Đón nhận Chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tri thức về cọn nước của người Tày

Sáng 30-9, tại xã Trung Hà, UBND huyện Chiêm Hoá đã tổ chức Lễ đón nhận Chứng nhận tri thức về cọn nước của người Tày xã Trung Hà và Hà Lang (Chiêm Hoá), xã Côn Lôn (Na Hang), xã Phúc Yên (Lâm Bình) là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và Lễ hội giã cốm xã Trung Hà.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Báo Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa và các đại biểu dự buổi lễ.

Dự lễ đón nhận có các đồng chí: Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Mai Đức Thông, Uỷ viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang; lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch; lãnh đạo một số sở, ngành ttỉnh, huyện Chiêm Hoá, Na Hang, Lâm Bình.

Cọn nước gắn bó từ lâu đời với người Tày ở Tuyên Quang, đồng thời gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào. Trong các loại công trình thủy lợi ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, cọn nước là công trình thủy lợi truyền thống, sử dụng sức nước để đưa nước từ sông, suối lên tưới cho các khu ruộng cao hơn mặt nước.

Cọn nước không chỉ là công cụ trong lao động sản xuất, là công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng của bàn tay khối óc con người mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa trao Bằng công nhận tri thức cọn nước của người Tày một số xã của huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tri thức sử dụng cọn nước ở các bản làng vùng cao đã minh chứng cho sự khéo léo, trí thông minh và khả năng tư duy, sáng tạo, sự tính toán tỉ mỉ, chính xác trong việc chuẩn bị vật liệu, lắp đặt của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang trong hành trình chinh phục thiên nhiên của người miền núi.

Trải qua nhiều thế hệ, cọn nước là thành quả của quá trình tích luỹ, rút kinh nghiệm trong lao động sản xuất, là sợi dây gắn kết trong cộng đồng người Tày. Giá trị văn hóa phi vật thể cọn nước mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với cuộc sống đời thường của đồng bào và trở thành di sản không thể thiếu trong cộng đồng người Tày.

Bảo tồn di sản cọn nước trở thành nhiệm vụ cấp bách để giữ gìn giữ nét đẹp văn hóa, gắn kết con người với cộng đồng, môi trường sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có thu hút khách du khách đến với Tuyên Quang.

Chương trình văn nghệ chào mừng buổi lễ.

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra Lễ hội giã cốm; trưng bày mâm cỗ truyền thống; tham quan cọn nước; hội chợ quê trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản vật địa phương.

Các thầy làm lễ cúng Kéng loỏng- cúng lúa mới.

Phần thi nướng lúa nếp làm cốm.

Phần thi giã cốm giữa các thôn xã Trung Hà.

Gian hàng của các thôn trong xã mang bản sắc địa phương.

Theo TQĐT

 


Bài viết liên quan