Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Cao Lan để phát triển du lịch

Bên cạnh việc nỗ lực lao động sản xuất phát triển kinh tế, những năm qua, đồng bào người Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang còn đoàn kết, chung sức gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa kết thành bản sắc, hồn cốt dân tộc.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng thông Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) những năm gần đây là một địa chỉ du lịch cộng đồng được nhiều người biết đến, nơi đây vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Cao Lan.
 

Bánh chim gâu là loại bánh có vỏ bọc ngoài bằng lá dứa rừng, được đan rất tỉ mỉ thành hình con chim gâu (hay chim cu gáy). Thế hệ trẻ người Cao Lan tích cực tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 


Thôn Động Sơn có khoảng 90% dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Cao Lan, nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét truyền thống văn hóa độc đáo như hát sình ca, các điệu múa dân gian, trang phục, ẩm thực, tiếng nói…

Thực hiện đề án Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, Hội LHPN huyện Yên Sơn đã đăng ký nội dung đột phá thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 đó là, xây dựng được sản phẩm đặc trưng tại địa phương, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa, đặc biệt là duy trì hoạt động của câu lạc bộ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn). Vận động các thành viên thường xuyên luyện tập những làn điệu truyền thống của đồng bào và truyền đạt lại cho thế hệ trẻ, bên cạnh đó mở lớp dạy nghề mây tre đan để chị em có thêm nghề phụ tạo ra những sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
 

Thế hệ trẻ người Cao Lan tích cực tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


Bà Hoàng Thị Định, dân tộc Cao Lan ở thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) cho biết, hiện tại các hộ trong thôn đang tập trung chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình để phát triển du lịch, gia đình tôi chọn nghề mây tre đan từ đó đã tạo việc làm trong lúc nhàn rỗi, có nguồn thu nhập cho gia đình.

Chị Hoàng Thị Duyên, dân tộc Cao Lan ở thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) chia sẻ, đối với ẩm thực của dân tộc Cao Lan chúng tôi rất phong phú, trong đó có loại bánh chim gâu với bánh nẳng, khi khách du lịch đến trải nghiệm thì du khách rất thích thú. Một trong những món ẩm thực đặc trưng của người Cao Lan ở thôn Động Sơn là bánh chim gâu, nguyên liệu chủ yếu để hình thành lên món bánh này là lá dứa rừng, sau khi được rửa sạch lau khô sẽ được tước phần gai trẻ thân cứng đi cho lá mềm rễ gói, những chiếc bánh chim gâu với hình dáng nhỏ xinh này thể hiện tình yêu thương sự quan tâm lẫn nhau của những người thân trong gia đình, đặc biệt khi du khách đến với thôn Động Sơn món bánh chim gâu sẽ được du khách lựa chọn để thưởng thức và làm quà.
 

Truyền dạy cho thế hệ trẻ nghề đan lát của dân tộc và giao tiếp, trò chuyện với nhau bằng tiếng Cao Lan.
 

Bà La Thị Tập, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Cao Lan xã Chân Sơn nói: Cùng với trang phục truyền thống; phong tục, tập quán tốt đẹp; điệu hát, múa sình ca, đồng bào Cao Lan còn giữ được nhiều điệu múa truyền thống như múa còn, múa xúc tép, múa cờ, múa cầu mùa kết hợp với trống sành cổ, biểu tượng văn hóa tâm linh không thể thiếu trong tâm thức của người Cao Lan...
 

Các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ luôn duy trì sinh hoạt, cùng nhau học tập, giao lưu với nhau.


Thông qua việc sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ. Từ khi CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người Cao Lan được thành lập tại các thôn, ngoài việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, CLB còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để giúp người dân Cao Lan hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, trở thành diểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến nơi đây.

Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn/

 


Bài viết liên quan