Tiếng khèn văn hoá của người Mông ở Tuyên Quang

Dân tộc Mông ở Tuyên Quang tuy số dân không đông như các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan nhưng là một dân tộc có tính cộng đồng cao và có bản sắc văn hóa đậm nét. Đồng bào Mông rất yêu thích văn nghệ. Người con trai Mông ngoài việc giỏi làm nương còn phải biết thổi sáo, múa khèn. Người thổi khèn giỏi sẽ có uy tín trong bản.

Múa Khèn Mông tại Phiên Chợ Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam tại Đồng mô Hà nội.
 

Trong tiếng Mông, khèn được gọi là “chúa kềnh”. “Chúa kềnh” rất quan trọng và được xem là vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với cuộc sống tinh thần của người Mông. Cây khèn rất quan trọng với người Mông, có những thứ không thể nói bằng lời được thì dùng tiếng khèn để thay cho lời nói. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ để múa, có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp. 

Trong số các nhạc cụ (tưx sênh - từ sênh) của dân tộc H'mông gồm: Trống, nhị, sáo lưỡi lam, sáo dọc, tiêu, kèn, đàn môi, kèn lá… thì khèn nổi bật nhất. Cấu tạo khèn H'mông gồm một bầu chứa hơi, được gọt tiện bằng gỗ thông và sáu ống trúc dài ngắn tùy theo cung bậc âm thanh và quan trọng nhất là mỗi ống sáo gắn một lưỡi lam đồng. Âm thanh cao, thấp, trầm, bổng khác nhau chính là từ việc chế tác ra những lưỡi lam như lưỡi gà có độ rung cao thấp gắn vào ống trúc lắp trong bầu hơi. Khi thổi hơi vào hoặc hít hơi ra, tần suất rung của lưỡi lam được cộng hưởng trong hợp âm của bầu hơi tạo ra âm thanh.

Với khèn H'mông Lềnh, trong sáu ống tương ứng với sáu nốt nhạc, ống to nhất nhưng lại ngắn nhất ở vị trí ngón cái tay phải gọi là ntir luôr-n-tí lúa, tạm quy vào nốt đố; năm nốt khác tương ứng với các nốt la, sol, fa, rề, đồ. Khèn H'mông Đơư (H'mông Trắng) chỉ khác khèn H'mông Lềnh ở nốt nhạc. Nhạc khèn đều có lời, tuy nhiên phải là những người có năng khiếu thiên bẩm mới đọc và hiểu được nội dung. Và, bất kỳ ai dù có năng khiếu âm nhạc nhưng là tộc người khác thì không thể thổi ra bài và không thể hiểu được khèn H'mông. Cũng vì thế nên khèn là nhạc cụ bí truyền. Khèn H'mông thể hiện rõ bản tính giàu tình cảm, cũng bộc lộ tính cách mạnh mẽ, bất khuất, quật cường nhưng lại phóng túng, hài hoà với thiên nhiên.

Khèn được tách ra thành khèn vui chơi, khèn tâm tình, khèn lễ cưới và khèn tang ma. Trong lễ cưới và tang ma gọi chung là khèn nghi lễ (cũng như các bài ca nghi lễ trong dân ca), đều có bài bản theo một hệ thống quy phạm nghiêm ngặt. Riêng đám tang, bài khèn còn phải song trùng với bài trống.

Khèn H'mông thường có ba loại: To, vừa và nhỏ, còn gọi là khèn đại, âm trầm và chuyên dùng trong đám tang ma; khèn trung, âm thanh vừa, thường dùng khi tâm tình hoặc đám cưới; khèn tiểu, âm sắc dùng khi vui chơi và nhảy múa đơn hoặc múa tập thể.

Vũ điệu múa khèn thể hiện rất rõ ở ba loại hình: Múa võ, múa chọi và múa tài tử. Loại hình múa võ có thể thấy ở những động tác một tay bấm nốt khèn, một tay vỗ bàn chân; hay rạp người thấp xuống rồi dùng chân gạt đối thủ; hoặc phóng chân đá vào mặt đối thủ.

Loại hình chọi điển hình ở những động tác ngồi xổm, hai chân đảo nhau đá về phía trước, nhảy cao đá chân về phía sau hay hai người đạp bàn chân vào nhau. Loại hình tài tử điển hình như đi thăng bằng trên dây, nhảy múa trên cọc, nhảy trên miệng chảo đang sôi, trồng cây chuối, dùng đầu làm điểm tựa rồi cong người nhào lộn vòng tròn, dùng đầu làm điểm tựa rồi bật tung người về phía trước hay bật ngửa về phía sau, thậm chí lăn lộn qua đống lửa.

Tất cả động tác dù phức tạp nhưng tiếng khèn vẫn không dứt, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sức khỏe, tinh nhanh, nhạy bén, dũng khí can trường. Với người H'mông, thổi khèn là để tâm tình với mình, thủ thỉ với người yêu hoặc dùng tiếng khèn chuyện trò với bạn bè và trổ tài trong đám đông như ngày hội Xuân, ngày chợ phiên… Chiếc khèn do chính những người đàn ông Mông kỳ công chế tác. 

Để làm ra một chiếc khèn tốn không ít thời gian, từ khâu đục bầu, lựa ống khèn, rèn lưỡi gà bằng đồng với nhiều công đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ. Khèn gồm 6 ống trúc nằm ngang nối với 1 ống trúc dọc qua bầu gỗ nhỏ, mỗi ống trúc ngang đều có khoét lỗ và gắn 1 lá đồng để tạo âm thanh, riêng ống to và ngắn nhất gắn 2 lá đồng. Khi thổi, âm thanh trầm, bổng, bay cao vút phụ thuộc vào độ dài, ngắn của các ống trúc này.

Khèn dùng để thổi trong đời sống hàng ngày (trừ đám cưới) như: ngày hội xuân, chợ phiên, văn nghệ, gọi người yêu (người phụ nữ Mông phân biệt rất giỏi, biết được tiếng khèn nào của người mình yêu). Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Có tiếng khèn thì linh hồn người chết mới được đưa về tổ tiên. Khèn trong đám tang của người Mông có hơn 60 bài, tùy theo hoàn cảnh gia đình và sự ra đi của người chết, người thổi khèn sẽ tấu những bài phù hợp.

Nghệ thuật trình diễn khèn thể hiện đặc sắc, kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa với cây khèn. Người múa say sưa thể hiện các bài khèn, kèm theo là các động tác nhuần nhuyễn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn một người mà đến bốn người hoặc hơn, khi múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn.

Múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông, ghi dấu ấn sâu sắc trong các lễ nghi. Đồng thời, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hóa của các dân tộc ở mỗi địa phương.

Ngày nay, dù cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng với đồng bào dân tộc Mông, những chiếc khèn vẫn gắn bó với họ. Những chiếc khèn với âm thanh dìu dặt vẫn là người bạn đồng hành của các chàng trai Mông.

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/


Bài viết liên quan