Trống, chiêng – nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số

Trong các ngày lễ, hội hay liên hoan văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thường không thể thiếu những điệu múa chiêng, múa trống. Đó là những nhạc cụ quen thuộc tạo nên âm thanh độc đáo, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào.

 Chiêng, trống được sử dụng trong điệu múa của đồng bào dân tộc Dao.

Trống, chiêng có thể có các kích thước khác nhau, nhưng đều là những nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học, xã Đội Bình (Yên Sơn) cho biết, tiếng trống Sành không thể thiếu trong một số điệu múa của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Trống có chiều dài khoảng 40cm, hai đầu phình ra, ở giữa thu nhỏ, được ốp bằng miếng da kỳ đà để tạo tiếng vang, trầm bổng. Tiếng trống không chỉ là thành phần không thể thiếu trong các điệu múa, hát, mà trong các buổi lễ nó còn là sợi dây kết nối với tổ tiên, thần linh, cầu mong tổ tiên, thần linh chứng giám, phù hộ cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống được hạnh phúc.

Đặc biệt, trong các buổi lễ quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số không thể thiếu tiếng chiêng, tiếng trống. Ông Đặng Văn Thảnh, dân tộc Dao, thôn Đèo Hoa, xã Chân Sơn (Yên Sơn) cho biết, chiêng, trống là nhạc cụ không thể thiếu trong điệu múa cấp sắc, cầu mùa, làm chay… của dân tộc Dao. Không phải chàng trai nào cũng được dùng chiêng, trống, mà phải được lựa chọn; để được múa trong các dịp quan trọng thường là người đã được cấp sắc, có âm binh, thần binh phù hộ.

Chiêng có dạng hình tròn, được làm bằng đồng, có độ vang lớn. Trống được dùng trong các điệu múa là loại trống nhỏ, mặt trống có thể được làm bằng da bò hoặc da lợn, càng mỏng độ vang càng lớn. Để đánh được chiêng, trống hoà nhịp với các điệu múa của đồng bào dân tộc đòi hỏi sự khéo léo và phải tập luyện trong thời gian nhất định.

Một điệu múa kết hợp nhạc cụ chiêng, trống, chuông.

Em Đặng Văn Tài, thành viên Đội văn nghệ, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) chia sẻ, được các ông, các bác truyền dạy nên em biết đánh chiêng, trống từ nhỏ. Quan trọng là người đánh phải nắm được nhịp điệu để có thể kết hợp với múa. Những người có thể vừa đánh chiêng, trống vừa nhảy múa nhịp nhàng, nhuần nhuyễn là đã có thời gian tập luyện lâu dài, bên bỉ. Hiện nay, đội văn nghệ chúng em còn thường xuyên biểu diễn các điệu múa có sử dụng chiêng, trống để phục vụ khách du lịch tại các homestay, góp phần giữ gìn và lan toả bản sắc văn hoá dân tộc Dao trong cộng đồng.

Trong mỗi dịp Tết đến, xuân về, không khó để bắt gặp các em nhỏ đang được dạy múa, hát; các đội, CLB văn nghệ thôn, bản ở các địa phương trong tỉnh đang tích cực tập luyện để biểu diễn phục vụ Tết, các lễ hội đầu xuân. Trong đó, không thể thiếu những điệu múa chiêng, múa trống, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 

Theo TQĐT.                                                              


Bài viết liên quan