Độc đáo các sản phẩm lưu niệm

Từ ngày 20 đến 27-9-2023, Lễ hội thành Tuyên năm 2023 - một lễ hội đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang sẽ được tổ chức cùng với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Đến với Tuyên Quang trong dịp này, hòa mình vào không khí của lễ hội Trung thu lớn nhất cả nước, du khách còn có thể lựa chọn nhiều sản phẩm quà tặng du lịch độc đáo của địa phương. Các sản phẩm lưu niệm phong phú, đa dạng đã góp phần quảng bá du lịch tỉnh nhà; đồng thời tăng chi tiêu của du khách, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Du khách chọn lựa sản phẩm của HTX Thổ cẩm Lâm Bình làm quà tặng.
 

Đại đa số người đi du lịch, khi đến tham quan đều muốn mua sản phẩm quà lưu niệm, đặc trưng của vùng đất đó, vừa để lưu giữ kỷ niệm, vừa làm quà biếu người thân, bạn bè sau chuyến đi. Không thể phủ nhận rằng, các sản phẩm lưu niệm cùng khách du lịch trở về địa phương là một kênh tuyên truyền, quảng bá du lịch khá hiệu quả đến khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài.

Hiện nay, các mặt hàng lưu niệm trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, phong phú về chủng loại, hình dáng. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), các đặc sản của tỉnh như: Chè Shan tuyết Na Hang, mật ong, vải thổ cẩm… được bày bán tại các cửa hàng, điểm, khu du lịch.

Đây là nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú cần được quan tâm đầu tư cải tiến về chất lượng, mẫu mã để không chỉ phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn phục vụ cho phát triển du lịch như: chè, măng, mật ong, dầu lạc, trà túi lọc đậu đen xanh lòng, thịt trâu khô, mộc hương trà... Nhiều sản phẩm OCOP có bao bì, đóng gói mẫu mã đẹp mắt, chất lượng, giá cả hợp lý, được du khách ưa chuộng và tìm mua.

Bên cạnh đó, một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng chủ động phát triển sản phẩm lưu niệm dựa trên các sản vật, văn hóa của địa phương. Trong đó có các sản phẩm quà tặng du lịch OCOP độc đáo như: thanh Long ruột đỏ Chiêm Hóa, bún khô Ngọc Hội, chè Tân An, bưởi Hòa An, hồng không hạt Bình Phú, Yên Lập, gà ri Kim Bình, nấm yến Phúc Thịnh, măng khô Tri Trú, long nhãn Vinh Quang, dưa lưới Kim Bình, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Kim Bình, trà túi lọc cà gai leo, cao cà gai leo,  gạo an toàn Suối Xanh...
 

Du khách lựa chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng.
 

Đang chọn mua sản phẩm tại cửa hàng OCOP trên địa bàn thành phố Tuyên Quang để làm quà cho người thân, anh Nguyễn Hải, nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La chia sẻ: Được tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch làng nghề tỉnh Tuyên Quang năm 2023, tôi thấy các sản phẩm OCOP rất đa dạng, đặc biệt là mẫu mã, bao bì đẹp, đầy đủ các thông tin nên rất yên tâm. Mong rằng Tuyên Quang sẽ có nhiều điểm bán hàng OCOP hơn nữa để du khách thuận tiện tìm mua và lựa chọn để làm quà tặng.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 191 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 149 sản phẩm đạt 3 sao, 41 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đang đề nghị phân hạng 5 sao OCOP. Bên cạnh đáp ứng yêu cầu chất lượng, nhờ “cú huých” từ khâu xúc tiến thương mại, đến nay các sản phẩm đã được du khách trong và người nước ngoài lựa chọn làm quà tặng cho bạn bè và người thân. Một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng chủ động phát triển sản phẩm lưu niệm dựa trên các sản vật, văn hóa của địa phương. Trong đó, có những sản phẩm độc đáo, đa dạng về mẫu mã, hình thức cho du khách lựa chọn làm quà tặng. Đơn cử như tại hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm Lâm Bình, những phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn... đã làm ra nhiều sản phẩm từ quần, áo đến đồ lưu niệm, chăn, mũ, khăn quàng thổ cẩm...

Các sản phẩm có những họa tiết, hoa văn chế tác tinh xảo, thêu dệt kỹ lưỡng làm bằng chất liệu truyền thống của đồng bào, nên các sản phẩm được du khách rất ưa chuộng. Bà Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết, tại các hội chợ, lễ hội được tổ chức tại Tuyên Quang và các tỉnh bạn, nhiều khách hàng yêu thích và lựa chọn sản phẩm lưu niệm của HTX để dùng và làm quà tặng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Bình cũng đã có cửa hàng bày bán các sản phẩm được làm từ chất liệu thổ cẩm. Qua đó, các du khách đến với Lâm Bình có thể đến tham quan cũng như lựa chọn các sản phẩm để làm quà tặng.

Nhìn chung những sản phẩm lưu niệm này thường nhỏ gọn, ý nghĩa, tiện lợi với khách du lịch. Xét về nhiều mặt, đẩy mạnh và đa dạng mặt hàng quà tặng lưu niệm mang đặc trưng của Tuyên Quang không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập mà còn thu hút du khách, quảng bá văn hóa, du lịch.

Hy vọng, trong thời gian tới, các ngành chức năng, chính quyền, hội đoàn thể các cấp sẽ hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nghệ nhân sản xuất sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Tuyên Quang nhiều hơn nữa; góp phần xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm lưu niệm, tích cực quảng bá hình ảnh du lịch mảnh đất này đến du khách gần xa.

Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 đang đến rất gần. Lễ hội dự kiến sẽ thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và chiêm ngưỡng. Đây cũng là dịp để Tuyên Quang giới thiệu những sản phẩm quà tặng đến với du khách.

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/


Bài viết liên quan