uống phân bổ rộng khắp toàn tỉnh luôn đón chào và phục vụ du khách. Dịch vụ vận chuyển có sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh với nhiều loại hình như đường bộ, đường thủy với phong cách phục vụ tận tình, chu đáo. Hoạt động lữ hành đã được các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh với 6 công ty lữ hành đang hoạt động. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng các làng văn hóa - du lịch, làng nghề, tham gia khôi phục, phát triển các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tham gia sản xuất hàng hóa, hàng lưu niệm để phục vụ phát triển du lịch. 

Thác Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa - một điểm du lịch sinh thái tiềm năng.
Ảnh: CTV

    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục xác định du lịch là khâu đột phá của tỉnh. Để du lịch Tuyên Quang thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với mục tiêu đến năm 2020 thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là bước đệm vững chắc để du lịch bước sang một giai đoạn phát triển mới phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch luôn được quan tâm, các tuyến đường giao thông, hệ thống bưu chính viễn thông… tại các khu, điểm du lịch được đầu tư và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Nhiều dự án xây dựng phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch tại các khu điểm du lịch tạo ra các sản phẩm thu hút khách. Phát triển nguồn nhân lực du lịch, đến nay toàn tỉnh có khoảng 13.000 lao động, trong đó trên 3.000 lao động trực tiếp. Năm 2015 tỉnh mở 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ như: Hướng dẫn viên du lịch, buồng bàn bar, lễ tân, du lịch cộng đồng, quản lý khách sạn, nhà hàng… cho trên 300 học viên.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan