Năm nay, người dân thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) làm mô hình trung thu phục vụ trẻ em.
Ảnh: Quốc Việt
Thành công từ xã hội hóa
Lễ hội thành Tuyên được bắt nguồn từ Tết trung thu năm 2004, khi nhiều gia đình ở thành phố Tuyên Quang trang trí, cắt dán hình các con thú rồi kéo dọc theo các tuyến phố để phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em. Và qua mỗi năm, các mô hình đèn trung thu với những hình thù đa dạng lại lan rộng tới tất cả các phường, xã của thành phố. Hình thức tổ chức vui Tết trung thu ngày càng mở rộng và quy mô hơn. Các tổ, các xóm đua nhau, sức sáng tạo của người dân cũng vì thế được phát huy không ngừng...
Qua nhiều năm tổ chức, đến nay Lễ hội thành Tuyên đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi người dân và tạo nên dấu ấn đặc biệt. Từ năm 2014, được nâng cấp thành lễ hội quy mô cấp tỉnh và được thống nhất tên gọi là Lễ hội thành Tuyên. Lễ hội thành Tuyên trở thành lễ hội độc đáo nhất của cả nước với những mô hình đèn Trung thu đa dạng, khổng lồ nhất được biết đến trong cả nước. Đây không dừng lại là ngày hội của thiếu nhi nữa, mà thực sự trở thành ngày hội của tất cả mọi người dân.
Mô hình tham gia buổi tổng duyệt Đêm hội Thành Tuyên năm 2017. Ảnh: Quốc Việt
Năm nay, tham gia Lễ hội thành Tuyên có hơn 70 mô hình đèn Trung thu, bởi là năm Đinh Dậu nên chủ đạo là các mô hình về con vật nuôi gần gũi. Với phương châm xã hội hóa, xuất phát từ người dân, mọi đóng góp cũng do người dân tự thảo luận quyết định. Hình thức các mô hình cũng vậy, hoàn toàn từ sự sáng tạo của người dân, từng tổ dân phố và các doanh nghiệp tài trợ. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của họ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Bà Trần Thị Cõn, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 2, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) không giấu được niềm tự hào. Mỗi năm, chúng tôi đều cố gắng thay đổi một mô hình sinh động hơn, ý nghĩa hơn. Năm 2016 là mô hình Làng chài sông Lô trảy hội, năm nay là mô hình Di sản 4.000 năm qua văn hóa trống đồng.
Từ 1-7 âm lịch, bà con trong khu phố cứ 2-3 giờ chiều tập trung làm, có hôm làm đến 11-12 giờ đêm, nhưng không ai thấy mệt cả. Bà Cõn bảo, mô hình năm nay có trị giá khoảng 30 triệu đồng, trong đó các doanh nghiệp, các đơn vị trên địa bàn ủng hộ 10 triệu đồng, còn lại huy động từ các hộ gia đình.
Mô hình đèn Trung thu “Gia đình nhà gà” của TP Tuyên Quang trình diễn
trên phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Quang Hòa
Cách đấy không xa, người dân tổ 4 phường Tân Quang cũng đã sẵn sàng để mô hình Chim phượng hoàng “cất cánh” phục vụ trẻ em trong khu phố và khách du lịch dịp lễ hội. Bà Khương Thị Tươi, Tổ trưởng tổ 4 cho biết, mô hình bắt đầu đưa đi rước từ ngày 2-8 âm lịch. Việc xã hội hóa được thực hiện từ những năm đầu tiên, nên năm nào người dân cũng tự nguyện đóng góp tiền, trung bình mỗi hộ dân trong tổ đóng góp 300 nghìn đồng, ủng hộ ngày công để hoàn thành mô hình; các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn cũng hỗ trợ hơn 5 triệu đồng giúp bà con trong tổ hoàn thành mô hình.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Các sản phẩm du lịch của tỉnh hiện chưa phong phú, nên việc phát triển du lịch lễ hội, đặc biệt như Lễ hội Trung thu chính là cơ hội để thu hút du khách thập phương cũng như các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Mường Thanh, Vingroup, FLC... đầu tư thành công ở tỉnh ta. Chính nhờ có sự kiện Lễ hội Trung thu này mà hàng năm Tuyên Quang thu hút hơn 1 triệu lượt du khách và chắc chắn sẽ không ai phải hối tiếc khi lựa chọn điểm đến này bởi không chỉ có sự phong phú, đa dạng về lồng đèn mà còn bởi sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây.
Mô hình đèn trung thu “di sản 4.000 năm qua văn hóa trống đồng” của tổ 2,
phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).
Từ các phường trung tâm thành phố Tuyên Quang, các mô hình đèn Trung thu lan rộng ra các xã ngoại thành, lan về các huyện. Tại các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn... người dân cũng đóng góp làm các mô hình phục vụ niềm vui con trẻ. Ông Chẩu Văn Hướng, Bí thư Chi bộ tổ 2, thị trấn Na Hang cho biết, vì nhiều người dân không có điều kiện xuống thành phố Tuyên Quang tham dự Lễ hội thành Tuyên, nên từ năm 2015, người dân trong tổ nhất trí đóng góp làm mô hình đèn trung thu cho các cháu thiếu nhi vui Tết.
Theo thông tin từ UBND thị trấn Na Hang, năm nay, 20/20 tổ nhân dân trên địa bàn thị trấn đều làm mô hình đèn trung thu; tổ làm mô hình Chú Cuội chăn trâu, tổ làm mô hình gà; tổ làm mô hình rồng... Huyện Na Hang cũng có 1 mô hình tham gia tại Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội thành Tuyên năm nay.
Mô hình đèn trung thu tổ 9, phường Tân Quang. Ảnh: Thanh Phúc
Sức lan tỏa của lễ hội thành Tuyên không chỉ tới tất cả các địa phương trong tỉnh mà đã mở rộng tới các tỉnh, thành phố lân cận. Các mô hình đèn Trung thu cũng lan dần ra các tỉnh Hà Giang, Yên Bái... Nhiều tổ nhân dân ở các tỉnh này sau khi đến thành phố Tuyên Quang chiêm ngưỡng các mô hình đèn Trung thu khổng lồ sẵn sàng bỏ tiền mua lại mô hình về phục vụ nhu cầu con em mình sau dịp Trung thu.
Chị Nguyễn Thanh Ba ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho biết, Tuyên Quang và Yên Bái là “láng giềng” gần nên người dân thành phố và huyện Yên Bình đã học hỏi làm các mô hình đèn Trung thu và cùng tổ chức diễn diễu, bọn trẻ rất thích thú. Qua các mô hình giúp trẻ em hiểu hơn về giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, tạo thêm điểm đến hấp dẫn du khách. Đây là cơ hội tốt để Tuyên Quang và Yên Bái liên kết phát triển du lịch mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Niềm vui mùa lễ hội. Ảnh: Quang Hòa
Để Lễ hội thành Tuyên thực sự được lan tỏa và trở thành ngày hội du lịch của tỉnh, năm nay Tuyên Quang đưa mô hình đèn Trung thu Gia đình nhà gà trảy hội của tổ 11, phường Tân Quang diễu hành tại phố đi bộ Hồ Gươm. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết khi xuất hiện tại phố đi bộ, xe mô hình đèn Trung thu gà khổng lồ nhanh chóng thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dân, đặc biệt là các em nhỏ và du khách nước ngoài.
Đây là một hiệu ứng rất tốt, để người dân Thủ đô sắp xếp lịch trình, có mặt tại thành phố Tuyên Quang trong 2 ngày cuối tuần này. Anh Vũ Quỳnh, nhà ở quận Tây Hồ (Hà Nội), anh được đến Tuyên Quang xem các nghệ nhân làm mô hình đèn Trung thu và ước mong một lần những mô hình này được diễn diễu ở Hà Nội. Điều ước đã thành hiện thực khi mô hình Gia đình nhà gà đã có mặt ở đây, thực sự là sự kỳ công của các nghệ nhân, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống thật là mạnh mẽ.
Người dân và du khách tham gia rước đèn trung thu trên các đường phố của thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Hùng Cường
Trước lễ hội 10 ngày, Trung tâm Xúc tiến đầu tư đã xây dựng kế hoạch liên kết các doanh nghiệp lữ hành và thành lập “Góc nhìn du lịch” tại các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ homestay. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Nguyễn Tiến Hưng, “Góc nhìn du lịch” là mô hình đầu tiên trong cả nước, theo đó các bên cam kết sử dụng dịch vụ của nhau, Trung tâm sẽ đóng vai trò vừa là cầu nối, vừa là đơn vị “bảo lãnh”, đứng ra giải quyết tất cả các vấn đề khách du lịch gặp phải trong quá trình tham quan, tìm hiểu tại Tuyên Quang, từ chất lượng dịch vụ đến giá cả... Đồng thời, thành lập đường dây nóng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ homestay trong việc chào bán tour du lịch.
Theo TQĐT