Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Chính phủ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước vừa trải qua đại dịch Covid-19, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Do vậy các cấp, các ngành, địa phương cần phải chung tay vượt qua những khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và kinh tế du lịch; phải có tư duy, giải pháp tiếp cận và mở rộng thị trường du lịch; việc quản trị ngành du lịch phải phù hợp với tình hình mới mang tính đột phá, có hệ thống.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Lượng khách du lịch quốc tế tính đến hết tháng 10 năm nay đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm; chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia. Việt Nam vẫn còn thiếu chính sách thị thực có tính linh hoạt, cạnh tranh trong bối cảnh mới sau dịch Covid-19. Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới; thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch.
Các đại biểu dự hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, đại biểu phân tích về những khủng hoảng ảnh hưởng đến phát triển du lịch, đồng thời đề xuất giải pháp mang tính đột phá, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững. Trong đó, đại biểu nêu rõ những vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị kỹ, chu đáo hội nghị. Những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn, cho thấy quyết tâm cao phát triển đột phá ngành du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần đi sau nhưng phải vượt lên trước; yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp du lịch phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi du lịch; đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn; đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nói không với tiêu cực; đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thủ tướng khẳng định, trên tinh thần "Lời nói đi đôi với việc làm", "việc hôm nay chớ để ngày mai", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch nhanh và bền vững.
Theo baotuyenquang.com.vn