Tuyên Quang: Điểm hẹn vùng cao

Năm 2018, huyện Na Hang và Lâm Bình đã tạo được dấu ấn quan trọng trong phát triển du lịch, với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia. Đây chính là tiền đề, động lực để trong năm 2019, hai huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm quảng bá du lịch đến du khách thập phương.

Vẻ đẹp ruộng bậc thang Hồng Thái.

   Tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách

     Ông Hoàng Anh Cương, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, huyện có rất nhiều tiềm năng du lịch, trong đó điểm nhấn quan trọng là du lịch vùng lòng Hồ sinh thái Na Hang, du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp ruộng bậc thang xã Hồng Thái, Đà Vị và du lịch cộng đồng tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống, những sản vật độc đáo của địa phương. Năm 2018 lần đầu tiên huyện tổ chức Ngày hội văn hóa vùng cao lần thứ nhất đạt được những kết quả ngoài mong đợi, làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về cách làm du lịch. Đồng thời, đây là cơ hội quảng bá mạnh mẽ mảnh đất con người Na Hang đến với bạn bè bốn phương.


Biểu diễn dù lượn tại Ngày hội Văn hóa vùng cao Na Hang lần thứ nhất 2018.

     Nhiếp ảnh gia Hà Thế Đô, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nói, ngoài chiêm ngưỡng cảnh quan ruộng bậc thang đẹp ở Hồng Thái, du khách còn được chứng kiến màn biểu diễn dù lượn, thi xe đạp địa hình, thêu khăn của người Dao tiền, hái chè Shan tuyết, thu hoạch lúa, đua mảng ngóc, giã cốm... hết sức đặc sắc. Đây cũng chính là những chất liệu quan trọng để sáng tạo nên những bức ảnh đẹp. Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công triển lãm ảnh “Sắc màu vùng cao Hồng Thái”, giới thiệu đến công chúng cảnh sắc, con người vùng cao, tạo điểm nhấn cho Ngày hội.

 

Hồ sinh thái Na Hang - điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Ảnh: Quốc Việt

     Vui cùng Ngày hội, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Na Hang phấn khởi khi Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được công nhận là Danh thắng Quốc gia, tiến tới danh hiệu Khu di tích Quốc gia đặc biệt vào đầu năm nay. Trước đó, Tuyên Quang và Bắc Kạn đã khảo sát, hội thảo, phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nhờ có các biện pháp kích cầu, năm 2018 du lịch Na Hang đón trên 100 nghìn lượt khách, ước tăng 14% so với năm 2017.

 


Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

     Năm nào cũng vậy, vào tháng Giêng huyện Lâm Bình lại tổ chức Lễ hội Lồng tông. Năm 2018, Lễ hội kéo dài từ ngày 26-2 đến ngày 3-3, (tức ngày 11 đến hết ngày 16 tháng Giêng), với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo du khách gần xa. Trong đó có các hoạt động như: Tổ chức gian trưng bày công cụ, dụng cụ sinh hoạt truyền thống hàng ngày, đồ thủ công mỹ nghệ; gian hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản; trưng bày ảnh về mảnh đất, con người Lâm Bình; Giải bóng chuyền hơi; tổ chức các Nghi lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn... Qua đó, tạo không khí vui tươi, lành mạnh và giữ gìn bản sắc của các dân tộc trên địa bàn.


Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình.

     Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, trước kia lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp xã, nhưng từ khi huyện được thành lập (năm 2011) thì Lễ hội Lồng tông được tổ chức theo quy mô cấp huyện. Năm 2018 là năm thứ 2 UBND huyện tổ chức Lễ hội Lồng tông gắn với Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện. Mọi công tác chuẩn bị để thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian, liên hoan văn nghệ, công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác an ninh trật tự... đều đã được huyện triển khai chu đáo.

     Để đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách khi đến với lễ hội, các hộ gia đình làm dịch vụ homestay và các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, sẵn sàng đón khách. Ngoài tham gia lễ hội, du khách có thể tham quan các bản làng văn hóa trên địa bàn huyện bằng dịch vụ xe đạp, xe máy, xe trâu; tham gia chèo thuyền Kayak; tham quan những điểm du lịch hấp dẫn của huyện như: Thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me, động Song Long, động Khuổi Pín, hang người Việt cổ... trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang.

 

 

Người dân xem trưng bày triển lãm ảnh với chủ đề “Lung linh huyền thoại hồ trên núi”
tại Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình năm 2018.

    Để du lịch “cất cánh”

     Để du lịch của địa phương thực sự phát triển, năm 2019, huyện Na Hang và Lâm Bình tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xây dựng tua, tuyến du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

     Theo dự kiến Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình năm Kỷ Hợi được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16-2 (tức ngày 11 và 12 tháng Giêng) bao gồm nhiều hoạt động như: Tổ chức thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian; giao lưu văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc, nhảy lửa; trưng bày ảnh về mảnh đất và con người Lâm Bình; thi mâm cỗ đẹp là các sản vật đặc sản của địa phương… Đặc biệt tại Lễ hội năm nay Ban Tổ chức đưa thêm nội dung thi bắt cá ở suối, chọi dê… chắc chắn sẽ tạo điểm nhấn, độc đáo, thu hút du khách tham gia.  

 

Người dân xã Hồng Thái (Na Hang) thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Hồng Đăng

      Ông Hoàng Trọng Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lâm (Lâm Bình) nói, để phục vụ phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân, xã đã đưa vào trồng thí điểm 2 ha rau sạch gồm rau cải, bí, măng tây... tại thôn Khau Đao theo dự án rau an toàn. Đồng thời, khuyến khích bà con phát triển các sản phẩm đặc sản phục vụ nhu cầu của du khách như thịt trâu khô, cá ruộng... Chắc chắn đây sẽ là những sản phẩm được du khách ưa chuộng trong dịp lễ hội năm nay. 

 


Một công đoạn làm cốm của người Tày ở xã Côn Lôn (Na Hang).

     Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, 2 huyện còn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ phát triển dịch vụ du lịch homestay. Bà Bàn Thị Khé, chủ hộ homestay ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) bày tỏ, năm vừa qua lần đầu tiên huyện tổ chức Ngày hội, lượng khách sử dụng dịch vụ homestay khá đông, tuy nhiên do các hộ mới làm nên cũng chưa bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp và sự liên kết. Bởi vậy, trong năm nay, để phục vụ du khách được tốt hơn, nhân dân mong chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong cách làm du lịch homestay. Bên cạnh đó, các hộ cũng sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất; khai thác ẩm thực, văn hóa địa phương để phục vụ du khách được tốt hơn...

     Phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa du lịch, phát huy những thế mạnh, đặc sản của địa phương là hướng đi đúng mà huyện Na Hang, Lâm Bình đang thực hiện. Từ đó, thu hút du khách đến tham quan, du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo TQĐT 


Bài viết liên quan