Cá chép ruộng bậc thang Hồng Thái

Không chỉ là vùng đất của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bồng bềnh trong mây, uốn lượn theo dáng núi làm nao lòng bao du khách, đến Hồng Thái (Na Hang) vào mùa lúa chín du khách còn bị níu chân bằng món ẩm thực vô cùng thú vị: Cá chép ruộng bậc thang

 Người dân xã Hồng Thái (Na Hang) thu hoạch cá chép được nuôi trên những thửa ruộng bậc thang.


Đồng chí Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết, mô hình nuôi cá chép ruộng đã có từ lâu, hiện nay tổng diện tích nuôi cá chép ruộng của xã trên 60 ha, sản lượng mỗi vụ ước đạt gần 3 tấn cá, tập trung ở thôn: Khau Tràng, Nà Mụ, Khuổi Phầy. Bà con nuôi cá chép xen trồng lúa trong cùng thời vụ. Ruộng sau khi bừa lần 3, be bờ tích nước bà con mới đưa cá vào ruộng. Sau chu kỳ cây lúa sinh trưởng đến 3 tháng rưỡi được người dân tháo nước và thu hoạch cá trước khi gặt lúa, vậy nên cá chép ruộng ở đây thịt săn chắc, thơm ngon, béo ngậy.

Vụ mùa năm nay, ông Đặng Văn Búa, thôn Khau Tràng nuôi cá chép trong 5.000 m2 ruộng lúa của gia đình. Ông Búa cho biết, ngoài việc thu hoạch được 2,5 tấn thóc, gia đình ông còn bán được hơn 1,5 tạ cá chép ruộng với giá bán 100 nghìn đồng/1kg. Sau khi trừ chi phí mua giống, gia đình ông thu được hơn 10 triệu đồng từ bán cá.


Cá chép ruộng sử dụng thức ăn tự nhiên, nên chất lượng thịt thơm ngon, béo ngậy.


Nhiều năm nay, gia đình anh Triệu Văn Phin, thôn Nà Mụ cũng tận dụng hơn 4.000 m2 ruộng của gia đình vừa cấy lúa, vừa nuôi cá chép. Anh Phin chia sẻ: Đây là cách làm hay, hiệu quả. Khi thả cá vào ruộng thì nguồn ôxy trong đất, nước sẽ được thường xuyên trao đổi rất có lợi cho sự phát triển của cây lúa. Hơn nữa, cá cũng có tác dụng giúp diệt các loại ốc hay một số loại sâu, bọ hại lúa... Qua hơn 3 tháng nuôi, cá chép cho thu hoạch với sản lượng từ 3 đến 4kg/100 m2 với giá bình quân từ 100 đến 110 nghìn đồng/1kg, mỗi vụ nuôi cá như vậy, trừ chi phí gia đình anh thu lãi gần 10 triệu đồng.

Cá chép ruộng sau khi thu hoạch được bán cho các nhà hàng trên địa bàn xã, thị trấn Na Hang và các xã lân cận. Anh Đặng Đức Tài, chủ nhà hàng Tài Cảnh, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái cho biết, cá chép ruộng mang rán và làm mắm chua là ngon nhất. Cá sau khi mua, người ta cho vào nuôi ở bể, thau nước to trong ba ngày. Nước dưỡng cá phải là nước sạch, có người kỳ công còn chọn nước suối nguồn trong vắt để dưỡng cá. Trong ba ngày đó, phải thay nước đều đặn, khi nào cá thải sạch cặn bã trong ruột trong vảy, nước trong như suối nguồn thì mới mang đi chế biến. Con cá lúc này người ta cảm giác nhìn cả thấy ruột, thấy xương, khi chế biến chỉ cần moi mật, còn lại giữ nguyên. Ăn như thế mới ngon, mới cảm được cái nguyên chất từ loại cá giàu chất dinh dưỡng này. Chỉ cần ăn một lần món chép rán nguyên con chấm nước mắm hương vị húng rừng thì quả là mê mẩn…Ngày hội Văn hóa du lịch vùng cao lần này diễn ra tại Hồng Thái, ngoài các món ẩm thực đặc trưng ở nơi đây như rau husu, bí thơm, cải nương, thịt trâu gác bếp, gà đồi, xôi ngũ sắc… thì nhà hàng của anh cũng đã chuẩn bị 30 đến 40 kg cá chép ruộng để phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan